Giữa tháng 5-2018, nhà Christie’s ở New York sẽ đưa lên sàn đấu giá một bức tranh quý hiếm của Van Gogh từng thuộc sở hữu của nữ diễn viên thượng thặng Elizabeth Taylor. Đây là lần thứ hai tác phẩm này được nhà Christie’s đưa lên sàn và chắc chắn nó sẽ đạt mức giá rất cao.
Trải qua nhiều thập niên, bức tranh có tên Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy (Vue de l’asile et de la Chapelle de Saint Rémy), được Van Gogh vẽ năm 1889 là một báu vật trong bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật phong phú của ngôi sao màn bạc quá cố Elizabeth Taylor (1932-2011).
Vẽ tranh từ bệnh viện tâm thần
Điểm khác biệt của bức tranh này so với các tác phẩm khác của Van Gogh ở chỗ nó là tác phẩm duy nhất được ông vẽ từ bên ngoài dưỡng trí viện Saint Paul de Mausole, nơi ông phải nhập viện từ ngày 8-5-1889 sau một thời kỳ hoảng loạn thần kinh, khởi đầu từ sự tan vỡ tình bạn với họa sĩ Paul Gauguin khiến ông đã có lúc tự cắt đứt vành tai trái của mình. Bệnh viện tư Saint Paul de Mausole, nằm trong một tu viện cũ ở thị trấn Saint-Rémy, cách biệt với khu dân cư thị trấn và ở giữa những cánh đồng trồng bắp, nho và ôliu. Phòng khám cùng với khu vườn rộng của bệnh viện đã trở thành chủ đề chính trong tranh Van Gogh giai đoạn này. Ông đã vẽ nhiều phác thảo bên trong bệnh viện nhưng không vẽ bức tranh nào toàn cảnh bệnh viện nhìn từ bên ngoài, trừ tác phẩm kể trên.
Cũng trong những ngày sống ở đây, Van Gogh đã để lại cho đời nhiều tranh phong cảnh bất hủ, một số tác phẩm có đặc trưng là các vòng xoáy sắc màu kỳ ảo mà rõ nét nhất là bức Đêm đầy sao (1889). Dù phải nằm điều trị bệnh tâm thần, với sự can thiệp của người em trai Théo, Van Gogh được bác sĩ giám đốc Théophile Peyron cho phép có một phòng vẽ riêng để sáng tác. Ông còn được đặc cách ra bên ngoài đi dạo để ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên trong vùng. Nhờ đó ông đã vẽ được nhiều kiệt tác về những cây bách và cây ôliu, những cánh đồng trồng bắp, trồng nho. Có thể kể các bức Những cây ôliu với núi non phía sau (1889), Những cây bách (1889), Cánh đồng bắp với những cây bách (1889), Đường thôn ở Provence trong đêm (1890)…
Trở lại với bức Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy. Vào một buổi chiều giữa tháng 10-1889, Van Gogh đã đặt giá vẽ trên một cánh đồng ở thị trấn Saint-Rémy và vẽ ngôi nhà nguyện được xây dựng từ thế kỷ XII ở lối vào của tu viện cổ, lúc đó được dùng làm bệnh viện tâm thần Saint Paul de Mausole. Trong thư gửi cho em trai Théo Van Gogh một tháng trước đó, họa sĩ kể rằng ông chưa từng bị dồn nén cảm xúc mãnh liệt như thế để phải vẽ và điều đó sẽ giúp ông chữa trị bệnh tâm thần. Và tác phẩm Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy đã ra đời trong hoàn cảnh như thế. Một bệnh nhân tâm thần nhìn chốn dưỡng bệnh của mình bằng đôi mắt một nghệ sĩ thiên tài.
Các nhà nghiên cứu về Van Gogh tin rằng bức tranh được ông gửi cho em trai Théo vào tháng 12-1889 cùng với nhiều khảo họa, phác thảo được ông vẽ tại bệnh viện. Năm 1905, khi một triển lãm nhìn lại toàn bộ quá trình sáng tác của Van Gogh được tổ chức tại Bảo tàng Stedeliik ở Amsterdam, ông Paul Cassirer, một chủ gallery hàng đầu tại Đức lúc bấy giờ đã đưa bức tranh vào một triển lãm lưu động khắp nước Đức. Ở Hamburg, Dresden và Berlin, triển lãm đã đánh động các nhà phê bình, các sử gia nghệ thuật, các họa sĩ đương đại và cả công chúng Đức về những thành tựu của một họa sĩ có số phận kỳ lạ và đã mau chóng trở thành một huyền thoại hội họa. Năm 1907, Cassirer đã mua bức tranh từ Théo Van Gogh.
Trong sưu tập tranh của Elizabeth Taylor
Khoảng 56 năm sau, nhà buôn tác phẩm nghệ thuật Francis Taylor đã mua bức Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy tại một cuộc đấu giá ở London với giá hơn 92.000 bảng Anh để tặng cho con gái ông lúc bấy giờ đã nổi danh như cồn với vai nữ hoàng Ai Cập Cleopatra trong một bộ phim sử thi mà bạn diễn của cô là nam tài tử Richard Burton. Phim Cleopatra vừa công chiếu trước đó hai tháng. Cô con gái của nhà buôn tranh Francis Taylor chính là nữ tài tử Elizbeth Taylor, người sở hữu một bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật đa dạng và phong phú, ngoài tranh của Vincent van Gogh, sưu tập của Liz Taylor còn có tác phẩm của nhiều danh họa châu Âu như Edgar Degas, Claude Pissarro, Pierre-Auguste Renoir, Maurice Utrillo, Kees Van Dongen, Juan Miró, René Magritte, Paul Delvaux… và nhiều tên tuổi hội họa đương đại. Cùng với khả năng thẩm định cái đẹp được trời phú, Liz Taylor còn có sự cố vấn của người cha nhờ vậy bà đã mua được nhiều tác phẩm không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn là tài sản lớn về mặt đầu tư tiền của.
Bức Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy được Liz Taylor treo trong phòng ngủ của bà cho tới ngày bà qua đời vào năm 2011. Vào tháng 2-2012, bộ sưu tập tranh quý giá của nữ nghệ sĩ quá cố được đưa ra đấu giá tại nhà Christie’s ở London mà một phần khoản tiền thu được sau đó được đưa vào Quỹ phòng chống bệnh AIDS mang tên bà. Trước đó, vào tháng 11-2011, không lâu sau khi Liz Taylor qua đời, nhà Christie’s cũng đã tổ chức một phiên đấu giá các tài sản bà để lại, gồm nữ trang, các vật dụng cá nhân, trang phục đóng phim và trang phục ngoài đời… cũng nhằm mục đích như trên.
Trong phiên đấu giá tháng 9-2012, Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy được bán với giá cao nhất: 10.121.250 bảng Anh (khoảng 14.300.000 USD) cho một người đặt giá ẩn danh qua điện thoại. Nhưng trong phiên đấu giá sắp tới, các chuyên gia tin rằng bức tranh sẽ tìm được chủ mới với giá cuối cùng cao hơn rất nhiều.