Sáng Chủ nhật 1-6, gần 6.000 binh sĩ và cảnh sát được điều động đến tám vị trí, trong đó có các khu mua sắm và Tượng đài Chiến thắng, nhằm ngăn các cuộc biểu tình theo kiểu huy động chớp nhoáng. Có tin nói đoàn người biểu tình kéo về khu thương xá Terminal 21 sau một mẩu tin loan báo địa điểm trên trang Facebook của ông Sombat Boon-ngamanong, người đứng đầu Nhóm Chủ nhật Đỏ hiện đang trốn tránh.
Cảnh sát đã ra lệnh cho một trung tâm mua sắm lớn trong thủ đô Bangkok đóng cửa sau khi những người biểu tình phản đối vụ đảo chính tìm cách ngăn một cảnh sát bắt một người trong đoàn biểu tình.
Hàng ngàn khách hàng trong khu thương xá Terminal 21, nằm tại giao lộ chính Asoke, đã phải bỏ buổi đi mua sắm, ăn uống, xem phim vào buổi trưa sau khi hàng chục cảnh sát tiến vào trong khu thương xá, tiếp theo sau vụ đụng độ trong năm phút từ cửa hàng bánh sang cửa hàng cà phê Starbucks và cửa hàng quần áo.
Cảnh sát Thái Lan đứng gác trên một cầu vượt để ngăn chặn một cuộc biểu tình tại Bangkok hôm 1-6
Những cuộc biểu tình như thế này bất hợp pháp, chiếu theo sắc lệnh được ban hành bởi Tổng tham mưu trưởng quân đội Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, người đã nắm toàn bộ quyền hành pháp cũng như lập pháp trong nước.
Nhiều người biểu tình phản đối vụ đảo chính, một số thuộc phong trào áo đỏ, và có lẽ chừng 100 người hay nhiều hơn nữa những người đứng xem đã kéo đến thách thức lệnh của vị tướng lãnh cao cấp này.
Bất cứ ai bị bắt vì thách thức cuộc đảo chính ở Thái Lan đều bị đưa ra tòa án quân sự. Tin cho hay nhiều người bị bắt hôm Chủ nhật.
Trước đó, nói chuyện trong một chương trình truyền hình toàn quốc hôm thứ Sáu, Tướng Prayuth loan báo một thời biểu lên đến 15 tháng trước khi tổ chức các cuộc bầu cử và dự thảo bản hiến pháp để thay thế hiến pháp đã bị bãi bỏ.
Từ sau cuộc đảo chính, mấy ngày sau khi tuyên bố tình trạng thiết quân luật, hàng trăm chính trị gia, các nhà hoạt động và giới khoa bảng đã được lệnh ra trình diện quân đội. Phần lớn được cho ra về sau khi cảnh cáo không tham gia hoạt động chính trị, hay rời khỏi nước.
Phát ngôn viên của Hội đồng Trật tự và Hòa bình Quốc gia, tổ chức chính thức của giới quân nhân cầm quyền nói trong một cuộc phỏng vấn của báo chí rằng cuộc đảo chính được thực hiện để loại trừ ảnh hưởng của gia đình ông Thaksin Shinawatra.
Ông Thaksin, một tỉ phú và là ông trùm ngành truyền thông, bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006. Em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, trở thành thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011, đã bị buộc phải rời khỏi chức vụ lãnh đạo của chính phủ lâm thời sau khi tòa ra phán quyết rằng bà và một số thành viên trong nội các của bà đã lạm quyền.
Từ sau cuộc đảo chính, Quốc vương Thái Lan, một người rất được kính trọng nay đã 86 tuổi và đau yếu, không thấy xuất hiện. Tuy nhiên một chiếu chỉ nhân danh ông đưa ra cho Tướng Prayuth, chính thức hóa việc nắm quyền chính phủ của người đứng đầu quân đội.
Thái Lan đã trải qua 19 lần đảo chính hoặc thành công hoặc là âm mưu từ khi bãi bỏ chế độ quân chủ chuyên chế năm 1932. Quốc vương Bhumibol Adullyadej, còn được biết là vua Rama IX, đã trị vì vương quốc này gần 68 năm, trở thành vị nguyên thủ quốc gia đương thời nắm quyền lâu nhất thế giới.
Lê Quân