Khoảng ba năm trở lại đây, tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện một số dự án ứng dụng công nghệ cao trong chăm sóc sức khỏe (health tech). Dù đi sau Singapore, Indonesia, Philippines nhưng tiềm năng trong lĩnh vực y tế trực tuyến ở Việt Nam được đánh giá khá tốt do mức độ người dân chi tiêu cho y tế ngày càng tăng, số lượng người sử dụng internet ngày càng nhiều.
Là phương tiện kết nối hữu hiệu giữa giới y bác sĩ và người dân, internet có ưu điểm lớn trong việc tiết kiệm chi phí trung gian. Thị trường Việt Nam đang dần quen với dịch vụ bác sĩ 24/7 thông qua các ứng dụng giúp người dùng nói chuyện trực tiếp với bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu. Tận dụng sự tiện lợi và phổ biến của laptop và điện thoại thông minh, nhiều đơn vị y tế và doanh nghiệp đã nghiên cứu – cho ra mắt các phần mềm, các ứng dụng có thể giúp bệnh nhân khám bệnh hay chủ động chăm sóc sức khỏe ngay trên thiết bị cá nhân.
Đầu tư bài bản nhất có thể kể đến Basic24x7, ứng dụng đang đạt được kết quả thử nghiệm khả quan ở Huế. Basic24x7 là một ứng dụng dựa trên công nghệ Microsoft Bot Framework cho phép nhân viên y tế kết nối và tư vấn trực tuyến với người bệnh. Hệ thống còn ứng dụng dữ liệu lớn (Big data), giúp các chuyên gia y tế đưa ra những lời chẩn đoán chính xác, nhanh chóng nhất cho bệnh nhân. Ngoài ra, đáng chú ý còn phải kể đến mClinica (Singapore) sở hữu nền tảng SwipeRx với hơn 60.000 thành viên ở Việt Nam, Philippines và Indonesia, hay các hệ thống HelloBacsi.com, CancerCare.vn, ứng dụng VOV Bacsi24 của Đài Tiếng nói Việt Nam đã được phát triển giúp kết nối bệnh nhân với gần 1.000 bác sĩ đến từ các bệnh viện Trung ương.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam cũng đã xuất hiện dịch vụ hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Sau khi tìm hiểu thông tin trên web, tự làm bài test tâm lý miễn phí, nếu muốn khách hàng sẽ được MHCD – doanh nghiệp có tiền thân là một tổ chức phi chính phủ của Anh tư vấn trực tuyến và trực tiếp cung cấp giải pháp. Dù khởi đầu gặp nhiều khó khăn nhưng sau sáu tháng ra mắt dịch vụ, lợi nhuận từ mảng trực tuyến của MHCD đạt mức 25% trên doanh thu.
Trong thời gian tới, các dự án health tech có thể mang lại những lợi ích lớn hơn là chỉ khám bệnh trực tuyến. Ví dụ như kết quả xét nghiệm được trả qua ứng dụng, ứng dụng kết hợp với các thiết bị tự động theo dõi tim mạch và huyết áp… góp phần khuyến khích người dân chủ động chăm sóc sức khỏe của mình.
Hiện nay, một dự án health tech đầy tham vọng còn dự định trong mười năm tới sẽ xây dựng một “hệ sinh thái” về y tế, chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam với các thành phần như cổng thương mại điện tử, mạng lưới đại lý đến từng địa phương, hồ sơ y tế cá nhân, cổng thanh toán, cổng giao vận, mạng lưới bác sĩ tư vấn, mạng lưới cơ sở y tế, hệ thống tư vấn sức khỏe trực tuyến, bác sĩ gia đình, bảo hiểm thông minh… Tất cả đều được chạy trên một nền tảng ERP hợp nhất, khách hàng có thể dễ dàng mua các sản phẩm qua cổng thương mại điện tử hoặc qua các đại lý tại khu vực.