Cannes có bãi biển dài 6 km cát vàng, là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới. Sở dĩ Cannes được chọn tổ chức Liên hoan phim Quốc tế vì có khí hậu mát mẻ, dễ chịu, khung cảnh khá giống với kinh đô điện ảnh Hollywood.
Vùng lau sậy ngày xưa
Cannes có 6 bến tàu cho vô số tàu thuyền, nhất là du thuyền, cập cảng bất cứ lúc nào. Dọc ven biển, các nhà cao tầng, khách sạn, nhà hàng lộng lẫy chen nhau. Nhưng vào sâu bên trong một chút lại là những vườn cây xanh mát, những sườn đồi thoai thoải thấp thoáng những biệt thự xinh xắn, trồng đủ các loại hoa.
Lại có cả những chợ hoa bán hoa đem từ miền quê Provence đến. Nếu du khách lái xe hơi rời khỏi thành phố, băng qua khu ngoại ô, vào sâu trong các làng sẽ khám phá ra nhiều đặc sản như: đồ gốm trứ danh làng Vallauris, đồ thủy tinh tuyệt đẹp làng Biot, món “bouillabaisse” nổi tiếng của làng Loup…
Lịch sử của Cannes có nhiều điều lý thú. Nếu từ Cannes đi thuyền ra khơi, du khách sẽ gặp các đảo như Lérins, Sainte-Honorat…với nhiều tu viện rất cổ. Bạn cũng có thể đến thăm thành lũy Sainte-Marguerite, nay là một viện bảo tàng. Mang tên là Cannes vì ở đây ngày xưa kia mọc rất nhiều lau sậy (cannes).
Năm 1815, hoàng đế Napoléon đệ nhất khi ở đảo Elbe trở về Pháp đã ghé Cannes một thời gian và sau đó thành phố bỗng trở nên nổi tiếng. Các giới quý tộc Anh nghe tiếng lần lượt ghé đến thăm và ở lại đó. Năm 1834, Huân tước Brougham của Anh đến Cannes mua đất xây lâu đài Eleonore.
Thế rồi suốt một thế kỷ sau đó, nhiều người giàu có ở châu Âu đến sống tại Cannes, khiến nó trở thành một thành phố quý phái, thịnh vượng. Có thể kể ra một số nhân vật nổi tiếng từng đến cư ngụ tại Cannes như: Quận công Windsor, Thủ tướng Winston Churchill, nhà văn Tristan Bernard, họa sĩ Van Dongen, nhạc sĩ Claude Debussy…
Tuy nhiên sự ra đời, phát triển và tồn tại của Liên hoan phim (LHP) Cannes lại bắt nguồn từ những kết quả gián tiếp của cuộc đấu tranh chống phát xít tại châu Âu, trong thập niên 1930. Sự kiện Liên hoan phim Quốc tế châu Âu lần đầu tiên được tổ chức tại Venice (1932) mang tính thiên vị, ca tụng cho những bộ phim của Đức và Ý và những quốc gia trong liên minh phát xít.
Để phản đối việc sử dụng công cụ chính trị xuyên tạc, bóp méo những giá trị nghệ thuật, nước Pháp đã quyết định tổ chức một Liên hoan phim Quốc tế ngay tại thành phố Cannes bên bờ Địa Trung Hải. Tiêu chí đầu tiên là các bộ phim sẽ được công chiếu và tranh đua, mà không phải chịu bất cứ sự thiên lệch về chính trị nào. Buổi lễ khai mạc Liên hoan phim Cannes ngày 1.9.1939 đã chính thức khai sinh “Festival International du Film” (tên gọi ban đầu của Liên hoan phim Cannes).
Nhưng thật không may, Liên hoan phim Cannes lần đầu tiên chỉ diễn ra vỏn vẹn có 48 giờ. Khi mới trình chiếu bộ phim Thằng gù Nhà thờ Đức Bà của Hollywood thì phát xít Đức nổ súng tấn công xâm lược Ba Lan, phá vỡ không khí hòa bình trên toàn châu Âu.
Bị gián đoạn bởi Thế chiến thứ hai, đến năm 1946, “Festival International du Film” mới được hồi sinh, được sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục nước Pháp. Sau khi đã thực sự ổn định và phát triển, Liên hoan phim Cannes được đặt tại cung điện Croisette (còn gọi là cung Liên hoan và Hội nghị Cannes).
Niềm mơ ước “Cành cọ vàng”
Vào năm 1954, đã diễn ra một sự kiện mang tính trọng đại đối với Liên hoan phim Cannes: đó là việc ra đời biểu tượng chính thức của LHP; một chiếc cành cọ vàng – do chính Jean Cocteau, nhà hải dương học và là một đạo diễn xuất sắc, thiết kế. Từ năm đó, giải thưởng cao quý này có tên gọi mới là “Palme d”Or” nghĩa là “Cành cọ vàng” thay thế cho tên gọi cũ Grand Prix (giải thưởng lớn). Theo văn hóa Hy Lạp truyền thống, cành cọ là biểu tượng của chiến thắng và thiên đường. Giải Cành cọ vàng lần đầu tiên được trao cho bộ phim Marty của đạo diễn Delbert Mann năm 1955.
Rất nghiêm túc, quy định trang phục của Cannes khá chặt chẽ. Khi bước chân lên thảm đỏ của Cannes, nam phải ăn mặc theo kiểu truyền thống (áo vest đuôi tôm), và nữ thì mặc đầm dạ hội do các nhà mốt nổi tiếng thế giới thiết kế. Năm 1959, Hội chợ phim Cannes chính thức ra đời và hoạt động song song với Liên hoan phim. Với sự kết hợp này Liên hoan phim Cannes đã trở thành một sự kiện quốc tế lớn của ngành công nghiệp điện ảnh cả trên khía cạnh nghệ thuật lẫn thương mại.
Giờ đây, nếu như nước Mỹ nổi tiếng trên thế giới với giải Oscar thì ở châu Âu, Liên hoan phim Cannes là sự kiện điện ảnh danh tiếng nhất. Biểu tượng Cành cọ vàng là niềm mơ ước của biết bao diễn viên, đạo diễn. Đến thập niên 1970, quy mô Liên hoan phim được mở rộng với quyết định tăng thêm 3 đề mục nữa vào danh sách giải thưởng. Đó là “Les Yeux Fertiles” (Phim về các lĩnh vực nghệ thuật khác), “L”Air du Temps” (Phim về các sự kiện nghệ thuật đương đại) và “Le Passcompose” (Phim tài liệu).
Tính đến nay, trong 72 năm, Liên hoan phim Cannes với lịch sử hình thành (năm 1946-2019) đã trao Cành Cọ Vàng cho những phim xuất sắc nhất; sau đó đều trở thành những bộ phim kinh điển được công chúng nhiều thế hệ yêu thích. Tiêu biểu như phim Taxi Driver của đạo diễn Martin Scorsese, với diễn viên Robert De Niro; phim Apocalypse Now của đạo diễn Coppola, với diễn xuất ấn tượng của Marlon Brando; phim The Pianist của đạo diễn Roman Polanski, với nam diễn viên Adrien Brody.
Vui vẻ, hiếu khách, người dân thành phố Cannes nói một cách dí dỏm: “Ở đây chúng tôi vui quanh năm, bốn mùa đều là lễ hội”. Đúnh như thế bởi vì hàng năm, Cannes không chỉ đón khách của Liên hoan phim quốc tế mà còn khách của các cuộc hội nghị, hội thảo về sân khấu, hội họa, âm nhạc, khiêu vũ, múa ballet, múa rối, múa lửa, nhạc đồng quê, xiếc… Ngoài ra, tại đây còn có các sòng bạc, tuy không lớn như ở Monaco, song cũng hấp dẫn nhiều diễn viên, nghệ sĩ, đại phú gia.