Hằng năm, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố bản Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu xếp hạng các quốc gia trên thế giới về nhiều lĩnh vực khác nhau.
Riêng về giáo dục, tổ chức này dựa vào một số yếu tố cơ bản như số người dân trong nước thụ hưởng nền giáo dục ở các mức độ khác nhau; kỹ năng của người dân trong nước; tác động của giáo dục vào nền kinh tế; và know-how (bí quyết sản xuất). Cũng như trong cuộc xếp hạng các nước hạnh phúc nhất thế giới vừa qua, trong lĩnh vực giáo dục, châu Âu, đặc biệt là các nước Bắc Âu, vẫn giữ vị thế áp đảo.
Đứng đầu là Na Uy, đạt được sự cân bằng về nhiều mặt và sự bùng nổ về kinh tế trong thời gian qua. Nước này có một chính sách thuế khóa chặt chẽ, thuế suất cao, bù lại, họ đầu tư rất nhiều cho giáo dục. Bình quân mỗi năm Na Uy chi gần 14 ngàn USD cho mỗi học sinh – sinh viên từ bậc sơ cấp đến bậc cao đẳng – đại học, con số chi cao thứ ba trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nước Bắc Âu đứng thứ hai là Phần Lan. Đặc điểm nổi bật của nền giáo dục nước này là giáo viên được tuyển chọn trong Top 10% những người tốt nghiệp đại học trong cả nước và có bằng thạc sĩ về giáo dục. Nền giáo dục bậc cao gần như hoàn toàn do nhà nước đảm đương, với khoản chi gần 2% GDP cho các chương trình tương đương với bậc cử nhân, cao hơn nhiều nước trên thế giới.
Thụy Sĩ xếp thứ ba với một tỷ lệ rất cao người dân học hết bậc trung học (86% người trong độ tuổi từ 25-64). Nhà nước Thụy Sĩ cũng dành những khoản chi rất lớn cho giáo dục: trung bình 16 ngàn USD/năm cho mỗi sinh viên, trong khi mức bình quân của khối EU chỉ 9.500 USD. Đặc điểm quan trọng trong hệ thống giáo dục Thụy Sĩ là sự tham gia của khu vực tư trong giáo dục bậc cao, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch – khách sạn.
Mỹ là nước đầu tiên của châu Mỹ đạt Top 12 những nền giáo dục hàng đầu thế giới. Phát triển và bí quyết sản xuất là hai đặc điểm nổi bật của xã hội Mỹ. Theo OECD, tại Mỹ có 89% người trong độ tuổi 25-64 học hết bậc trung học, 43% người trưởng thành có trình độ đại học. Mỹ chi hơn 22.700 USD/năm/sinh viên. Giáo viên tại Mỹ có thu nhập vào hàng cao nhất trong số các nước phát triển.
Trong số những nước thuộc OECD, Đan Mạch, nước xếp thứ 5, chi tiêu nhiều nhất cho giáo dục, với tỷ lệ 7,9% tổng GDP. Đất nước Bắc Âu này là một trong số ít nước chi tiêu cho giáo dục vẫn tăng trong cuộc khủng hoảng tài chính những năm 2008-2010.
Trong Top 12 nền giáo dục hàng đầu thế giới, châu Đại dương góp mặt một đại diện là New Zealand, với thứ hạng 7. Tháng 9-2017, Bộ Giáo dục nước này vạch ra dự án mở các khóa học online, sinh viên không phải đến trường một số ngày trong tuần. Tổng chi tiêu của chính phủ New Zealand chiếm 7,28% GDP, trong đó phần dành cho giáo dục chiếm 21,2% (của 7,28%). Nhiều sinh viên New Zealand theo học ngành giáo dục kỹ thuật và kỹ năng.
Trong Top 12, châu Á có đại diện duy nhất là Singapore, xếp thứ 11. Hằng năm Singapore dành khoảng 20% ngân sách điều hành cho giáo dục, chủ yếu để trợ cấp giáo dục cho công dân của mình (43,8% dân số Singapore có một bằng cấp về học nghề hoặc trình độ đại học).
- Danh sách 12 nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới: 1. Na Uy; 2. Phần Lan; 3. Thụy Sĩ; 4. Mỹ; 5. Đan Mạch; 6. Đức; 7. New Zealand; 8. Thụy Điển; 9. Slovenia; 10. Áo; 11. Singapore; 12. Estonia.
– Tổng hợp