Để đảm bảo sự tương quan phù hợp giữa hàm lượng chất đạm và các dưỡng chất khác, khoa học dinh dưỡng đã chỉ ra rằng, cần có sự cân đối về thành phần các chất sinh năng lượng protit (P – chất đạm), lipit (L – chất béo), gluxit (G – tinh bột) trong mỗi khẩu phần ăn. Theo đó, với người trưởng thành tỷ lệ các dưỡng chất trên trong bữa ăn nên là P : L : G = 12 – 14% : 20 – 25% : 61 – 70% và ở trẻ em là P : L : G = 12 – 14% : 25 – 30% : 60 – 65%.
Thực tế cho thấy, trong chế độ dinh dưỡng giàu đạm, chúng ta lại có xu hướng tiêu thụ chất đạm thiếu cân đối hoặc là quá nhiều đạm động vật (đạm trong thịt, cá, trứng, hải sản, sữa…) và thiếu đạm thực vật (đạm trong đậu đỗ, ngũ cốc, khoai củ,…) hoặc ngược lại. Với người lớn nên tiêu thu chất đạm động vật ở mức 30 – 35% tổng lượng đạm, còn trẻ em, tùy theo lứa tuổi các cháu cần tiêu thụ 35 – 40% đạm động vật ở lứa tuổi 10-18 tuổi, còn trẻ từ 1-9 tuổi cần tiêu thụ trên 50 – 60% là đạm động vật, và trẻ < 1 tuổi 70 – 100% là đạm động vật. Các nghiên cứu đã chứng minh được đạm thực vật có giá trị sinh học kém hơn đạm động vật. Tuy nhiên việc tiêu thụ quá nhiều chất đạm động vật có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh gout, tăng mỡ máu, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim…