Từ xa xưa, con người đã cố gắng sử dụng công cụ thay thế cho đôi tay trần của họ để làm cho cuộc sống dễ dàng hơn.
Xu hướng này đã phát triển từ việc sử dụng dụng cụ để ăn uống, đến thế giới hiện đại nơi robot đã có thể thay thế hoặc làm việc cùng với con người tại nơi làm việc.
Vào những năm 1960, doanh nhân người Mỹ George Devol phát minh ra Unimate, được coi là robot công nghiệp đầu tiên. General Motors đã sử dụng máy để xử lý đúc khuôn và hàn điểm.
Kể từ đó, các cánh tay robot công nghiệp, có thể to bằng một người đang đứng, đã được áp dụng cho một loạt các hoạt động sản xuất nặng. Nhưng Liu Peichao, một nhà khởi nghiệp 33 tuổi tốt nghiệp Đại học Sơn Đông – Trung Quốc, lại muốn mang cánh tay robot vào cuộc sống hằng ngày, để giúp đỡ mọi người các công việc thực tế.
Shenzhen Yuejiang Technology là một công ty startup bốn năm tuổi ở Thâm Quyến, tập trung vào phát triển cánh tay robot thông minh. Các sản phẩm của công ty này có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau tùy thuộc vào phần đính kèm cuối được sử dụng, từ việc viết thư pháp cho đến phết bơ lên bánh mì nướng của bạn.
Được thành lập vào năm 2015, công ty bắt đầu như một dự án tại nền tảng gây quỹ cộng đồng Kickstarter của Mỹ. Ý tưởng này đã huy động được 620.000 đôla Mỹ chỉ trong 50 ngày, theo tin của Tân Hoa Xã. Công ty đã huy động được 100 triệu nhân dân tệ (14 triệu USD) trong vòng gọi vốn mới nhất vào năm ngoái dẫn đầu bởi Shenzhen Green Pine Capital Partners.
“Chúng tôi đã bắt đầu với những cánh tay robot thông minh và muốn bán chúng cho các gia đình bình thường, giống như các thiết bị gia dụng”, Liu nói trong một một bài phát biểu vào năm nay.
- Xem thêm: Robot trợ giúp người mất tay hay chân
Yuejiang Technology không phải là công ty duy nhất hướng đến thị trường cánh tay robot được điều khiển bởi máy tính.
Ufactory có trụ sở tại Thâm Quyến là một công ty khởi nghiệp sáu năm tuổi, cũng bước ra từ nền tảng Kickstarter, cũng đang phát triển các cánh tay robot được điều khiển bằng máy tính thân thiện với người tiêu dùng và đã bán chúng ở hơn 80 quốc gia và khu vực.
Cánh tay robot của công ty này cũng cho phép gắn các loại cảm biến và thiết bị khác nhau. Ví dụ, nó có thể được sử dụng để giữ máy sấy tóc sau khi bạn gội đầu.
Mặc dù này ngành công nghiệp này có nhiều tiềm năng hứa hẹn, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm với những “cánh tay robot được điều khiển bằng máy tính” trước khi người tiêu dùng thật sự nắm bắt được chúng.
“Hiện tại, chúng vẫn chủ yếu là đồ chơi, nhưng việc nghiên cứu đang tiến triển rất nhanh và thời điểm mà robot dịch vụ cất cánh trên thị trường tiêu dùng không còn xa nữa”, David Navarro-Alarcon, trợ lý giáo sư robot học tại khoa Kỹ thuật Cơ khí của Đại học Bách khoa Hong Kong, nói.
Trung Quốc đã đặt các công nghệ mới nổi như AI, internet kết nối vạn vật và công nghệ robot vào trung tâm của các kế hoạch nâng cấp công nghiệp, nhằm trở thành một trong những cường quốc sản xuất mạnh nhất thế giới vào năm 2025.
Theo TechSci Research, thị trường cánh tay robot toàn cầu hiện đang được thống trị bởi những công ty nổi tiếng về tự động hóa công nghiệp bao gồm tập đoàn Thụy Sĩ – Thụy Điển ABB, Tập đoàn KUKA Robotics của Đức (thuộc sở hữu của Midea Group – Trung Quốc), Fanuc Corporation và Yaskawa Electric Corporation của Nhật.
Trung Quốc hiện là quốc gia sử dụng robot công nghiệp lớn nhất thế giới, tiếp theo là Nhật Bản. Năm 2018, số lượt cài đặt hằng năm của Trung Quốc đạt 154.000 đơn vị, theo báo cáo của Liên đoàn Robot thế giới (IFR).