Cuốn sách Không nổi tiếng cũng đâu có sao! được đông đảo bạn đọc chú ý có lẽ vì nó ra đời trong thời buổi nhiều bạn trẻ cố gắng nổi tiếng bằng mọi giá, ít nhất là trên mạng xã hội. Càng được chú ý hơn khi tác giả cuốn sách lại là một nhà báo từng học Thạc sĩ báo chí tại Columbia Journalism School theo chương trình học bổng Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được Hiệp hội Báo chí Nước ngoài tại New York vinh danh là nhà báo trẻ có đóng góp cho tương lai và từng có bài viết đăng trên những tờ báo tiếng tăm như The New York Times, The Washington Post, The Guardian, The HuffPost… “Tôi viết cuốn sách nhỏ này không phải để chỉ bảo ai điều gì, chỉ mong nó trở thành một quán cà phê nhỏ để người đọc lánh vào nghỉ ngơi một chút trước những áp lực từ xã hội”, Lương Nguyễn An Điền nói. Là người chỉn chu và kiệm lời, anh dành cho chúng tôi một buổi trò chuyện thú vị nhưng với những câu trả lời rất ngắn gọn.
Anh cho biết: Tôi thường kiệm lời khi nói về bản thân, chứ không kiệm lời “xin lỗi” và “cảm ơn” trong giao tiếp hằng ngày. Nhưng tôi thấy hiếm người nói nhiều mà nói hay. Đàn ông càng nên nói ít lại, ngay cả khi… tán gái. Nhà báo lại càng nên kiệm lời, không nên khệnh khạng, tỏ ra là người “cái gì cũng biết”. Vì nguyên tắc làm báo mà tôi học được từ trước tới nay là: “Chứng minh đi, chứ đừng nói suông!” (Show, don’t tell).
____
Được nhận học bổng Fulbright và theo học Thạc sĩ ở một trường báo chí danh giá, chắc anh được chào đón rất nhiều sau khi tốt nghiệp?
Thực tế, cái “mác” Fulbright hay Thạc sĩ báo chí Columbia không bảo chứng cho năng lực, hành vi và cũng không làm thay đổi giá trị con người tôi. Những năm tháng học ở New York là kỷ niệm đẹp, nhưng tôi chưa bao giờ lấy mác Fulbright và Columbia ra để “lòe” thiên hạ. Vì đâu phải học trường danh giá thì làm cái gì cũng hay, đâu phải làm chỗ “ngon” thì nói gì cũng đúng. Người học Fulbright mà không biết xếp hàng hay sẵn tay quăng ly cà phê vừa uống cạn xuống đường thì chỉ xứng đáng để bị lắc đầu nói rằng: “Anh, chị rất tốt nhưng tôi rất tiếc”. Nguyên tắc “Show, don’t tell” cũng có giá trị trong trường hợp này, đó là hãy chứng minh bằng hành động, lời nói chứ đừng “phe phẩy” cái mác về chỗ học, chỗ làm. Điều đó không khác gì khoác lên mình cái áo hàng hiệu mà quên đánh răng khi ngủ dậy, cứ chạy ra đường và kê sát mặt người khác để khoe áo hiệu. Như thế chẳng những không có ích lợi gì mà còn ảnh hưởng xấu đến cái áo mới của mình.
“Tôi khuyến khích một cuộc đời bình thường nhưng không tầm thường, chúng ta chấp nhận thực tế vốn có nhưng vẫn phải tìm kiếm lẽ sống và không ngừng phấn đấu cho lẽ sống đó.”
____
Về cuốn sách Không nổi tiếng cũng đâu có sao!, tựa sách nghe như tiếng thở phào nhẹ nhõm vậy. Anh đang viết cho người khác hay viết cho chính mình nhiều hơn?
Tôi định viết cho các bạn trẻ theo đơn đặt hàng của Anbooks, nhưng thật bất ngờ là người mua sách phần lớn là người trưởng thành trên 30 tuổi. Như tôi có nói trong những trang viết của mình, cuốn sách lấy cảm hứng từ bài báo You’ll never be famous – and that’s O.K. của chuyên gia tâm lý nổi tiếng người Mỹ Emily Esfahani Smith trên báo The New York Times. Không chỉ riêng ở Việt Nam mà ở Mỹ, mọi người đều bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ phải học ngành danh giá, làm nghề danh giá. Tôi cũng từng “đau khổ” khi bị nhiều người hỏi: “Học biên – phiên dịch chi vậy, có danh giá gì đâu?”, “Học Thạc sĩ báo chí chi vậy, có danh giá gì đâu?”. Câu hỏi dai dẳng và gây mệt mỏi đến nỗi một anh bạn của tôi phải giấu nhẹm đi chuyện ảnh có bằng Thạc sĩ báo chí, chỉ nói học Quản trị kinh doanh cho “yên thân”.
