Chưa biết thị trường chứng khoán tháng Năm sẽ như thế nào, có “Sell in May” (bán cổ phiếu trong tháng Năm) để rồi lao dốc như người ta vẫn thường lo ngại hay không, nhưng rõ ràng là đợt điều chỉnh khá mạnh nửa sau tháng Tư cộng với kỳ nghỉ lễ sẽ khiến cho việc trở lại xu hướng tăng của thị trường càng thêm khó khăn. Ngay sau khi chinh phục được mốc điểm 730, VN-Index nhanh chóng giảm điểm, lần lượt các mốc 720, 710 bị thử thách, trong bối cảnh những thông tin liên quan đến kinh tế trong nước lẫn quốc tế đều không khả quan. Ở trong nước, xét dưới góc độ kỹ thuật, đợt tăng trưởng khá nóng (gần 60 điểm) kể từ đầu năm 2017 mà không có sự hậu thuẫn thông tin mạnh mẽ nào là quá năng lực tự thân của VN-Index, vì vậy, một đợt điều chỉnh là cần thiết, để đưa mặt bằng cổ phiếu xuống thấp hơn, dễ mua – bán hơn. Trên thế giới, những điểm nóng chưa bớt căng thẳng, trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa có bước đột phá, giá dầu thô vẫn thấp do cung vượt cầu.
Tuy nhiên, những yếu tố từ bên ngoài chỉ mang tính hỗ trợ. Thị trường chứng khoán có bước tăng bền vững hay không được quyết định bởi năng lực nội tại của nền kinh tế và của chính các doanh nghiệp niêm yết. Trong khi doanh thu, lợi nhuận năm 2016 và triển vọng 2017 của các doanh nghiệp đa phần khá tốt, thì kinh tế vĩ mô không được thuận lợi như vậy. Mức tăng GDP của quý I-2017 là khá thấp (5,1%) và có xu hướng giảm dần (quý I-2015 là 6% và quý I-2016 là 5,5%), trong khi Chính phủ vẫn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và củng cố niềm tin của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, điều này có nghĩa là không thể duy trì và nâng cao sức tăng trưởng của nền kinh tế bằng cách huy động mọi nguồn lực trong xã hội, mà cần có những giải pháp đột phá nhằm nâng cao hiệu quả của việc phân bổ và khai thác nguồn lực. Bên cạnh mối lo về tăng trưởng, nguy cơ lạm phát vượt mức 5% cũng không thể xem nhẹ, bởi giá của một số sản phẩm thiết yếu như điện và dịch vụ y tế khó thể duy trì trong thời gian tới. Một khi các doanh nghiệp không quyết tâm đề cao sự hiệu quả, chỉ tập trung vào mô hình mở rộng, thì giá sản phẩm sẽ bị đẩy lên, cộng thêm giá đầu vào tăng sẽ càng khiến lạm phát bùng nổ.
Mỗi khi thị trường chứng khoán nước ta suy giảm, sự mua ròng của khối ngoại luôn là điểm tựa giúp nhà đầu tư cá nhân cân bằng tâm lý, hay ít ra cũng giúp giảm nhẹ tốc độ lao dốc của các chỉ số. Và điều này vẫn đang đúng trong giai đoạn hiện nay. Dù không còn mua ròng mạnh với hàng trăm tỉ đồng mỗi phiên như ở giai đoạn đỉnh, thì trong những ngày vừa qua, khối ngoại vẫn chưa chuyển trạng thái bán ròng. Điều này một mặt chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào thị trường chứng khoán nước ta, mặt khác cũng là phù hợp với động thái chung của khối ngoại đối với thị trường chứng khoán toàn cầu. Theo đó, chứng chỉ quỹ iShares đầu tư vào thị trường cận biên (trong đó có nước ta) thời gian gần đây tăng mạnh sau một khoảng thời gian dài tích lũy, bỏ xa các thị trường mới nổi và thị trường phát triển.
Thêm một thông tin mang tính hỗ trợ cao cho thị trường trong tháng Năm nói riêng và cả năm 2017 nói chung, đó là việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn trong năm 2017, trong đó có nhiều doanh nghiệp tên tuổi như Tập đoàn FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong,… Đây là các công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán và các mã cổ phiếu tương ứng rất được nhà đầu tư quan tâm. Nguồn cung hàng tốt dồi dào có thể lôi kéo thêm dòng tiền đầu tư trong và ngoài nước, thanh khoản của thị trường sẽ được nâng cao.
- Ngọc Khang