Kính tặng những bà mẹ quê nghèo
Người bạn chạy xe về, cười vui: “Chè ngon lắm, mua về một bịch để giải… thèm nè. Mà rẻ nữa chớ, có năm ngàn thôi!”.
Lâu lắm mới ăn ly chè đậm đà như thế.
Thư thả nên có thể nhẩn nha “luận nhân tình” quanh ly chè. Thứ nhất là, “cảm nhận chè” đầu tiên là như thế này: cả năm thứ đậu trắng, đậu đen, đậu ngự… được nấu rất nhuyễn, tan ngay trên đầu lưỡi mà hạt đậu vẫn còn nguyên. Tiếp theo, “liên tưởng chè” là việc của… dòng tâm thức (làm sao mà không nảy sinh sự so sánh cho đặng, khi đầu óc con người được đặt trước những sự việc giống-nhau-mà-khác nhau?). Ấy là, ly chè này khác xa những ly chè do mấy người trong phố mần ăn theo kiểu chụp giựt, được bán… chỉ một lần cho khách du lịch, giá thì trời ơi, mà hương và vị thì… hỡi trời! Cuối cùng, “kinh tế” chè là: Ngon đã đành, lại còn rẻ nữa: năm ngàn đồng một ly, mà nhiều ứ hự, bằng cả… năm cái ly-trong-phố gộp lại. Ăn xong là no luôn; no thật chứ không phải nói theo kiểu cường điệu chút nào.
Ly chè được mua ở một khu vực ngoại vi phố cổ, từ gánh chè của một bà mẹ khoảng hơn bảy mươi tuổi. Vùng ngoại vi này cũng đang phố hóa dần dần, với những ngôi nhà lớn nhỏ khác nhau, của tây và của ta. Đất thì đang khác – khác từ từ. Tâm tính của không ít người, tất nhiên cũng theo… giá đất mà thay đổi. Khiến xui nên những cảnh buồn lòng trong một số gia đình, giữa anh em, cha con, chồng vợ. Nhưng cũng còn có những người… không chịu khác. Như bà mẹ quê bán chè này: dì Anh. Như mấy cái chấm người trong tốp thợ nề đang đổ mồ hôi dưới cái nóng nung, phía xa kia. Dì Anh trước kia bán chè trong phố, nay theo cuộc mưu sinh mà dời ra khu vực ngoại ô. Tất nhiên dì Anh biết giá chè bán ở trong phố đắt hơn giá ly chè của bà. Nhưng bởi vì, thuộc thế hệ những người mà việc buôn bán là “lấy công làm lãi” (hoặc công việc mà trong kiếp này đương nhiên phải gánh vác), dì không thể “hét giá” như một số người kinh doanh khác. Bởi vì, vân vân và vân…
Lại chợt nhớ về mười mấy năm trước, khi cùng nhóm hai mươi anh em văn nghệ “ở trỏng” về dự mừng phố cổ được công nhận là di sản văn hóa. Không tìm được một chỗ trong mấy cái quán dọc đường bờ sông, vì ông tây bà đầm đã ngồi chật hết. May mắn là còn một xe nước mía trên vỉa hè, với vài cái đòn (ghế nhỏ) ngồi bé tẹo. Ngồi khá lâu, chuyện trò đủ thứ. Đứng lên trả tiền, anh bán nước mía nói hai ly mười ngàn. Đưa tờ giấy bạc hai mươi ngàn đồng, nói đừng thối tiền. Và thầm cảm ơn, vì dẫu sao cũng đã có một chỗ ngồi trong khi quá nhiều người phải đứng. Vậy mà ảnh vẫn cương quyết không chịu nhận, nhất định phải thối lại mười ngàn đồng cho được… Sau lần về quê ấy, mỗi khi có dịp ca ngợi quê nhà, thường thích thú mà dẫn trưng cái ví dụ vừa kể: “Người phố cổ tốt như thế đấy, văn hóa như vậy đó!”.
Chuyện ly nước mía mười mấy năm trước và chuyện ly chè hôm nay, bắt chước ngôn ngữ quảng cáo mà nói, là hai-trong-một, phải vậy không?
Và bởi, sống là hy vọng, nên mong sao, vẫn còn nhiều những ly chè và ly nước mía như thế. Để còn lưu lại chút ngọt lòng, giữa những đắng chát kia…
Xin được như nguyện.