Lobby (vận động hành lang) vẫn được coi là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt dân chủ các nước phương Tây. Tuy nhiên, trong thời gian qua, loại hành động này đã gây ra rất nhiều bất ổn trong đời sống chính trị ở châu Âu, khi tiền bạc đút lót, những cuộc đi đêm đã tác động mạnh lên quá trình soạn thảo và ban hành các chính sách tại nhiều quốc gia. Trong một báo cáo công bố ngày 15-4 vừa qua, tổ chức Minh bạch Quốc tế nhận định rằng những quy định, điều lệ thiếu rõ ràng cần phải bị lên án, đồng thời cần có sự cải tổ các quy chế về lobby trên thế giới. Báo cáo cũng tiết lộ là trong 19 nước châu Âu được khảo sát thì chỉ bảy nước có luật lệ hay quy định về hoạt động lobby. Theo bà Elena Panfilova, Phó chủ tịch tổ chức quốc tế trên, trong năm năm qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thi hành nhiều chính sách kinh tế gây ra những hậu quả lớn cho công dân nước họ. Dựa vào các tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá mức độ sử dụng luật pháp trong việc pháp chế hóa hành vi lobby, Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Slovania vào hàng cao nhất với 55%, thấp nhất là Cyprus và Hungary, chỉ với 14%, hiệu quả thấp ở hầu hết các lĩnh vực. Những nước đang gặp khủng hoảng trong khu vực đồng euro là Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha thuộc năm nước có thành tích tệ nhất trong việc thể chế hóa hoạt động lobby, ở đó mối quan hệ chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tài chính luôn mang lại nhiều nguy cơ. Về phần Liên minh châu Âu (EU), ba định chế cốt lõi của họ là Ủy ban châu Âu (EC), Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng Liên minh châu Âu (CEU) đạt thành tích trung bình là 36%. Đây là điều đáng ngạc nhiên, vì Brussels là trung tâm lobby của châu Âu và những quyết định xuất phát từ thủ đô nước Bỉ này có ảnh hưởng đến toàn khu vực.
Cũng theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, không một nước châu Âu nào hay định chế nào của EU đã kiểm soát thích đáng cánh cửa mở ra giữa các khu vực công và tư, dẫn đến các hậu quả bất lợi cho nền kinh tế, cho môi trường, cho quyền con người và an ninh công cộng. Hoạt động lobby ngày nay tác động lên nhiều lĩnh vực của nền công nghiệp châu Âu như rượu, thuốc lá, ôtô, năng lượng, tài chính và dược phẩm. Các thủ đoạn lobby không minh bạch là một trong những cánh cửa mở ra tham nhũng và châu Âu đang có nguy cơ đối mặt với sự hoành hành của tệ nạn này. Muốn cải thiện tình hình, các nước châu Âu cần xây dựng những quy định chặt chẽ buộc các nhà vận động hành lang phải tuân thủ để tránh sự tác động của họ lên các nhà soạn thảo và thi hành những chính sách thiết thực trong đời sống quốc gia.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)