Ngày 27-12-2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 128/2018/TT-BTC thay thế cho Thông tư số 242/2016/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán.
Theo quy định mới, giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch tối đa chỉ là 0,5% và không có mức sàn 0,15% như trước đây.
Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15-2-2019, được đánh giá sẽ là một cú hích lớn, thúc đẩy các công ty chứng khoán (CTCK) áp dụng công nghệ mới, cắt giảm tối đa chi phí trung gian, từ đó tiết kiệm phí giao dịch cho nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường phát triển.
Ở giai đoạn đầu của thị trường chứng khoán, khi tiềm lực tài chính của hầu hết các CTCK còn chưa mạnh, nhằm ngăn ngừa một số CTCK lớn độc quyền thì cơ quan quản lý đã áp dụng mức phí sàn 0,15% giá trị giao dịch. Tuy nhiên, giờ đây khi thị trường đã lớn mạnh, tiềm lực tài chính của các CTCK cũng đã được nâng lên nhiều so với trước đây, nhiều công nghệ tiên tiến đã ra đời, việc bỏ mức phí sàn chắc chắn sẽ buộc các công ty phải đầu tư mạnh vào công nghệ để cắt giảm đội ngũ nhân viên môi giới, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để giữ chân khách hàng.
Trên thực tế, nhiều CTCK vẫn có những chương trình khuyến mại, ưu đãi cho khách hàng mới, khách hàng VIP với mức phí thực thấp hơn so với mức sàn. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng không áp dụng đồng đều, mà ưu tiên cho khách hàng có giá trị giao dịch lớn và không áp dụng toàn thời gian.
Doanh thu của các CTCK đến từ phí môi giới hiện vẫn chiếm một phần không nhỏ. Điển hình như tại CTCK đầu ngành là SSI, trong ba quý đầu năm 2018, doanh thu từ dịch vụ môi giới chứng khoán đạt 932,7 tỉ đồng, chiếm 34% tổng doanh thu (phí môi giới này bao gồm cả hoạt động trái phiếu).
Là nguồn thu lớn nên các CTCK vẫn chạy đua thu hút khách hàng, làm mọi cách để tăng thị phần giao dịch. Do đó, việc bỏ áp sàn phí được dự báo sẽ dẫn đến cuộc chạy đua cạnh tranh về phí môi giới trong thời gian tới. Đặc biệt, các khách hàng VIP có thể sẽ được tự do thỏa thuận về phí giao dịch với các CTCK.
Bên cạnh đó, sức ép từ các CTCK mới (100% vốn ngoại) hoặc các CTCK tầm trung trở xuống là rất lớn. Nhiều khả năng nhóm các công ty này sẽ tiên phong giảm phí giao dịch sau khi phí sàn được dỡ bỏ, không ngoại trừ áp dụng mức phí 0% để hút khách trong giai đoạn đầu.
Sau khi bỏ mức sàn, các biện pháp cạnh tranh sẽ trở nên dễ thấy hơn. Hiện tại, môi giới và lãi từ cho vay margin là nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của nhiều CTCK. Trong đó, phí môi giới đa phần được dùng để chia sẻ hoa hồng cho môi giới, phần còn lại để xử lý chi phí vận hành.
Nhiều CTCK chấp nhận mức phí thấp, nhưng vẫn có được nguồn thu lớn từ lãi cho vay margin và gần như đây là phần lợi nhuận ròng đóng góp vào tổng lợi nhuận của CTCK.
Trong năm 2018, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường là hơn 1,54 triệu tỉ đồng. Với mức phí bình quân nhân viên môi giới nhận được là 0,05% thì cả chiều mua và chiều bán nhà đầu tư sẽ phải chi một khoản tiền lên tới hơn 1.500 tỉ đồng – một khoản tiền rất có ý nghĩa trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay.
Chỉ cần các CTCK áp dụng công nghệ hiện đại vào giao dịch chứng khoán để từ đó miễn hoặc giảm phần lớn mức phí môi giới nói trên thì nhà đầu tư cũng đã được hưởng lợi rất lớn.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh giành thị phần hiện tại, vũ khí cốt lõi để thu hút và giữ chân khách hàng không phải mức phí thấp, mà là cơ chế hỗ trợ thông tin, công nghệ, chất lượng dịch vụ của các CTCK. Công ty nào có hạ tầng công nghệ hiện đại, an toàn, đem lại nhiều dịch vụ tiện ích sẽ giành được lợi thế.
Ngoài ra, một đề xuất cũng rất đáng lưu tâm là bên cạnh việc bỏ quy định giá sàn phí môi giới cổ phiếu, Bộ Tài chính cần xem xét giảm bớt mức phí môi giới mà các CTCK phải nộp cho Sở Giao dịch chứng khoán (hiện là 0,03%). Khi đó, các CTCK có thể mạnh dạn giảm phí giao dịch cho nhà đầu tư; từ đó góp phần khuyến khích nhà đầu tư tham gia giao dịch, tăng thanh khoản cho thị trường.