Liệu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tạo bước phát triển đột phá hay không sau khi các công trình giao thông được kết nối, thực hiện theo lời hứa của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng như của Chính phủ về vấn đề này.
Báo cáo về tình hình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Cần Thơ tuần qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đối với tuyến cao tốc phía đông từ TP. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ – Cà Mau, đoạn TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương đã hoàn thành năm 2010; còn đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận đang triển khai thi công.
Bộ trưởng khẳng định sẽ phấn đấu thông tuyến sớm nhất, cố gắng vào cuối năm 2020 và sau đó triển khai tuyến Cần Thơ – Cà Mau. Về cầu Mỹ Thuận 2, Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo triển khai, phấn đấu khởi công xây dựng trong quý III-2019, hoàn thành năm 2023. Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương khẩn trương kêu gọi nguồn vốn đầu tư, từng bước hoàn chỉnh tuyến vành đai 3, vành đai 4 kết nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ với vùng ĐBSCL.
Ghi nhận nỗ lực của Bộ GTVT, Thủ tướng cho biết những gì Bộ GTVT kiến nghị về tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận thì Chính phủ đều giải quyết hết cũng như đối với kiến nghị về các tuyến giao thông khác, để làm sao đáp ứng nguyện vọng của 20 triệu người dân ĐBSCL, một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Cũng tại cuộc làm việc này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đến nay đã có kế hoạch bố trí vốn khoảng 18.000 tỉ đồng để triển khai các chương trình, dự án về phát triển bền vững ĐBSCL.
Các bộ, ngành, địa phương trong vùng đã bước đầu đề xuất, xây dựng, triển khai các dự án ưu tiên, có quy mô vùng, có tính lan tỏa và bảo đảm tính bền vững.
Tại ĐBSCL, một điểm nghẽn lớn trong phát triển kinh tế xã hội là hạ tầng, trong đó có kết nối đường bộ với TP. Hồ Chí Minh, khi mà cứ dịp lễ, tết, các tuyến đường đều tắc nghẽn. Chính vì vậy mà các tỉnh ĐBSCL rất trông mong dự án tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành.
Nhận bàn giao quản lý dự án từ Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết việc hoàn thành dự án vào cuối năm 2020 là áp lực rất lớn với tỉnh và nhà đầu tư.
Vấn đề lớn hiện nay là việc xử lý nền đất yếu. Tỉnh cam kết đẩy nhanh tiến độ và mong các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ.
Trao đổi với lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải đưa vùng đất phương Nam và đời sống của 20 triệu người dân ĐBSCL thay đổi mạnh mẽ hơn.
Theo ông, trong các đột phá thì đột phá về hạ tầng là quan trọng. Hạ tầng không chỉ là cầu cống, đường sá, sân bay mà bao gồm cả hạ tầng xã hội với trường học, y tế, thiết chế văn hóa cho người dân. Đặc biệt là cần phát triển mạnh mẽ hạ tầng thông minh như hạ tầng số.
Trước đó, trong phần kết luận phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào đầu tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra sáu động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2019.
Trước hết là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp phát triển tam nông, quyết liệt phối hợp với các bộ, ngành ngăn chặn dịch tả heo châu Phi.
Thứ hai, tăng cường tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu. Thứ ba là thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo; theo dõi, bám sát hoạt động các doanh nghiệp, các dự án lớn để tháo gỡ vướng mắc kịp thời hơn.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, logistics, du lịch, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng. Thứ năm, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Mỗi bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải xử lý quyết liệt, hiệu quả, “đừng để tiền nằm im một chỗ”, nhất là các công trình trọng điểm.
Cuối cùng và cũng quan trọng nhất là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là một số vướng mắc thể chế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề được các thành viên Chính phủ thảo luận nhiều là cần quan tâm văn hóa, đạo đức, nhất là văn hóa ứng xử. Các bộ, cơ quan cần chấm dứt bệnh thành tích, hão huyền, không thực chất.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ở một số ngành, nhất là những trường hợp gây phản cảm trong xã hội. Thủ tướng đề nghị báo chí cần phản ánh trung thực, đúng, đủ về các vấn đề xã hội đang đặt ra, không gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho xã hội, làm sao tạo niềm tin cho nhân dân.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng là vấn đề được nêu ra qua đó Bộ Tài chính làm đầu mối đẩy nhanh tái cơ cấu ngân sách nhà nước, làm sao tăng nguồn thu nội địa, bảo đảm cơ cấu chi hợp lý hơn, phát triển bền vững. Với các sắc thuế, cần đánh giá cụ thể để xem xét khả năng tăng cơ sở thuế và các loại thuế phù hợp.
Cho dù nền kinh tế của chúng ta đang đối diện với nhiều thách thức nhưng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ cao nhất khu vực. Tại buổi công bố báo cáo “Triển vọng Phát triển châu Á 2019” của ADB giữa tuần qua, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB tại Việt Nam, cho biết ở cả ba kịch bản diễn biến của căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, ADB đều đưa ra dự báo thuận chiều đối với tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, nếu căng thẳng thương mại giữa hai nước giữ nguyên như hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng thêm 0,8%; nếu mức độ căng thẳng gia tăng khi Mỹ áp thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc, xuất khẩu sẽ tăng 7,3%; và trong trường hợp căng thẳng thương mại lan sang khu vực khác và diễn ra trên phạm vi toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam vẫn sẽ tăng 7%.
Tuy vậy sự chuyển hướng thương mại sẽ bị loãng đi do các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, sẽ bị giảm tốc. Bức tranh xuất khẩu chung của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do độ mở của nền kinh tế đã gấp đôi so với GDP hiện nay, tác động của những diễn biến bên ngoài tới tình hình trong nước sẽ rất lớn.
Thế nhưng ADB tin rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức cao 6,8% trong năm 2019 và giảm nhẹ xuống 6,7% trong năm 2020, dù vậy Việt Nam vẫn là quốc gia duy trì được mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, hơn cả Trung Quốc (2019: 6,3%; 2020: 6,1%), Indonesia (2019: 5,2%, 2020: 5,3%); hay Philippines (2019: 6,4%; 2020: 6,4%).
Theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam, lý do khiến ADB đưa ra mức dự báo cao cho Việt Nam vì tăng trưởng vẫn được hỗ trợ ở cả phía cung lẫn cầu. Đó là tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ, sự mở rộng của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ và nông nghiệp, khả năng tiếp cận thị trường mới cho hàng hóa Việt Nam vẫn rộng mở thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do và luồng vốn FDI.
Về tiêu cực, ADB cho rằng những rủi ro đối với nền kinh tế vẫn còn khi tiến độ của quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn rất chậm trễ.
Kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018 kém hơn nhiều so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra là cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp.
Cổ phần hóa không phải là mục tiêu cuối cùng mà quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp nhà nước theo những nguyên tắc thị trường và minh bạch.
Nhưng rõ ràng, càng để lâu những doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả thì nguồn lực càng bị lãng phí trong khi đó những nguồn lực này có thể được chuyển sang khu vực tư nhân để sử dụng một cách có hiệu quả hơn. Đây chính là một lực cản đối với tiềm năng tăng trưởng.