Hơn chục hôm, bà D.V.H. xăng xái tới cả tá các hàng quán có tiếng của bà con ta khắp London. Bà khen nhà hàng ở Westfield, cạnh sân vận động bề thế Olympic London, không vì cái mã hoành tráng, tân kỳ, ngày bán hàng trăm tô mà ở cái phụ đề “Vietnamese street food” trên bảng hiệu “Pho”. “Món ăn Việt đường phố cắt nghĩa phở là quà, là món ăn chơi, ăn cho ấm lòng, chớ không no bụng, thay cơm. Nhưng sang nước người, đành phải thỏa hiệp, chớ biết làm sao”. Bà chẳng thể nào tiêu hóa hết tô phở ú ụ, giá mười đô Mỹ. Bà giảng giải cho môn đệ toán ngôn ngữ Peter Russell rằng: người lịch sự không bao giờ ăn hết cái ăn được dọn ra để chứng tỏ sự hậu hĩnh. Với lại đồng bào bà có cái tật là đi ăn tiệm cũng ồn ã nói năng như ở nhà. Bà đến quán ăn ta là để “…nghe bốn bề thân thiết. Người quê hương chung tiếng Việt cùng tôi. Như vị muối chung lòng biển mặn”(*).
Nhà hàng Thanh Bình ở chợ Camden Lock, London
Hơn một lần bà kéo Peter tới Nhà hàng Thanh Bình, ngay trước chợ Camden Lock. Phở ở đây đúng điệu. Ngay ngày đầu, cách nay phần tư thế kỷ, chủ quán Đoàn Thi Bình đã làm phở đúng công thức quê nội Nam Định: bánh tráng dai, mềm, sánh từng sợi, kén bằng được gừng bánh tẻ, thủy canh rau húng láng, và chỉ nêm một nước mắm cá cơm đượm nắng chang chang Cát Hải.
Cái ăn của ta đậm tính dân tộc, tất tật từ một món nước mắm cả đấy. Đã thành câu nói cửa miệng rằng ở đâu có người Việt định cư, ở đó có nước mắm. Người Mỹ gốc Anh, gốc Đức… ởHoustonmê cái thẩu thủy tinh đựng nước mắm làm tại chỗ, phơi ngay trong vườn các nhà láng giềng gốc Việt. Houston là thành phố nhiều nắng nhất ở Mỹ. Nhờ thế, nước mắm của bà con xa xứ làm cứ là bắt nắng lên màu hổ phách trong veo, sánh như mật ong, dậy hương vị, hệt như làm ở chính quốc ấy. Nước mắm được truyền khẩu, lên chữ nguyên dạng “Nuoc mam”, chứ không còn bị dịch lươn lẹo là “nước xốt cá – fish sauce”, cũng như chính âm “pho” thay cho lối gọi xách mé “xúp tàu – soupe chinoise, mì nước – noodle soup”.
Tô phở Việt tại Nhà hàng Thanh Bình
Trong hành trang sang Anh của bà có cả một bó kẹp nướng chả bằng tre đực. Thịt heo ướp nước mắm, hành lá nướng bằng cái kẹp tre trên than hoa mới giữ được hương, được vị đặc sắc, không bị cái vỉ nướng, cái lò nướng làm ám mùi tanh, nồng, khét kim loại. Thịt heo nướng thơm mùi tre ấy thả vào nước mắm pha đường cát hoa mai, giấm gạo – quà của Nhà hàng Thanh Bình, mới hóa ra bún chả dân tộc, thành cái ăn quốc túy, và nhắn nhủ: “Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển. Có ai thầm gọi tiếng Việt mỗi đêm khuya”(*).
Peter ăn bún chả bà làm đãi bạn London cứ là chan, là húp nước mắm dầm thịt heo nướng, đúng hương vị bún chả, thấm đẫm tận chân răng mê ly!
(*) thơ Lưu Quang Vũ
Lê Lành