Để phát triển và thăng hoa hơn trên con đường sự nghiệp, việc bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân là một điều cực kỳ cần thiết. Và nếu bạn đang có ý định “nhảy ngành” để vượt qua những ranh giới ấy, thì bài viết này chính là dành cho bạn.
Trong bối cảnh đại dịch hiện tại, việc sợ hãi khi phải rời khỏi vùng an toàn của bản thân là một trạng thái tâm lý chung. Vùng an toàn được cho là trạng thái tâm lý thoải mái của chúng ta khi ở trong một môi trường quen thuộc, không nhiều áp lực hay mang tính cạnh tranh và ở đó chúng ta có thể kiểm soát được mọi vấn đề.
Ở trong vùng an toàn, bạn có thể có những công việc bình ổn, không quá khó khăn cũng như không có nhiều sự lo lắng. Tuy nhiên, điều này có thể cũng sẽ khiến bạn không có nhiều cơ hội và động lực để đạt được những thành tựu cao hơn hay những thành tựu mà bạn hằng mong muốn và ấp ủ, cả trong công việc lẫn cuộc sống.
Động lực giúp bạn tự thoát khỏi vùng an toàn
Chắc hẳn sẽ có nhiều người trong chúng ta luôn tự hỏi rằng, nếu vùng an toàn đem lại cho chúng ta “sự bình yên” như vậy, vậy thì liệu chúng ta có cần thiết phải cố gắng để thoát ra khỏi nó hay không? Câu trả lời đương nhiên là có.
Bước ra khỏi vùng an toàn là một trải nghiệm mà ai cũng nên thử trong đời, vì nó mang lại những cơ hội phát triển tuyệt vời. Ngoài ra nó cũng sẽ giúp bạn khám phá bản thân, giúp bạn tự tin hơn và tạo dựng được những mối quan hệ mới. Hành trình thoát ra khỏi vùng an toàn sẽ có thể không được “bằng phẳng” như bạn đã lên kế hoạch, bạn sẽ phải chấp nhận nhiều rủi ro và khó khăn trong quá trình này, nhưng khi đã đạt được thành quả thì chắc chắn bạn sẽ rất vui và tự hào vì có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính bản thân mình.
Đặc biệt, trong công việc, những thách thức và cơ hội mới sẽ luôn là tiền đề giúp bạn tiến đến con đường thành công. Và tất nhiên, nhảy ngành cũng là một trong những việc mà chúng ta có thể gọi là khởi đầu của hành trình thoát khỏi vùng an toàn. Tuy nhiên, việc nhảy ngành cũng mang lại rất nhiều rủi nếu chúng ta không hiểu rõ bản chất của nó.
“Nhảy ngành” thế nào để không bị “ăn hành”?
Chúng ta có rất nhiều lý do khác nhau để suy nghĩ về việc “nhảy ngành”, chẳng hạn như bạn đang làm một công việc mà bản thân không hề thật sự yêu thích; một công việc quá an nhàn và không giúp bạn phát triển; hay bạn đang làm một công việc mà không thể hoạt động được trong thời gian giãn cách xã hội nên bạn có ý định nhảy sang một ngành khác…
Tuy nhảy việc có thể giúp bạn tìm một con đường để phát triển, nhưng hãy thận trọng cân nhắc, bởi rất có thể bạn sẽ mắc phải những sai lầm đấy. Hãy lên kế hoạch cụ thể để không mắc phải những hậu quả không đáng có từ sự thiếu thận trọng của chúng ta.
Việc bạn cần làm đầu tiên chính là tìm hiểu rõ bản thân mình muốn gì cũng như muốn làm công việc thế nào. Tiếp theo, chúng ta cần nghiên cứu rõ về công việc mình muốn và chuẩn bị nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng cho công việc ấy. Nền tảng kiến thức là một trong những yếu tố rất quan trọng nhất khi ta bước ra khỏi vùng an toàn cũng như nhảy ngành.
Nếu bạn đang mông lung, muốn thay đổi công việc nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy thử đọc những quyển sách cực kỳ phù hợp với chủ đề “nhảy ngành” này, đó là Nghĩ khác để sống khác, Bullshit Jobs: Đời ngắn lắm, đừng làm việc vô nghĩa!, Bạn MUỐN làm gì với đời mình?, Spenditude – Làm chủ đồng tiền, tự do tài chính và Thời gian, thấu hiểu để sống xứng đáng từng giây.
Những quyển sách này có thể sẽ giúp bạn đưa ra quyết định lựa chọn nhảy việc trái ngành. Nếu bạn muốn bắt đầu lại từ đầu với một hướng đi mới, lĩnh vực mới, ngoài việc xem bạn thích nó đến đâu, hãy xem bạn đã có những gì, cần trang bị thêm kiến thức nào để đáp ứng yêu cầu công việc. Hơn nữa, hãy tìm hiểu xem bạn muốn làm công việc nào, vị trí nào, bộ phận nào ở công ty và nhà tuyển dụng đang cần gì ở một ứng viên. Tất cả sự chuẩn bị này sẽ giúp bạn tự tin và nắm nhiều phần thắng hơn trên hành trình mới.
Tóm lại, khi còn mông lung về hướng đi của mình, hãy suy nghĩ về tất cả những hình ảnh mà bạn muốn trở thành và thử thực hiện nó. Bạn cũng có thể tham khảo những lời khuyên từ những người mà bạn tin tưởng. Dù mọi thứ có thể sẽ khó khăn ban đầu, nhưng ít ra bạn sẽ không phải hối hận vì đã bỏ lỡ bất kỳ điều gì và nếu bạn đủ cố gắng, những “quả ngọt” sẽ luôn đợi bạn ở phía trước.