Với họa sĩ Dương Sen, triển lãm cá nhân có tên gọi “20 năm, một chặng đường” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 17-12 đến 1-1-2017) là một dịp để ông tổng kết hành trình đến với nghệ thuật tạo hình.
Ở triển lãm cuối cùng của năm 2016 này, toàn bộ các gian trưng bày ở tầng trệt khu triển lãm của bảo tàng được bày kín với hàng trăm bức tranh sơn mài và sơn dầu. Dương Sen ở trong số các họa sĩ vẽ nhiều, triển lãm nhiều – trong nước cũng như ở nước ngoài, và cũng bán được khá nhiều (một động lực để ông không ngừng sáng tác), mà một chỉ dấu cụ thể là ngay trong buổi sáng khai mạc triển lãm “20 năm, một chặng đường” đã có không ít nơ đỏ được gắn trên tranh.
Tác giả là một tên tuổi của sơn mài Sài Gòn đương đại nên ở phòng tranh mang ý nghĩa tổng kết một chặng của sự nghiệp hội họa, mảng tranh với chất liệu truyền thống Việt Nam chiếm đa số. Tuy nhiên, không vì thế mà tranh sơn dầu của Dương Sen thiếu sức thu hút người xem. Những đề tài trong tranh của ông đều thân thuộc, gần gũi với mọi người: phong cảnh thiên nhiên, đất nước với sinh hoạt của người dân, tĩnh vật hoa (đặc biệt là hoa sen)… và một ít tranh trừu tượng không là thế mạnh của ông. Ấn tượng nhất có lẽ là loạt tranh phong cảnh “Làng quê Việt” vài chục bức, được thể hiện bằng sơn mài và cả sơn dầu thành quả của những chuyến đi đến nhiều vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó là loạt tranh “Phong cảnh miền Tây” cũng hàng chục bức, được vẽ bằng sơn dầu với bảng màu trong và nhẹ, đầy tình cảm đối với một vùng sông nước miền Nam. Sinh trưởng ở một vùng quê Bắc Trung bộ, sau khi rời bộ đội ông đã theo học mỹ thuật, sống và vẽ ở miền Nam từ nhiều năm nay.
Xem tranh Dương Sen, có cảm giác ông đang kể một câu chuyện dung dị và cảm động về những vùng quê đẹp đẽ nhưng cũng đang đối diện với nhiều nguy cơ bị xâm hại bởi chính con người hoặc do sự phát triển bất cập, bởi quá trình đô thị hóa không bền vững… Chính vì thế nên dù không có mấy tác phẩm mới, phòng tranh “20 năm, một chặng đường” vẫn là một triển lãm thú vị cuối năm 2016.
- Ngã Văn