____
Do quan niệm “Phải có danh gì với núi sông” đã in sâu vào suy nghĩ của người Việt chúng ta, nên nhiều người trẻ dần hình thành tham vọng về sự nổi tiếng. Để rồi trên con đường tìm kiếm sự nghiệp phi thường, không ít người sẽ hoang mang khi tự hỏi: Mình là ai, mình muốn gì và mình đang ở đâu trong cuộc đời này?
Thay vì cứ mãi ám ảnh phải có được một cuộc đời kiệt xuất phi thường, chúng ta có thể chọn một cuộc đời bình thường nhưng đầy tư cách, lòng tự trọng và có phẩm giá, như lời của bà Smith. Một cuộc đời có ý nghĩa sẽ cho phép bản thân được kết nối, đóng góp cho cộng đồng với bất kỳ hình thức nào, dù nhỏ nhoi đến đâu. Các bạn sinh viên thì không cần phải cứu rỗi thế giới, chỉ cần các bạn tin rằng: được làm những điều bình thường một cách tử tế đã là hạnh phúc của bất cứ một người nào.
____
Trong thời đại mà truyền thông đang cổ vũ cho lối sống dấn thân, tìm kiếm đam mê mà anh lại khuyến khích cuộc đời bình thường, an phận. Anh có thấy mình đang đi ngược với số đông?
Tôi không khuyến khích lối sống an phận. Vì an phận là khi chúng ta để mặc dòng đời cuốn đi, không xác định đâu là cái mình muốn và không nỗ lực vì mục tiêu mình đặt ra. Tôi khuyến khích một cuộc đời bình thường nhưng không tầm thường, chúng ta chấp nhận thực tế vốn có nhưng vẫn phải tìm kiếm lẽ sống và không ngừng phấn đấu cho lẽ sống đó. Để tin được bình thường đã là hạnh phúc, có nhiều khi người ta phải phấn đấu cả đời.
- Xem thêm: Đời người ai cũng tìm đến chữ “an”
Lẽ sống chính là hoài bão và sứ mệnh của cuộc đời, là giá trị nền tảng, cách hành xử của chính mình. Có lẽ sống, chúng ta sống và làm việc một cách tử tế, dù không nổi tiếng nhưng vẫn nhận được sự tôn trọng ở người khác. Các sinh viên từ Việt Nam hay các nước thuộc thế giới thứ ba khi đi du học nước ngoài như tôi nhiều khi bị người nước ngoài coi thường hoặc hiểu một cách sai lệch. Thay vì lên Facebook bày tỏ sự phẫn nộ, chúng ta nên chứng minh cho họ thấy giá trị, tư cách của mình qua cách học tập, làm việc tử tế và nghiêm túc – bằng thực lực, khả năng và thành quả lao động của mình.
Tôi không tán đồng cách một số người đang quan niệm về giáo dục. Một số nhà báo, chuyên gia nước ngoài nhận xét giáo dục Việt Nam còn chuộng kỹ năng, trong khi cái quan trọng hơn là tư duy. Học kỹ năng trước khi biết tư duy giống như xây nhà khi chưa xây móng vậy. Không ít người định hướng cho con mình trở thành công dân toàn cầu từ tuổi mẫu giáo, tiểu học bằng cách cho trẻ học tiếng Anh từ sớm. Nhưng việc trở thành một công dân toàn cầu không chỉ có đòi hỏi về ngôn ngữ, quan trọng hơn tất cả là yếu tố văn hóa. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, từng nói rằng càng vươn ra công dân toàn cầu thì càng cần phải “neo” vào văn hóa bản xứ của mình. Một người công dân toàn cầu thực sự sẽ bổ sung giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình vào nền văn hóa chung toàn cầu. Một người Việt ra nước ngoài mà không hiểu và giữ được bản sắc của mình thì chỉ là một người bị trộn lẫn vào cộng đồng toàn cầu, không thể phân biệt với công dân nước khác.
“Học kỹ năng trước khi biết tư duy giống như xây nhà khi chưa xây móng.”
____
Cũng liên quan đến giáo dục, các sinh viên khi đi du học đều cần phải có kỹ năng lãnh đạo. Các trường đại học hàng đầu như Harvard, Yale hay Princeton đều nhấn mạnh sứ mệnh đào tạo những sinh viên có khả năng lãnh đạo để giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn, nhưng mặt trái là thu hút những sinh viên bị cám dỗ bởi hào quang và sự nổi tiếng. Anh nghĩ sao về điều này?
