Bắt đầu từ những cơn mưa. Không phải những cơn mưa ầm ào sấm rung chớp giật rồi tạnh nhanh vào những buổi chiều mùa hạ. Đó là những cơn mưa dài thường khởi phát vào ban đêm và kéo dài ra đến cả ngày hôm sau. Mùa thu đã đến như là một sự ban phát của thiên nhiên luôn hào phóng với đời sống con người. Những cánh đồng còn trơ gốc rạ ngập tràn nước mát là môi trường kỳ thú để các loài thủy sinh tìm về…
Bây giờ những ao, hồ, khe, ruộng ở làng tôi cá không còn nhiều như trước – là những ngày thơấu lũ trẻ chúng tôi cứ chân trần lội nước đuổi cá. Sau một cơn mưa dài, chỉ cần bước vài bước ra ngoài vườn là đã thấy cá bơi từng đàn nơi con khe mội(*) Ong chảy qua vườn nhà. Lũ cá ngạnh, cá rô, cá trê, cá mại… bơi ngược dòng nước chẳng biết để làm gì? Hay là làn nước trong mát quá làm chúng thích thú nên bơi vậy thôi… Sau này học bài thơ Thu điếu của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến ngay câu đầu: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” là tôi nghĩ ngay đến con khe mội Ong chảy qua vườn nhà trong mát của mình. Mà cái khoảng trời nước thu bé dại đó cũng đã là ký ức mất rồi khi con khe qua vườn nhà đã không còn chảy được nữa vì nguồn nước mội Ong đã bị thời gian và sự vô ý của con người vùi lấp…
Tuổi thơ tôi cây cỏ, hoa trái bờ rào quanh nhà là một bờ cổ tích. Là cây muồng chuộng lá non mẹ thường hái nấu canh, còn những cọng non mới ra rửa sạch đưa vào miệng nhai chua chua rồi đến mùa trái muồng chuộng chín từng chùm ăn ngòn ngọt và đen cả lưỡi. Là cây bợ, cây mủ chó, mấy đọt măng hóp tre cho lũ con gái chơi trò đi chợ bán hàng. Rồi những chùm bòng bong làm mũ, làm áo chơi đánh trận giả. Là rau ngót, diếp cá, lá lốt cho dĩa rau sống bữa ăn cả nhà… Cái bờ rào cũng là nơi sinh sống họp đàn của lũ bươm bướm, chuồn chuồn, tắc kè, rắn mối rồi cả cóc, nhái, ếch, ễnh ương… Những đêm mưa đầu mùa, chúng lại rủ nhau cùng cất lên một bản hòa ca réo rắt, vui tai. Thỉnh thoảng lại xuất hiện một con chim cuốc mẹ dẫn theo mấy đứa con chạy ra vườn vào sáng sớm sau suốt một đêm mưa hay một đàn cá rô lạc nước trườn từ ao lên cả mấy luống rau.
Những trận mưa đầu thu cũng đủ nước cho con khe Làng chảy đẹp như một bức tranh thủy mặc khi hai bên là những cây lộc vừng đến mùa ra hoa đỏ rực soi xuống dòng nước. Hồi nhỏ tôi không hiểu lắm về sự hữu ích của khe Làng; sau này mới hiểu và nể phục trí tuệ của ông cha trong việc chinh phục thiên nhiên. Con khe Làng mùa hè chỉ là một dòng nước cạn, có khi hạn hán thì trơ cát nhưng mùa mưa nó trở thành một con nước xanh trong thật đẹp và mùa lụt thì nó là một con nước ầm ào hung hãn. Tất cả nước mưa vùng độn cát mênh mông đều đổ xuống con khe này để chảy ra sông Ô Lâu. Nếu như không có khe Làng thì có lẽ làng tôi đã bị nước và cát vùi lấp trong những cơn lụt lớn… Mùa lụt, thỉnh thoảng vào nửa đêm hay rạng sáng, tiếng kẻng từ các xóm dồn dập hối thúc, ba tôi cùng tất cả những người đàn ông trong làng đều vội vã chạy ra cầm cuốc, cầm xẻng để lao về phía con đập khe Làng. “Nứt đập” đó là chuyện mà không ai trong làng muốn chứng kiến. Sau những trận lụt, trời nắng lên, vô độn cát đi tắm khe Làng là một thú vui cũng là một trò chơi nguy hiểm của đám con nít làng tôi. Nước khe Làng lúc đó vẫn còn chảy xiết mà trong vắt. Đứng trên bờ nhảy ùm xuống dòng nước để tìm cảm giác mạnh. Tôi vốn không biết bơi nên chỉ dám tắm mấy chỗ cạn cạn. Còn mấy thằng bạn chăn trâu xóm tôi thì tìm chỗ sâu nhất, nước chảy mạnh nhất để trổ tài nhào lộn với dòng nước…
Tết Trung thu với những đứa trẻ quê là bài hát như những lời đồng dao: Rằm Trung thu nay anh nấu cái gì đó anh – Rằm Trung thu nay tui nấu nồi chè đậu xanh – Mời anh qua chơi ăn ít ăn nhiều với tui – Bà con tui đông tui nấu cái nồi tí xiu”. Thú thật là tuổi thơ nghèo nông thôn hồi đó của chúng tôi không biết đến múa lân và luôn nghĩ rằng đó là một thú vui xa xỉ ở một nơi phố thị xa xôi nào đó. Chuẩn bị cho đêm rằm Trung thu, cả lũ con nít trong xóm rủ nhau chặt cây tre làm đèn và chờ đến đúng đêm rằm được tập trung tới sân trường để nhận kẹo. Thằng Lợi hàng xóm của tôi không đi học nhưng cứ đến Trung thu là hắn lại ăn mặc tươm tất tới sân trường từ chập tối, chạy từ lớp này sang lớp khác để được nhận thật nhiều kẹo. Thành quả là sáng mai hắn còn dư cả một bịch kẹo to để chia phần cho cả mấy đứa bạn chăn trâu của hắn.
Đến mùa Trung thu tôi cứ nhớ mãi cái lần đầu biết hương vị của cái bánh trung thu là khi học lớp Ba. Chuyện là nhà tôi xuất chuồng cặp heo cho ông hàng thịt chở đi Huế bán. Mấy ngày sau, ông vô chồng tiền và nói với ba tôi là mấy con heo đi trên đò sao đó sóng to gió lớn nên chết luôn và xin giảm một cân hơi mấy đồng. Miệng vừa nói tay ông ta nhanh nhẹn phát cho mấy anh em tôi mỗi đứa một cái bánh trông rất lạ mắt. Thấy cái bánh hấp dẫn quá, mấy anh em tôi cho ngay vào miệng và cảm thấy ngon chi lạ. Ông hàng thịt đi rồi, ba buồn bã nói: “Thằng cha ni xạo quá, có mấy cái bánh trung thu mà hắn bớt của mình tới mấy chục đồng…”.