Với tên gọi “Hội họa Việt Nam – Một diện mạo khác”, triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Q. Ba Đình, Hà Nội từ 19 đến 23-10-2015) là một sự kiện mỹ thuật đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên có nhiều tác phẩm quý hiếm của các bậc thầy xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được giới thiệu với công chúng trong nước.
Hơn 50 bức tranh được giới thiệu tại triển lãm thuộc sở hữu của nhà sưu tập Nguyễn Minh, trong số đó có khá nhiều bức được ông đưa từ các sàn đấu giá quốc tế tổ chức tại Mỹ, Hongkong, Singapore; đó là 12 bức của Lê Phổ (1907-2001), chín bức của Vũ Cao Đàm (1908-2000), năm bức của Mai Trung Thứ (1906-1980) và một bức của Lê Thị Lựu (1911-1988). Bên cạnh tác phẩm của các tên tuổi lớn kể trên – những người đã tốt nghiệp các khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, còn có tranh của các họa sĩ cũng từng theo học ở ngôi trường được coi là cái nôi của mỹ thuật Việt Nam hiện đại như Phạm Hậu, Trần Duy, Phan Thông…
Khi giới thiệu về triển lãm “Hội họa Việt Nam – Một diện mạo khác”, nhà tổ chức sự kiện nghệ thuật ACCAviet(*) cho biết: “Cơ may của các nhà sưu tập có thể nói là trời cho khi họ cách này hay cách khác đến với nghệ sĩ và các tác phẩm nghệ thuật, mặt khác họ cũng là những nhà kinh doanh giỏi để có thể đầu tư vào nghệ thuật, khi thị trường nghệ thuật ở nước ta còn hết sức non trẻ. Nguyễn Minh xuất phát từ truyền thống chơi đồ cổ trong gia đình, riêng bộ sưu tập đồ cổ của ông cũng giá trị, và sau này – khi là bạn của những người con ông Đức Minh (Bùi Đình Thản), Nguyễn Minh được coi là người đầu tiên mua được một số tác phẩm từ sưu tập Đức Minh khi bộ sưu tập đó tan vỡ. Trong những năm gần đây, khi ý thức được ý nghĩa và giá trị của sưu tập nghệ thuật, Nguyễn Minh chuyển sang một hướng khác là tham gia các phiên đấu giá quốc tế. Từ đó, ông bắt đầu đem về nước nhiều tác phẩm nghệ thuật của các hãng Christie’s, Sotheby’s và các nhà đấu giá khác”. Bộ sưu tập tranh mà ông Nguyễn Minh hiện lưu giữ gồm hơn 200 tác phẩm trải dài nhiều thập niên, từ 1940 đến 1990, qua nhiều thời kỳ, khởi đầu từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đó là những năm tháng chiến tranh, rồi đến thời bao cấp và đổi mới. Các tác giả trong sưu tập đáng trân trọng này gồm: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Trần Văn Cẩn, Phạm Hậu, Hoàng Tích Chù, Dương Hướng Minh, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đức Nùng, Trần Duy, Phan Thông, Nguyễn Dung, Đinh Minh, Nguyễn Đức Thục, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Mai Văn Nam, Mai Văn Hiến, Nguyễn Trọng Hợp, Lê Quốc Lộc, Trọng Kiệm, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Cao Thương, Trọng Kiệm, Thái Hà, Hoàng Trầm, Lê Thanh Đức… cho đến các tên tuổi thuộc thế hệ sau như Thành Chương, Đặng Xuân Hòa…
Ngay trong ngày khai mạc triển lãm, ấn phẩm Hội họa Việt Nam – Một diện mạo khác cũng ra mắt công chúng yêu nghệ thuật – đây là quyển sách được nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng và cộng sự thực hiện công phu trong hai năm về các tác phẩm thuộc sưu tập của ông Nguyễn Minh. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận định: “So với phương Tây, những nhà sưu tập Việt Nam ít hơn nhiều, bộ sưu tập cũng không lâu đời hơn, nhưng trong hoàn cảnh văn hóa đất nước thời hiện đại còn nghèo nàn thì những gì họ làm cũng đã thật đáng quý… Số phận của các tác phẩm chắc còn long đong nhiều, bởi khả năng lưu giữ có hạn của tất cả các nhà sưu tập Việt Nam, cho nên, bất kỳ lúc nào, việc giới thiệu được các tác phẩm nghệ thuật quý, cũng là cơ hội tốt cho công chúng yêu nghệ thuật và là dịp để đánh giá vai trò của nghệ thuật đối với văn hóa xã hội”.
(*) ACCAviet là một nhóm các nhà tổ chức và giám tuyển (curator) độc lập tại Hà Nội, hoạt động với chức năng tổ chức các triển lãm, sự kiện và hoạt động nghệ thuật cho nghệ sĩ trong nước và quốc tế có mong muốn được thực hiện tại Việt Nam
“Suốt một trăm năm của thế kỷ XX, nền văn hóa Việt Nam, hệt như bà mẹ trong chiến tranh, dành dụm nuôi con, chăm bẵm và giành phần thiệt thòi về mình. Nhiều đình – đền – chùa bị phá hủy, nhiều cổ vật bị tiêu tan, buôn bán và chạy ra nước ngoài, nhiều văn nghệ sĩ thất cơ lỡ vận, sau cùng là nhiều tác phẩm của họ phiêu bạt. Việc chúng được lưu giữ trong các sưu tập cho đến ngày hôm nay, có thể nói, trước tiên vì chúng có giá trị thức tỉnh con người, và những người thức tỉnh đã bằng cách này hay cách khác gìn giữ chúng, trong những điều kiện gần như không thể”
(trích từ sách Hội họa Việt Nam – Một diện mạo khác)
- Ngã Văn