Trên internet có đăng một câu chuyện ngắn và bên cạnh có ghi chú như sau: Câu chuyện điện thoại di động (giả định, quyền lực, kiểm soát, rủi ro của công nghệ và phương tiện truyền thông hiện đại, tính riêng tư, an toàn thông tin, đánh cắp thông tin cá nhân…). Còn câu chuyện ngắn ấy như sau:
Có nhiều người đang ở trong phòng thay đồ của một câu lạc bộ golf.
Một tiếng chuông điện thoại di động vang lên. “Vâng, anh trả lời em ngay đây” – người nhận cuộc gọi trả lời – “Em định mua hàng phải không? Thật tuyệt vời!”. Anh ta mỉm cười với mấy người bạn rồi tiếp tục: “Em muốn đặt mua mấy tấm thảm mới đó phải không? Nếu bao gồm cả màn cửa thì em chỉ muốn tính thêm năm ngàn à?… Chắc chắn rồi, sao lại không?”.
Nụ cười tiếp tục tiếp diễn xuất trên khuôn mặt anh ta. “Em muốn đặt ngay tuần này ở Necker Island hả?… Họ dứt giá ở mức hai mươi hai ngàn hả?… Mặc cả quá nhe! Em muốn có trong hai tuần nữa hả?… Nếu em muốn vậy thì về phần mình, anh phải đồng ý thôi”. Mấy người bạn anh ta từ cười theo đã chuyển sang đôi chút ganh tỵ.
- Xem thêm: Học hỏi qua chuyện kể
“Rồi em muốn thợ họ làm tiếp luôn phần nhà kính vườn mới hả? Bảy mươi ngàn nếu em gật đầu ngay hôm nay hả? Rẻ mà! Chắc chắn rồi, thật tuyệt!”. Những người nghe được cuộc trao đổi ấy tròn mắt kinh ngạc. “Đúng đó em yêu, hẹn gặp em!… Được, yêu em nhiều!” – người đàn ông dừng lời. Thế rồi anh ta nhìn đám bạn bè xung quanh, hỏi: “Chiếc điện thoại này của ai đấy nhỉ?”.
Nếu thử gắn kết câu chuyện điện thoại di động này với chuỗi các từ ghi chú kèm theo câu chuyện trên trang web (giả định, quyền lực, kiểm soát, rủi ro của công nghệ và phương tiện truyền thông hiện đại, tính riêng tư, an toàn thông tin, đánh cắp thông tin cá nhân…) thì người viết xin chia sẻ kết quả gắn kết này của mình như sau:
- Chắc là chiếc điện thoại trong phòng thay đồ không phải là của người nhận cú điện thoại, và người trả lời điện thoại như có vẻ nhận được điện thoại từ một người nữ rất thân thiết của người chủ chiếc điện thoại (giả định).
- Người trả lời điện thoại đã chiếm ngay vị trí ra quyết định. Anh ta đã năm lần tỏ ý là ra quyết định hoặc đồng ý với người gọi đến, điều đó chứng tỏ anh ta là người quyết định cuối cùng (quyền lực).
- Người trả lời điện thoại đã tỏ ra rất cao tay khi điều khiển cả một dòng các quyết định, mà không gây ngạc nhiên hay chút nghi ngờ gì của người nữ gọi đến (kiểm soát).
- Nếu có điện thoại di động không dễ nhầm lẫn đến mức ấy trong phòng thay đồ như câu chuyện trên nêu ra thì sẽ không có chuyện “bé cái lầm” như vậy (rủi ro của công nghệ và phương tiện truyền thông hiện đại).
- Câu chuyện trao đổi được nhiều người cùng nghe. Nếu ai đó cuối cùng nhận ra chiếc điện thoại đó là của mình thì cả một câu chuyện dài đó làm lộ chuyện riêng của chủ nhân điện thoại và người phụ nữ gọi đến (tính riêng tư).
- Không cần đợi đến lúc hacker săm soi thông tin thì mới là mất an toàn thông tin. Trong môi trường làm việc nơi công sở, những cú điện thoại được nhận nhầm người rõ ràng là một nguy cơ lộ mất thông tin (an toàn thông tin).
- Cuối cùng là hành vi đánh cắp thông tin đôi khi cần được hiểu rộng hơn. Thông tin bị đánh cắp không phải lúc nào cũng được bảo vệ chặt chẽ, mà đôi khi người bị đánh cắp thông tin lại rất hồn nhiên để bị đánh cắp. Người phụ nữ gọi đến trong trạng thái quá hào hứng mua sắm đôi khi đã không còn tỉnh táo để nhận ra mình đang thổ lộ những chuyện rất riêng tư này với ai (bị đánh cắp thông tin cá nhân).
- Xem thêm: Bài học Facebook về quyền riêng tư
Điều còn đọng lại trong câu chuyện điện thoại di động là một câu hỏi: “Trong hoạt động nơi công sở hằng ngày, dấu hiệu nào cho biết rõ ràng nhất là mình đang trao đổi công việc với đúng con người mà mình đang cần trao đổi?”. Nếu không kiểm tra được dấu hiệu đó thì quả là cực kỳ rủi ro khi nói chuyện qua điện thoại với người lạ!