Hiện ngày càng có nhiều chuyên gia giáo dục Mỹ chỉ ra rằng giá trị cốt lõi mà các trường đại học Mỹ cần tìm kiếm không phải là cá nhân chỉ chăm chăm dùng vai trò lãnh đạo để mưu cầu lợi ích cá nhân và hào quang của sự nổi tiếng, mà là những người có đam mê, khát vọng được đóng góp cho xã hội. Phải chăng chúng ta đang hiểu sai về kỹ năng lãnh đạo đang được trọng vọng khắp nơi? Có kỹ năng lãnh đạo chứ không nhất thiết phải làm lãnh đạo. Việc quá chú trọng vào cái gọi là “kỹ năng lãnh đạo” vô hình trung sẽ thu hút phần đông những người muốn nắm quyền chỉ để ra lệnh người khác hay gây ra những cuộc chiến phi nghĩa.
Hai nhà báo người Mỹ tôi quen biết tên là Calvin Godfrey và Jon Dillingham kể rằng ấn tượng của họ về Việt Nam không phải đến từ những chính khách, người nổi tiếng mà từ những nhân vật không tên họ gặp trên đường. Những câu chuyện sống động để kể về Việt Nam là chầu bia “tới bến” với một anh thợ sửa xe ven đường từng vá xe miễn phí cho mình. Hay anh Tây chạy xe tông vào chiếc xe cà phê dạo thì nhận cái vỗ vai: “Chuyện nhỏ, xui thôi mà!”. Bạn tôi nói rằng anh có ấn tượng về đất nước này chính là nhờ những con người bình thường mà hồn hậu như thế, chứ không phải qua một người nổi tiếng hay ông giáo sư, tiến sĩ nào.
Ở Trường Columbia tôi học, ông Steve Coll – Hiệu trưởng – chỉ có bằng Cử nhân Tiếng Anh và Lịch sử. Đội ngũ giảng viên trong trường đa số là cử nhân, nhưng họ là những nhà báo lão làng. Ông Coll đã hai lần đoạt giải Pulitzer và là tác giả của nhiều bài báo có sức ảnh hưởng lớn… Những người như ông đã cho học trò nhiều bài học về kỹ năng làm báo cũng như đạo đức báo chí rất thiết thực. Tôi không có tư cách bình sâu về tiêu chí lựa chọn ban giảng huấn ở các trường đại học, nhất là các trường chuyên về hàn lâm, học thuật. Nhưng tôi nghĩ rằng dạy làm báo cũng như dạy nghề, người dạy ít nhất cũng cần có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề chứ không chỉ cần được chứng nhận ở tấm bằng.
____
Đúng là “chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng sống phải có lý tưởng thì các bạn trẻ mới có cái đích để vươn tới và không rơi vào thất vọng…
Đúng vậy, sống phải có mục tiêu, lý tưởng, nhưng mục tiêu không nên là nổi tiếng bằng mọi giá và lý tưởng thì cần hữu ích cho cộng đồng. Khi được hỏi làm sao để làm tổng thống, cựu Tổng thống Mỹ Obama đã trả lời rằng đừng quá bận tâm đến việc mình muốn trở thành ai, hãy tập trung vào việc mình muốn làm gì và tận tâm với việc đó. Ông kể rằng thời trẻ, khi quyết định sẽ ngừng lông bông để bước sang một ngã rẽ quan trọng trong sự nghiệp, ông không chọn mục tiêu là trở thành tổng thống. Ông chỉ bị thôi thúc bởi ước muốn được giúp đỡ người nghèo ở Chicago. Sau đó, càng dấn thân vào công việc, ông bắt đầu tự hỏi làm cách nào để gây quỹ và cải thiện nhu cầu giáo dục và nhà ở cho cộng đồng, từ đó ông mới bước chân vào chính trị. Tôi cho rằng, mỗi người cứ đi từng bước một cẩn thận, làm việc một cách có tâm, kể cả những việc nhỏ thì danh tiếng, hay ít nhất là sự công nhận, sẽ đến một cách tự nhiên.
____
Không ít người làm việc tử tế cả đời mà nào có danh tiếng gì?
Không nổi tiếng thì ít ra cũng sẽ được công nhận. Tôi làm báo không mưu cầu sự nổi tiếng nhưng vẫn muốn được công nhận từ cấp trên, đồng nghiệp, gia đình, bạn bè… Không dễ để có sự công nhận giữa những người đồng nghiệp, nhất là trong nghề báo. Một trong những bài học đầu tiên tôi học được ở Trường báo chí Columbia là công nhận và tôn trọng đồng nghiệp. Công nhận năng lực và thành quả lao động của đồng nghiệp là điều cần thiết để tự mình phấn đấu vươn lên trong nghề, tôi nghĩ vậy. Trong bất cứ nghề nào, chúng ta cứ nghĩ “ta là một, là riêng, là thứ nhất” thì sớm muộn gì cũng rơi vào thất bại.
____
Nhưng đọc sách anh viết, chắc chắn sẽ có người cho là anh đang “kỳ thị” sự nổi tiếng và người nổi tiếng?
