Với thị trường chứng khoán Việt Nam, tháng 4 xem như đã kết thúc sớm sau tuần giao dịch từ 20 đến 24-4, vì chỉ còn một phiên giao dịch (27-4) nữa mà thôi. Đã trở thành thói quen, những ngày giao dịch trước một kỳ nghỉ dài, thanh khoản của thị trường thường rất kém. Lần này cũng không là ngoại lệ, bất chấp việc khối ngoại đã mua ròng mạnh hai tuần liên tiếp. Giao dịch trên cả hai sàn chủ yếu diễn ra ở thế giằng co, các chỉ số cũng như biến động giá ở các cổ phiếu chỉ biến động trong biên độ khá hẹp. Trong hầu hết các phiên giao dịch, sắc đỏ chiếm ưu thế, mà nguyên nhân chính là do áp lực chốt lời đến từ những nhà đầu tư bắt đáy thành công. Dù vậy, đà giảm không lớn và cũng không kéo dài, do người nắm cổ phiếu không muốn bán ra ở vùng giá thấp, trong khi người mua sẵn sàng mua vào khi giá rẻ, đặc biệt là với các bluechip và các cổ phiếu ngân hàng. Nói cách khác, lực cầu giá rẻ luôn thường trực mỗi khi áp lực bán gia tăng, nhưng lực cầu giá cao là rất hạn chế. Diễn biến tâm lý này của nhà đầu tư cho thấy sự lưỡng lự của cả bên nắm giữ nhiều cổ phiếu lẫn bên có nhiều tiền mặt trước kỳ nghỉ lễ.
Một tuần giao dịch khá buồn tẻ tại sàn HSX, với hai phiên tăng và ba phiên giảm điểm, VN-Index mất 2,55 điểm, lùi về 565,77 điểm. Trong khi đó, cả năm phiên trên sàn HNX đều giảm điểm, dù mức giảm không lớn, chỉ 1,03 điểm, khiến HNX-Index lui về mức 82,58 điểm. Những người đặt niềm tin vào nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục được hưởng thành quả trong tuần qua, khi đây là nhóm cổ phiếu duy nhất giữ được mức tăng trưởng đều đặn. Bên cạnh thông tin hỗ trợ từ giá dầu thế giới tăng, bản thân thông tin về lợi nhuận hấp dẫn của đa số các cổ phiếu thuộc dòng dầu khí được niêm yết trên sàn như PVD, PVC, PVS, PXS… cũng đã thỏa mãn được giới đầu tư. Nhóm cổ phiếu bluechip và cổ phiếu các ngân hàng cũng tỏ ra vững vàng trước đà giảm của số đông. Cùng với một số cổ phiếu tăng điểm do có thông tin tích cực từ đại hội cổ đông, những cổ phiếu kể trên đã giúp cho thị trường chứng khoán nước ta không bị sụt giảm mạnh trong tuần qua. Tác động tiêu cực do phần lớn các cổ phiếu mất giá cũng được giảm thiểu. Như đã đề cập, lực cầu tích cực từ khối ngoại tuần qua tiếp tục là lực đỡ tinh thần cho giới đầu tư trong nước, dù trạng thái trong ngày cuối tuần (24-4) của họ là bán ròng trên HSX. Tính chung tuần từ 20 đến 24-4, loại trừ giao dịch thỏa thuận, khối ngoại mua mạnh gần 800 tỉ đồng trên hai sàn, tập trung vào một số cổ phiếu bluechip và nhóm cổ phiếu các ngân hàng lớn.
Bước vào tháng 5, nhiều nhà đầu tư tỏ ra băn khoăn với những nhận định về thị trường. Dưới góc nhìn thận trọng, tình hình đang diễn ra đáng để lo ngại. Trong những ngày vừa qua, khối ngoại mua ròng cùng với mùa đại hội đồng cổ đông diễn ra mà thị trường không thể hồi phục điểm số, thì một khi khối ngoại bán ròng, tình hình sẽ còn tệ đến mức nào? Tiếp đó, động thái của khối ngoại là khó đoán định, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới. Việc duy trì tỷ giá USD/VND ổn định trong năm nay sẽ chịu nhiều áp lực hơn năm ngoái. Bên ngoài thì đồng USD đang tăng giá mạnh so với các ngoại tệ khác khiến cho chỉ số Dollar Index đạt mức cao nhất 12 năm qua. Còn ở trong nước, dư địa điều chỉnh tỷ giá không còn nhiều sau khi đã được điều chỉnh 1% vào đầu tháng 1-2015. Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định mục tiêu giữổn định trong khoảng biến động 2% trong năm nay, bất chấp việc đã dùng hết một nửa “quota” ngay từ đầu năm. Nguồn lực dự trữ ngoại hối khá cao với dự báo cán cân tổng thể năm 2015 vẫn thặng dư lớn là cơ sở để nhà điều hành kiên định với mục tiêu này. Đồng euro cũng là một vấn đề. Kể từ tháng 5 năm ngoái đến nay, đồng euro đã giảm 12% giá trị so với tiền đồng, khiến doanh thu xuất khẩu khi chuyển từ đồng euro sang tiền đồng giảm mạnh. Việc euro giảm giá cũng khiến hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu đang trở nên hấp dẫn hơn, hàng nhập khẩu từ thị trường châu Âu vào nước ta tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Để đối phó với áp lực này, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tìm cách hoãn ký các hợp đồng mới nhằm chờ đồng euro mạnh trở lại.
Những người lạc quan lại nhìn thị trường một cách khá tươi sáng. Mặt bằng lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh, các doanh nghiệp sẽ mở rộng hoạt động sản suất – kinh doanh. Nếu cuối năm nay, Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được thỏa thuận thì sẽ là một cú hích lớn với các doanh nghiệp, chưa kể dự thảo nới room cho nhà đầu tư nước ngoài có thể sớm được thông qua. Khi ấy, nhà đầu tư trong nước sẽ giải ngân mạnh dạn hơn, cộng với đà mua ròng của khối ngoại thì thị trường sẽ đi vào giai đoạn tăng trưởng mạnh.
Thành Huân (DNSGCT)