Đầu tháng 6-2019, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã chính thức mua tác phẩm video art Chạm tới biển của hai nghệ sĩ thị giác Lê Đức Hải – Lê Ngọc Thanh để bổ sung cho bộ sưu tập của bảo tàng.
Bảo tàng Mỹ thuật Huế mới được thành lập vào tháng 11-2018, non trẻ nhất trong số bốn bảo tàng mỹ thuật công lập nhưng là bảo tàng đầu tiên sưu tập một tác phẩm nghệ thuật đương đại (contemporary art) – đây là một sự kiện có tính bước ngoặt đối với hoạt động của bảo tàng mỹ thuật tại Việt Nam.
Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, cho biết việc chọn tác phẩm video Chạm tới biển vào bộ sưu tập của bảo tàng nhằm đáp ứng nhu cầu lưu giữ và trưng bày các tác phẩm có giá trị nghệ thuật – yếu tố hết sức quan trọng, có tính quyết định đối với tầm vóc và uy tín của một bảo tàng mỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh tỉnh Thừa Thiên – Huế đang rất quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển các không gian văn hóa, các thiết chế mỹ thuật xứng tầm với một đô thị có bề dày lịch sử và văn hóa là thành phố Huế.
Cũng theo bà Hoài Trai, bên cạnh công việc sưu tập các tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng đã có đóng góp cho việc xây dựng nền mỹ thuật Huế từ đầu thế kỷ 20 đến nay như: Tôn Thất Sa, Tôn Thất Đào, Nguyễn Khoa Toàn, Nguyễn Văn Nhơn, Phạm Đăng Trí, Vĩnh Phối, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận…, Bảo tàng Mỹ thuật Huế còn quan tâm đến các họa sĩ và nhà điêu khắc trẻ đang sống và sáng tác tại Huế cũng như các nghệ sĩ đương đại mà điển hình là hai anh em Lê Đức Hải – Lê Ngọc Thanh.
Theo họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên – Huế, thành viên Hội đồng thẩm định việc chọn mua tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế, đã có khá nhiều sự cân nhắc trong hội đồng trước khi đi đến quyết định mua video Chạm tới biển vì chưa hề có tiền lệ trong lịch sử hoạt động của các bảo tàng mỹ thuật tại nước ta.
Là người theo dõi, gắn bó với hoạt động mỹ thuật tại Huế nhiều năm qua, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức cho rằng việc mua tác phẩm đương đại nói trên là cần thiết để làm phong phú bộ sưu tập của một bảo tàng mỹ thuật.
Cũng theo ông, Chạm tới biển được đưa vào sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore (SAM), Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Maiiam ở Chiangmai, Thái Lan và một bộ sưu tập cá nhân cỡ lớn tại Singapore nên đã có được sự thẩm định uy tín quốc tế.
Thêm nữa, suốt hai thập niên qua hai tác giả của Chạm tới biển đã có nhiều cống hiến cho sinh hoạt mỹ thuật tại Huế qua không gian New Space Arts Foundation (NSAF) mà họ thành lập vào năm 2008.
Chạm tới biển là một câu chuyện nối dài ký ức quá khứ, hiện tại và tương lai của anh em sinh đôi Lê Đức Hải – Lê Ngọc Thanh.
Trong bộ phim video này, họ là hai nhân vật giả tưởng trong hành trình đi tìm lại nhau, cũng là tìm lại chính quê hương – bản ngã của mình.
Đó là một câu chuyện không phải được kể lại, mà là được tháo rời ra trong một tiến trình lẫn lộn thực và ảo diễn ra ở một vùng biển, mà tất cả đều là ẩn dụ – ẩn dụ này dẫn tới một ẩn dụ khác và mãi mãi không kết thúc.
Thông qua đó, hai tác giả muốn đặt câu hỏi về ý nghĩa của sự chia ly và hợp nhất – hai trạng thái quan trọng nhất của con người – một câu hỏi thông qua nghệ thuật.
Chạm tới biển mang ý nghĩa của một lá thư viết bằng hình ảnh, qua đó mỗi người xem cảm nhận tác phẩm theo cách riêng của mình, và trong không gian của tác phẩm là sự tự do không giới hạn.
Được sáng tác năm 2010, chỉnh sửa lại năm 2013, Chạm tới biển là video được trình chiếu trên ba kênh (3-channel video) với thời lượng 21 phút.
Từ năm 2011 đến 2017, tác phẩm đã theo chân hai tác giả chu du qua nhiều bảo tàng và trung tâm nghệ thuật, những nơi tổ chức các triển lãm nghệ thuật đương đại, có thể kể: Triển lãm lưỡng niên Singapore 2013 tại SAM; triển lãm “Tự do cho xe” tại gallery Long Beach, California (2013); triển lãm “Cái nhìn thoáng qua mà chúng ta thấy” tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại FreeS Art Space ở Đài Bắc, Đài Loan (2014); triển lãm “Into Asia” tại Bảo tàng Queens, New York và triển lãm “Trực tiếp kết nối bản thân mình với thế giới” tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Kumamoto, Nhật Bản (2015); Liên hoan nghệ thuật đương đại tại Trung tâm nghệ thuật Jim Thomson ở Bangkok, Thái Lan (2016); Liên hoan nghệ thuật Tübingen ở Đức (2017).
Lê Đức Hải – Lê Ngọc Thanh (nghệ danh quốc tế là Le Brothers) sinh năm 1975 tại Quảng Bình, học và tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, hiện sống và sáng tác tại Huế.
Khởi đầu sự nghiệp nghệ thuật với tranh sơn mài, kể từ năm 1994 đến năm 2008 đã có rất nhiều triển lãm cá nhân và nhóm chuyên về tranh sơn mài tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật, Hà Lan, Israel, Luxembourg, Thái Lan, Lào…
Dù gặt hái thành công về nghệ thuật cũng như thương mại với tranh sơn mài, cách đây hơn mười năm hai anh em quyết định từ giã hội họa để chuyển hẳn sang hoạt động nghệ thuật đương đại, tập trung vào video art và tạo được dấu ấn trong lĩnh vực này với nhiều tác phẩm video của họ được giới thiệu tại các sự kiện nghệ thuật đương đại quy mô toàn cầu.