Trẻ không học bằng lời nói của ta mà một cách ý thức hay không ý thức quan sát rất kỹ hành động của ta và bắt chước. Hơn thế nữa, trẻ nhập tâm những giá trị sống mà cha mẹ thể hiện hằng ngày, dù cha mẹ có ý thức hay không.
Khái niệm “thần tượng” nghe to tát vậy nhưng là một quá trình tâm lý bình thường. Đó là việc trẻ học làm người bằng cách bắt chước những người lớn mà chúng yêu mến và thán phục. Đó trước tiên là cha mẹ, anh chị và thầy cô.
Trẻ rất cần những “người mẫu” này để học đóng vai trò làm người, làm anh chị, làm công dân, thầy cô, bác sĩ v.v… Bé hay chơi trò chơi làm mẹ, làm cô giáo… là vậy. Do đó tâm lý học có một khái niệm gần gũi hơn là “mô hình về vai trò” (role model).
Các “thần tượng” này chẳng phải là thần thánh gì nhưng ít lắm là họ phải đóng tốt vai trò của họ. Cha mẹ sống có đạo đức làm người, có lương tâm, làm tròn bổn phận cha mẹ, bổn phận công dân và nhất là thương yêu con cái.
Trẻ không học bằng lời nói của ta mà một cách ý thức hay không ý thức quan sát rất kỹ hành động của ta và bắt chước.
Hơn thế nữa, trẻ nhập tâm những giá trị sống mà cha mẹ thể hiện hằng ngày, dù cha mẹ có ý thức hay không. Ví dụ cha mẹ có lương tâm, có lòng nhân ái, quan tâm đến người khác thì vào trường trẻ dễ tuân thủ kỷ luật và chia sẻ với trẻ khác.
- Xem thêm: Cũng không phải là chuyện dễ!
Nếu cha mẹ có những giá trị sống ngược lại thì vào trường trẻ có thể ích kỷ, khinh thường, ăn hiếp bạn bè… Tôi có biết một bé trai 7 tuổi mà chỉ chịu mặc đồ hiệu của nuớc ngoài, thứ khác thì em chê.
Chắc chắn cha mẹ không có dạy con làm như vậy nhưng bé bắt chước cách tiêu xài của cha mẹ và phát hiện giá trị sống của cha mẹ qua các cuộc trao đổi giữa họ.
Điều trẻ cần nhất để hình thành một nhân cách lành mạnh là sự hòa thuận của “thần tượng”, sự nhất trí trong cách giáo dục con cái vì những điều này tạo cho trẻ cảm giác an toàn, hạnh phúc và sự tự tin.
Chính bầu không khí gia đình này là lá chắn che chở bé và tạo cho bé một nhân cách sung mãn khiến cho trẻ khó rơi vào các cám dỗ của cuộc sống.
Nếu sống có lý tưởng, có định hướng tương lai, ham học, nhất là có cảm giác hạnh phúc trẻ khó rơi vào ma túy chẳng hạn.
Người ta thường nói đến các đặc điểm tâm lý của tuổi mới lớn mà ít nhắc đến một khía cạnh khá quan trọng. Đó là trẻ bắt đầu hình thành hệ thống giá trị riêng của mình và có cái nhìn phê phán đối với giá trị sống của cha mẹ.
Trẻ sẽ thất vọng với “thần tượng” khi lời nói không đi đôi với việc làm và sự nổi loạn có thể xuất phát từ đây. Thần tượng ban đầu cũng là thần tượng suốt đời.
Khi lớn lên trẻ không tuyệt đối hóa “thần tượng” như lúc nhỏ: chỉ có cha mẹ là nhất. Trẻ cũng không đòi hỏi ở cha mẹ sự hoàn hảo nhưng sự hy sinh cho con cái, tình thương bao la dành cho chúng, một lối sống thật là người vẫn là nguồn động viên cơ bản để trẻ sống tốt.
Họ có thể là một ông nông dân quê mùa, một bà mẹ nghèo tần tảo nuôi con nhưng những hình ảnh này sẽ theo trẻ tới tuổi trưởng thành để rồi đến phiên chúng trở thành thần tượng cho con cái chúng.
- Xem thêm: Giúp trẻ nhận biết niềm tự hào từ cha mẹ
Trẻ sẽ có nhiều thần tượng khác trong quá trình lớn lên. Nếu hình ảnh của cha mẹ tích cực, chúng sẽ hướng về những thần tượng tốt. Nếu ngược lại trẻ sẽ chạy theo những người xấu. Là thần tượng ban đầu, cha mẹ cũng là thần tượng suốt đời.
Làm cha mẹ rất khó vì họ là những “người mẫu trong cuộc đời”. Người mẫu trên sân khấu trước khi xuất hiện được chuẩn bị kỹ càng từ sắc đẹp tới cử chỉ.
Xong vai trò họ nhẹ nhàng vì không còn là đối tượng săm soi của khán giả. Người mẫu trong cuộc đời là cha mẹ, thầy cô “diễn” ở mọi nơi mọi lúc, trước những khán giả tinh tường và đặt nhiều kỳ vọng nơi họ.
Giáo dục là sống những điều mình muốn dạy, không có cách nào khác hơn.