Trong mùa tuyển sinh đại học năm nay, nhóm ngành công nghệ đang có sức hút không nhỏ với các bậc phụ huynh cũng như các học sinh. Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần đã có buổi trò chuyện với Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh – Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông của Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech) để tìm hiểu về xu hướng tuyển sinh của khối ngành này, cũng như những thông tin mà các học sinh đang có ý định theo học các ngành thuộc khối công nghệ nên biết.
Ông có thể chia sẻ nhận định của mình về xu hướng chọn ngành năm nay của các học sinh với khối ngành công nghệ?
Năm nay, có thể thấy rõ xu hướng chọn các ngành công nghệ đang tăng mạnh. Nhà nước cũng như Bộ GD-ĐT trong năm 2013 cũng đã xác định trọng tâm đào tạo hiện nay là các khối ngành thuộc về kinh tế, tài chính và công nghệ. Điều này cũng dễ hiểu vì trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ đầu tư vào Việt Nam với quy mô lớn, đa phần thuộc các lĩnh vực gia công, cơ khí điện tử, công nghệ cao… Chính vì vậy nhu cầu nhân lực cho thị trường đang rất lớn và sẽ tiếp tục tăng cao.
Việc chọn ngành theo xu hướng cũng có thể là bước đi mạo hiểm, vì đã từng xảy ra vấn đề là ít năm sau xu hướng, khi sinh viên tốt nghiệp thì lại rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Ông có ý kiến gì về việc này?
Chọn ngành theo xu hướng là một tình huống rất tự nhiên và bình thường, cho dù ở bất cứ thời điểm nào, đặc biệt khi chúng ta sống trong một thế giới được bao quanh bởi các phương tiện truyền thông, tâm lý của xã hội và của các học sinh sẽ bị tác động đáng kể. Những ngành nghề “hợp thời” không chỉ có nhiều cơ hội việc làm, mà kèm theo còn là sự tôn trọng, quan tâm của xã hội. Mong muốn được gia nhập vào các nhóm ngành đang có vị trí cao trong xã hội là một nhu cầu chính đáng của các học sinh. Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố duy nhất cần xem xét khi chọn ngành. Trong những lần giao lưu với học sinh trong những buổi tư vấn hướng nghiệp, chúng tôi luôn nhấn mạnh sự cân bằng giữa các yếu tố: bản thân, gia đình, xã hội khi lựa chọn nghề nghiệp. Và quan trọng nhất, các định hướng đều phải dựa chủ yếu vào đúng năng lực và sở thích của các em.
Để có thể theo đuổi các ngành công nghệ, đầu tiên các em phải tự xem xét liệu mình có sự tò mò, đam mê tìm tòi với công nghệ hay không. Những sở thích như khám phá, sửa chữa các vật dụng trong nhà, tự tìm hiểu các phần mềm, chương trình để tạo ra các sản phẩm “hay hay” có thể hình thành từ sớm. Từ đó, các em sẽ bắt đầu có khái niệm cơ bản về sở thích và khả năng của mình để có thể chọn được ngành nghề phù hợp.
Các trường đại học ở Việt Nam thường bị “tiếng xấu” là có nội dung giảng dạy lạc hậu. Trong mảng công nghệ, nơi rất cần sự cải tiến và cập nhật kịp thời, Trường Hutech đối mặt với vấn đề này như thế nào?