Câu hỏi này làm tôi liên tưởng tới việc chúng ta đang kêu gọi bỏ “kỳ thị” đối với người giàu để họ có thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Trong một nghiên cứu vào năm 2012 do Trung tâm Pew thực hiện thì ở Mỹ, chỉ có 27% người được khảo sát cho rằng mình ngưỡng mộ người giàu. Tuy nhiên, có đến 88% người được khảo sát cho biết họ ngưỡng mộ những người làm giàu bằng mồ hôi chân chính. Tôi nghĩ ở Việt Nam cũng vậy thôi, không ai kỳ thị những người làm giàu chân chính.
Quay lại quan niệm của tôi về sự nổi tiếng, qua cuốn sách của mình, tôi chỉ muốn trấn an các bạn trẻ là trong khoảng 7 tỉ người trên thế giới, thì hơn 6 tỉ người là không nổi tiếng. Vì vậy, miễn chúng ta được sống một cuộc đời bình thường, tử tế và lương thiện, thì không nổi tiếng cũng đâu có sao. Nhưng ngược lại, nổi tiếng thì càng tốt chứ sao, nhưng hãy là một người nổi tiếng lương thiện!
“Giá trị cốt lõi mà các trường đại học Mỹ cần tìm kiếm không phải là cá nhân chỉ chăm chăm dùng vai trò lãnh đạo để mưu cầu lợi ích cá nhân và hào quang của sự nổi tiếng, mà là những người có đam mê, khát vọng được đóng góp cho xã hội.”
____
Anh nói rằng không nổi tiếng cũng đâu có sao, nhưng người thất bại nhiều lần chắc phải “có sao” chứ. Bản thân anh đã từng gặp thất bại chưa?
Thất bại thì càng tốt chứ sao! Tôi đã hai năm liên tiếp xin học bổng Nieman của Đại học Harvard, năm đầu rớt từ “vòng gửi xe”, năm nay vô được vòng phỏng vấn thì… rớt tiếp. Nhưng thất bại chỉ làm tôi quyết tâm hơn ở năm sau, vì đó là mục tiêu mà mình vươn đến.
Có một thành ngữ tiếng Anh rất quen thuộc là “A storm in a tea cup”, tạm dịch là “Cơn bão trong tách trà”. Câu này ý chỉ chúng ta thường bi kịch hóa quá mức các vấn đề của mình, nhưng so với những bất hạnh của người khác, cái gọi là “thất bại” của chúng ta thực ra chẳng nghĩa lý gì. Đôi khi, tôi cũng chán nghề viết lách. Nhưng ngay lúc đó, một cô bạn nhà báo người Úc đã nói với tôi: “Anh phải biết ơn cuộc đời khi có một cuộc sống tốt hơn nhiều người, anh còn có một cái bàn để ngồi làm việc và một mức lương được nhận hằng tháng”. Quả đúng như vậy, nghề báo còn cho tôi dịp đi đây đó, tiếp xúc với nhiều người thú vị, được công nhận ở một chừng mực nào đó, lẽ ra tôi phải biết ơn nghề chứ? Tôi có tham gia giảng dạy ở một trường quốc tế. Thái độ học tập của sinh viên ở đây khiến tôi không còn hào hứng với việc giảng dạy như những ngày đầu. Nhưng ít ra thì tôi chỉ cộng tác với tư cách thỉnh giảng và nếu không thích thì tôi có thể không làm nữa. Trong khi một thầy giáo người Ý tôi quen ở chính trường đó phải “chịu đựng” sinh viên mỗi ngày, vì ông phải làm việc để có tiền gởi về nhà hằng tháng. Rõ ràng, nếu đem so những cái làm cho mình bực dọc với những gì người khác phải chịu đựng, tôi thấy tốt nhất là mình bớt than vãn và tập trung làm tốt phần việc của mình.
Các bạn trẻ hay có thần tượng, điều này cũng không xấu, nhưng dễ bị thất vọng khi nhận ra thần tượng của mình cũng… thường thôi. Có một câu nói của huyền thoại Lý Tiểu Long mà tôi rất thích: “Hãy luôn là chính mình và đặt trọn niềm tin vào bản thân. Đừng mãi đi tìm một người thành công nào đó và sao y bản chính”. Tôi may mắn thấy mình trong câu nói đó. Tôi chưa từng xem ai là thần tượng, chỉ buộc mình phải luôn tận tâm với công việc mình đã chọn, kiên trì đi hết con đường mình đã chọn với những bài báo nội dung tử tế, lương thiện, trong sáng, rõ ràng, tránh những con chữ, câu văn cầu kỳ phức tạp nhưng rỗng tuếch. Và đó là hạnh phúc nho nhỏ đủ cho tôi “xài” mỗi ngày rồi.
____
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện.