Ðề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020-2025 đưa ra mục tiêu số lượng nhà đầu tư đạt 3% dân số vào năm 2020 và 5% vào năm 2025.
Theo thống kê, năm 2018, tổng doanh thu của 74 công ty chứng khoán (CTCK) trên thị trường đạt hơn 24.700 tỉ đồng, tăng 29% so với năm trước. Trong năm, các công ty này tạo ra lãi ròng hơn 7.673 tỉ đồng, tăng 22% so với năm trước. Trong đó, hoạt động môi giới, cho vay ký quỹ đóng vai trò quan trọng. Năm 2018, các CTCK đã thu về 5.548 tỉ đồng từ hoạt động cho vay ký quỹ, tăng 36% so với năm trước. Tổng dư nợ cho vay ký quỹ tính đến cuối năm 2018 lên tới 33.278 tỉ đồng. Riêng quý IV-2018, tổng doanh thu từ cho vay margin của các CTCK đạt xấp xỉ 1.490,7 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Đó là bức tranh của năm 2018, đầu năm 2019 cục diện đã phần nào thay đổi khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 128 quy định mức trần môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm là 0,5% giá trị giao dịch, mà không còn quy định về mức sàn (0,15%) như quy định cũ. Điều này đồng nghĩa với việc các CTCK có thể hạ thấp mức giá giao dịch chứng khoán hơn so với hiện nay cho nhà đầu tư. Tính đến nay, trên thị trường đã xuất hiện một vài CTCK miễn phí giao dịch chứng khoán cơ sở cho nhà đầu tư.
Trong số này có CTCK Kiến Thiết Việt Nam và CTCK VPS. Theo số liệu thống kê từ sàn HoSE, trong năm 2018 tổng giá trị giao dịch cổ phiếu tại sở này đạt 1,34 triệu tỉ đồng. Giả sử con số này không thay đổi trong năm 2019 và 10% trong số này được thực hiện ở nhóm các công ty có miễn phí giao dịch (phí giao dịch chứng khoán cơ sở mà các CTCK hiện đang thu là 0,15 – 0,3% giá trị giao dịch) thì nhà đầu tư giao dịch trên HoSE sẽ được hưởng lợi khoảng 200 tỉ đồng trong năm nay.
Con số này sẽ gia tăng nếu có thêm nhiều công ty khác tham gia vào việc miễn giảm phí giao dịch cho nhà đầu tư. Đó là chưa tính tới sàn HNX và UpCom. Với mức phí giao dịch là 0,03% giá trị giao dịch mà sở giao dịch chứng khoán thu về hiện nay thì chỉ tính riêng phần phí giao dịch cổ phiếu trên HoSE, Nhà nước đã thu về khoảng 700-800 tỉ đồng trong năm 2018.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Theo đó, mục tiêu của Chính phủ là đưa quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025. Số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.
Hiện mới có khoảng 2,2% dân cư đầu tư chứng khoán tính trên số tài khoản mở của nhà đầu tư. Để đạt mức 3% vào năm 2020, cần thu hút thêm được 600.000-700.000 nhà đầu tư nữa. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng nhưng không phải là không khả thi. Việc miễn giảm phí giao dịch có thể là một trong nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu nói trên.
Hiện trên thị trường có 74 CTCK, nhưng Top 10 có thị phần lớn nhất đang chiếm 70%, còn lại 60 công ty đang cạnh tranh, giành giật khoảng 30% thị phần còn lại. Rõ ràng thị trường đang nằm trong tay những công ty lớn song trong chính khối này cũng tồn tại những cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, thay vì tập trung cạnh tranh về phí như trước kia, các CTCK hiện nay đã hướng tới dịch vụ chăm sóc khách hàng: đưa ra sản phẩm dịch vụ đặc biệt để đáp ứng tối đa các tiện ích cho khách hàng với mục tiêu tạo hiệu quả, thuận tiện cho các nhà đầu tư. Đây là những thế mạnh mà chỉ CTCK lớn mới có thể cạnh tranh được.