Hiện nay, công nghệ thay đổi không còn theo chu kỳ hằng năm, hằng quý như trước nữa, mà xảy ra hằng ngày. Vì vậy, sẽ không khả thi cho các nhà giáo dục khi cứ phải thay đổi giáo trình liên tục. Ở Hutech, chúng tôi định hướng đào tạo để sinh viên phải thông thạo hai nhóm kiến thức:
Đầu tiên là khối kiến thức nền tảng. Đây là khối kiến thức bất di bất dịch, tạo tiền đề cho tất cả các phát triển và sáng tạo kỹ thuật. Chúng tôi cố gắng giúp sinh viên nắm càng vững khối kiến thức này càng tốt. Vì nếu đã nắm vững kiến thức nền tảng, cộng với óc phán đoán và sự tìm tòi, thì việc nắm bắt được những tiến bộ và thay đổi trong công nghệ là không khó. Tôi rất tâm đắc với một câu nói, và cũng là triết lý giáo dục ở Hutech, đó là: “Một kỹ sư giỏi không phải là người biết tất cả mọi thứ, nhưng là người biết vấn đề đang nằm ở chỗ nào”. Khả năng biết suy luận, khoanh vùng vấn đề vốn rất quan trọng với một người làm trong lĩnh vực công nghệ, đi đôi với sự vững vàng trong các kiến thức nền tảng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tạo cơ hội cho sinh viên được cọ xát với thực tế, đặc biệt là trong những chuyến thực tập tại các công ty công nghệ hàng đầu. Thời gian thực tập của sinh viên Hutech thường dài hơn của các trường đại học khác vì chúng tôi nhận thấy môi trường làm việc thực tế chính là lớp học lý tưởng để sinh viên học về sự thay đổi, nhu cầu của thị trường. Sau thời gian thực tập, nhiều sinh viên trở về trường làm luận án tốt nghiệp đã thể hiện được sự trưởng thành đáng kể trong suy nghĩ cũng như kiến thức.
Ông có thể giới thiệu tổng quan về Hutech: cơ sở vật chất, số lượng sinh viên cũng như những ngành học thế mạnh. Trong thời gian tới, trường có kế hoạch mở rộng thêm các ngành học nào?
Hiện tại trường có hơn 25 ngàn sinh viên đang theo học tại ba cơ sở đào tạo nằm trong bán kính 500 mét quanh khu vực Hàng Xanh. Đây là điểm rất thuận tiện cho các sinh viên của trường. Trường có 200 phòng học và 60 trung tâm thí nghiệm thực hành. Thư viện của trường rộng 1.500 mét vuông, có rất nhiều đầu sách để sinh viên có thể chủ động trau dồi kiến thức.
Các ngành kỹ thuật công nghệ truyền thống vẫn là thế mạnh của Hutech. Bên cạnh đó, các ngành đang có xu hướng phát triển nhanh là quản trị dịch vụ, kinh tế tài chính. Hutech cũng đang có kế hoạch mở rộng các ngành thuộc khối sáng tạo như mỹ thuật, kiến trúc, marketing, tổ chức sự kiện…
Ngoài ra, một trong những điểm mạnh của Hutech chính là việc sinh viên có cơ hội tham gia nhiều sân chơi, cuộc thi được tổ chức quy mô trong nhà trường. Đây là cơ hội để các em trau dồi khả năng, phát huy tính sáng tạo và cọ xát với thực tế. Cũng chính vì thế mà sinh viên Hutech có kỹ năng vững và đạt được nhiều giải thưởng lớn ở các cuộc thi ngoài phạm vi nhà trường như giải quán quân cuộc thi Thiết kế Aquafina năm 2012, giải quán quân cuộc thi thiết kế của tạp chí Her World năm 2013…
Trong năm nay, Trường Hutech có những thay đổi gì trong phương thức tuyển sinh cũng như nội dung giảng dạy so với các năm học trước?
Năm nay, theo lộ trình chung của Bộ GD-ĐT, ngoài phương thức tuyển sinh ba chung, Hutech cũng sẽ có đề án tuyển sinh riêng xét tuyển dựa theo học bạ. Trường dành 75% chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức ba chung và 25% chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển riêng. Đây được xem là một thay đổi tích cực vì có rất nhiều học sinh học tốt và đồng đều nhưng vì nhiều lý do lại không đạt được kết quả như ý trong kỳ thi đại học.
Ngoài ra, Trường Hutech cũng đang thực hiện một việc mà chưa có một trường đại học nào trên cả nước làm được, đó là hoàn thành một giáo trình riêng của nhà trường, biên soạn bởi chính các giảng viên của Hutech. Việc sử dụng các giáo trình nước ngoài chắp vá trong chương trình học là một hiện tượng thường thấy ở giáo dục bậc cao đẳng, đại học tại Việt Nam. Tuy nhiên với bộ giáo trình tự biên soạn này, Trường Hutech muốn hệ thống nội dung học và kiến thức một cách khoa học, bài bản để giúp sinh viên tiếp thu tốt hơn. Dự kiến đến học kỳ sau, trường sẽ hoàn tất bộ giáo trình cho cả bốn năm học của cả 22 ngành học.
Nhật Hà thực hiện