Sau khi ngăn chặn thành công vụ nhà đấu giá Sotheby’s ở New York bán một bức tượng bị lấy cắp từ Koh Ker vào thời Khmer Đỏ cầm quyền ở Campuchia, Phnom Penh đang tiếp tục đòi lại các di sản nghệ thuật bị đưa khỏi đất nước họ trong những năm chiến tranh.
Theo Chính phủ Campuchia, hai bức tượng có kích thước như người thật, được tạo tác từ thế kỷ thứ X, hiện trưng bày tại các phòng triển lãm nghệ thuật Đông Nam Á của Bảo tàng danh tiếng Metropolitan ở New York, đã bị lấy đi từ các đền tháp nằm sâu trong rừng cách đây hai thập niên, và họ đang xúc tiến kế hoạch đưa các tác phẩm điêu khắc quý giá ấy về cố quốc.
Ông Im Sokrithy, giám đốc cơ quan Apsara của Campuchia, chuyên trách việc giám sát di sản và quản lý tài nguyên các tại khu vực đền tháp hiện còn ngổn ngang cho biết: “Chính phủ chúng tôi hết sức quan tâm về tiến trình đang diễn ra, chúng tôi đã nhận được nhiều lời khuyên về mặt pháp lý để thực hiện công việc này. Chúng tôi đang ở thế mạnh và chúng tôi hy vọng các bức tượng ấy sẽ được trả về”. Theo các nhà khảo cổ, hai bức tượng Thần hộ mệnh quỳ bằng sa thạch đã hiện diện trong nhiều thế kỷ ở khu vực đền tháp; cả hai hiện được đặt ở khu vực trưng bày những di sản của nền văn minh Khmer thời kỳ vàng son nhất tại Bảo tàng Metropolitan.
Các chuyên gia cho biết hai bức tượng ấy đã được đưa đến bảo tàng vào khoảng thập niên 1970, cùng thời với hai bức tượng đã bị lấy cắp ở Koh Ker và suýt bị bán đấu giá ở Sotheby’s hồi tháng Ba vừa qua.
Cả hai trường hợp này cho thấy Chính phủ Campuchia đang rất quyết liệt với công tác phục hồi những di sản văn hóa quá khứ đã bị hủy hoại nặng nề dưới thời Khmer Đỏ. Dù vậy, đã có những tranh cãi về việc liệu các di sản ấy có “hợp pháp” chăng khi được bày trang trọng trong các bảo tàng lớn, có đông đảo khách tham quan, thay vì nằm trong các bộ sưu tập tư nhân hay ở các nhà đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Nhiều người cho rằng khi được định vị trong các bảo tàng tầm cỡ thế giới thì các tuyệt tác thời cổ đã trở thành tài sản chung của nhân loại, chúng sẽ được bảo quản tốt hơn, có được điều kiện thuận lợi hơn cho khách thưởng ngoạn cũng như với giới nghiên cứu nghệ thuật.
Tuy nhiên, “cái gì của César phải trả về cho César” như số đông ý kiến ngược lại. Trước đây, vào năm 2007 Metropolitan đã từng trả lại cho cơ quan Apasara của Campuchia một tượng đầu thần Shiva có từ thế kỷ thứ X sau khi có sự thuyết phục của ông Martin Lerner, nguyên là nhà giám tuyển nghệ thuật Đông Nam Á của bảo tàng.
- Lê Bản