Nếu bạn không phải là người của những con số, để cải thiện kỹ năng tài chính dường như là một thách đố đối với bạn. Nhưng việc nắm bắt được những thuật ngữ tài chính như “giá trị ròng” là thật sự cần thiết cho dù bạn đảm nhận vị trí nào trong một tổ chức.
“Nếu bạn có thể nói được ngôn ngữ của tiền, bạn sẽ thành công hơn”, giáo sư Richard Ruback của Trường kinh doanh Harvard nói. Cho dù công việc hằng ngày không yêu cầu bạn phải biết nhiều về tài chính, nhưng nếu thông thạo hơn về đề tài này, bạn sẽ thuận lợi hơn trong công việc. Suy cho cùng, nếu bạn đang cố gắng bán một sản phẩm hoặc một chiến lược kinh doanh thì bạn cần chứng minh chúng vừa thực tế vừa có lợi nhuận cao.
Joe Knight, nhà tư vấn cấp cao của Viện đào tạo tài chính Business Literacy Institute và đồng tác giả quyển Financial Intelligence cho rằng “kém thông thạo kỹ năng tài chính là một hạn chế đối với sự nghiệp”. “Nếu bạn không thể đóng góp vào một cuộc thảo luận về kết quả kinh doanh của công ty, bạn không thể tiến xa trong công việc. Bạn cũng không thể tham dự vào các dự án đang tiến hành nếu không hiểu được các vấn đề tài chính”, Joe Knight nói. Sau đây là một số chiến lược giúp bạn cải thiện trí thông minh tài chính.
Vượt qua nỗi sợ
Hãy chấm dứt thói quen né tránh chủ đề tài chính chỉ vì e ngại các con số. “Tài chính không phải là khoa học về tên lửa. Đây là cách mà một doanh nghiệp ghi điểm số. Nó cũng giống như việc đếm bóng và số lần ghi điểm trong môn bóng chày vậy thôi”, giáo sư Ruback nói. “Tài chính và kế toán thì rất đơn giản. Phần lớn nó là toán cộng và trừ, thi thoảng có thêm ít toán nhân và chia. Không có gì là bí ẩn cả”, Joe Knight nói.
Học thuật ngữ
Tài chính có thể không quá bí ẩn nhưng có khá nhiều thuật ngữ. Có nhiều cách để nắm bắt được những thuật ngữ này. Điều quan trọng là bạn cần bắt đầu ngay việc này. Nếu công ty tổ chức các khóa huấn luyện nội bộ về tài chính, hãy tận dụng ngay. Nếu không, nên cân nhắc việc đăng ký tham dự các khóa học trực tuyến hoặc khóa của trường đại học. Dĩ nhiên cũng có nhiều quyển sách hay hoặc tài liệu tham khảo về lĩnh vực tài chính và “Google cũng giúp ích nhiều”. Những khái niệm quan trọng nhất cần nên nắm bắt là: cách tính lợi nhuận, thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao (EBITDA), lợi nhuận từ hoạt động, doanh thu và chi phí hoạt động.
- Xem thêm: Hai sai lầm tài chính phổ biến
Nắm được bảng cân đối kế toán
Kế tiếp, bạn cần phải nắm được báo cáo kết quả kinh doanh. Hãy quan tâm đến bảng cân đối tài chính và thẩm định chi tiết để hiểu được nó. “Cách tốt nhất để tìm hiểu bảng cân đối kế toán là thử tính lại các con số, cả trên văn bản điện tử lẫn trên giấy, sắp xếp chúng theo nhóm và tìm hiểu xem công ty đã chi tiêu bao nhiêu và kiếm được bao nhiêu tiền”, Ruback nói. Chuyển các con số thành tỷ lệ phần trăm để hình dung rõ về tình hình thu nhập và chi phí.
Tập trung vào các thước đo quan trọng
Để cải thiện sự thành thạo về tài chính, bạn cần hình dung những thước đo mà công ty sử dụng để đo lường sự thành công. Mục tiêu của bạn là nhằm thấu hiểu cặn kẽ mối liên hệ chính xác giữa lời và lỗ, và ảnh hưởng của nó đối với hiệu quả kinh doanh của công ty. Thước đo đó thường được thể hiện ở dạng chỉ số. “Có bốn nhóm chỉ số tài chính thường gặp ở mọi công ty: chỉ số về khả năng sinh lời, chỉ số đòn bẩy tài chính, chỉ số về khả năng thanh khoản và hiệu quả vận hành”, Joe Knight nói. Mỗi doanh nghiệp có “hai hoặc ba chỉ số” thuộc những nhóm này được xem là thước đo chính về năng lực kinh doanh, ngoài ra còn có các chỉ số đặc thù cho ngành kinh doanh đó. Chú ý hơn đến các bảng cân đối kế toán và lắng nghe các cuộc họp công bố kết quả tài chính sẽ giúp bạn nắm bắt được những thước đo này.
- Xem thêm: Chinh phục những chặng đường tài chính
Thực nghiệm với những con số
Một khi bạn đã nắm được những điểm căn bản của bảng cân đối tài chính và động lực tăng trưởng của công ty, hãy “thực nghiệm và đùa với những con số” bằng cách đặt ra hàng loạt câu hỏi “nếu như?”. Chẳng hạn, Điều gì sẽ xảy ra nếu giá thấp hơn? Nếu doanh thu cao hơn thì sao? Còn nếu như chi phí xuống thấp hoặc lên cao? Bạn không phải là người đưa ra các quyết định kinh doanh cụ thể, nhưng bạn đang cố gắng hiểu được cách vận hành của mô hình kinh doanh. Bằng cách này, khi bạn cần “trình bày về hệ quả của một quyết định kinh doanh”, chẳng hạn có nên ra mắt một sản phẩm mới hoặc đóng cửa một nhà máy hay không, bạn sẽ có công cụ để thực hiện điều này.
Tìm một cố vấn tài chính
Theo nhà tư vấn Joe Knight, việc kết nối, xây dựng quan hệ với một “giám đốc tài chính hoặc giám đốc điều hành” – người có thể “dạy” hoặc “trả lời cụ thể những câu hỏi của bạn” – cũng là một cách giúp bạn cải thiện kỹ năng tài chính. Đây là một cách học tự nhiên. Giáo sư Ruback cũng đồng ý với quan điểm này. “Các mentor (cố vấn) sẽ giúp ích nhiều cho những người không thạo với con số. Người này có thể giải thích các khái niệm và là người mà bạn có thể tham vấn về các quyết định tài chính khi cần”.
– Theo HBR
Những nguyên tắc cần nhớ Nên: • Đăng ký một khóa học để tìm hiểu về các khái niệm và thuật ngữ tài chính cơ bản. • Xem các báo cáo tài chính hằng quý để hiểu được những điểm cụ thể giúp cho công ty có lợi nhuận. • Thực nghiệm với những con số trong bảng cân đối kế toán bằng cách đặt ra những câu hỏi “nếu như?”. Không nên: • Đừng quá sợ hãi – toán học trong kinh doanh thì khá đơn giản. • Đừng một mình “ôm nỗi sợ”. Hãy tìm một giám đốc tài chính hoặc giám đốc điều hành đáng tin cậy để giúp bạn trả lời các câu hỏi và tham vấn cho bạn. • Đừng xem nhẹ ảnh hưởng của kỹ năng tài chính đối với sự nghiệp của bạn. Nếu bạn muốn tiến lên, bạn cần thông thạo về tài chính.