Lâu nay, Mỹ luôn là một trong những điểm đến được sinh viên quốc tế quan tâm nhiều nhất. Không chỉ nhờ vào nền giáo dục nổi tiếng thế giới với nhiều trường đại học được xếp ở hạng đầu, “giấc mơ Mỹ” còn hấp dẫn hơn vì sinh viên giỏi có nhiều cơ hội để nhận được học bổng hay các gói hỗ trợ tài chính để trang trải chi phí cho một phần hay toàn bộ quá trình học của mình. Vì có khá nhiều học bổng và các gói hỗ trợ tài chính khác nhau, các bạn trẻ phải tìm hiểu trước và chọn ra các gói phù hợp với mình, từ đó mới bắt đầu có chiến lược chuẩn bị hợp lý. Ngoài sự chuẩn bị về các mặt thành tích, kỹ năng, cũng phải chuẩn bị thêm một số giấy tờ cần thiết khác trong quá trình xin hỗ trợ tài chính.
Đầu tiên, cần phải phân biệt điểm khác nhau giữa hai cụm từ học bổng (scholarship) và hỗ trợ tài chính (financial aid). Cụm từ học bổng trước nay được hiểu như khoản tiền hỗ trợ, khuyến khích cho những học sinh giỏi có thành tích đặc biệt nổi bật. Nhiều bạn trẻ vẫn cho rằng học bổng là cơ hội duy nhất để mình có thể được hỗ trợ chi phí học tập khi du học. Tuy nhiên, tại Mỹ, nhiều sinh viên thường nhận được hỗ trợ tài chính hơn và các gói hỗ trợ tài chính lại là đích đến được nhiều người quan tâm hơn. Vậy điểm khác nhau là gì?
Học bổng – mức độ cạnh tranh cao
Như đã nói, học bổng là khoản khuyến khích hỗ trợ chi phí có thể lên đến 100% chi phí học tập dành cho các sinh viên xuất sắc có thành tích nổi bật. Ở Mỹ, các học bổng thường được trao gồm học bổng học thuật, học bổng thể thao, học bổng nghệ thuật… Học bổng học thuật được trao cho những người có thành tích học tập xuất sắc. Học bổng thể thao dành cho những người có khả năng chơi thể thao vượt trội, họ sẽ được cấp học bổng để theo học ngành học mà mình lựa chọn nhưng phải tham gia vào đội tuyển thể thao của nhà trường. Học bổng nghệ thuật cũng tương tự như học bổng thể thao. Sinh viên Việt Nam có rất ít cơ hội nhận được học bổng thể thao và nghệ thuật vì đạt được đẳng cấp này là rất khó (kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam được học bổng dạng này). Chính vì vậy, học bổng học thuật xem ra là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, để nhận được học bổng học thuật không dễ vì bạn phải cạnh tranh với tất cả các sinh viên khác với chỉ một tiêu chí duy nhất là năng lực học tập. Phải nói thêm rằng, có rất nhiều trường đại học ở Mỹ hoàn toàn không cấp học bổng cho sinh viên (trong đó có hệ thống trường Ivy League bao gồm Harvard, Yale, Brown, Cornell, Pennsylvania, Stanford…). Không cần biết bạn giỏi như thế nào, có thành tích xuất sắc hay chơi thể thao giỏi ra sao, nếu gia đình bạn có đủ khả năng trang trải học phí thì bạn sẽ không thể đòi hỏi hỗ trợ từ nhà trường. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn không thể trang trải được học phí thì đó lại là một câu chuyện khác, câu chuyện của các gói hỗ trợ tài chính.
Hỗ trợ tài chính – điểm rơi an toàn
Các gói hỗ trợ tài chính được dành để hỗ trợ các sinh viên có điều kiện kinh tế eo hẹp và ít có khả năng trang trải được toàn bộ chi phí học tập. Với các sinh viên có điều kiện kinh tế không khá giả, đặc biệt là các sinh viên quốc tếở các nước như Việt Nam, hỗ trợ tài chính được xem là biện pháp “bảo đảm” khá chắc chắn. Điều kiện để các trường đại học xét duyệt hỗ trợ tài chính là thu nhập của gia đình. Đây chính là điểm thuận lợi cho các du học sinh Việt Nam. Vì thu nhập trung bình của một gia đình người Việt khi quy đổi ra USD chắc chắn luôn thấp hơn nhiều lần so với thu nhập trung bình ở Mỹ. Vì thế, khả năng gia đình bạn được liệt vào mức “nghèo” khi so sánh theo thang đánh giá ở Mỹ là rất cao (theo mức đánh giá của nhóm trường đại học Ivy League, thu nhập gia đình dưới 60.000 USD/năm – tương đương gần 1,3 tỉ VNĐ được xem là thấp và sẽ được hỗ trợ tài chính). Điều kiện để đạt được hỗ trợ tài chính “dễ thở” hơn học bổng rất nhiều, thường thì chỉ cần được chấp nhận học là đã đủ điều kiện để được hỗ trợ chi phí. Dĩ nhiên, khi bạn nộp đơn cho các gói hỗ trợ tài chính, điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến khả năng được nhận vào học của bạn. Vì so với những người sẵn sàng đóng học phí 100%, bạn phải có một mặt nào đó nhỉnh hơn để được cân nhắc trao cho các gói hỗ trợ tài chính. Các hình thức hỗ trợ tài chính cũng rất đa dạng, gồm: trợ cấp không hoàn lại, cho vay hay làm việc thêm nhận lương tại trường hoặc là tổng hợp của cả ba hình thức trên.
Tuy được lợi về mặt chênh lệch thu nhập nhưng sinh viên Việt Nam cũng gặp phải một chút khó khăn vì không phải trường nào cũng có các gói hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, gọi là “một chút” khó khăn vì số trường có hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế là rất nhiều, trong đó có không ít những trường đại học nằm trong top đầu. Tất nhiên, những trường vừa nổi tiếng lại vừa có hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế cũng thường có sự cạnh tranh cao. Vì vậy, đừng quá thất vọng khi bạn tự nhận thấy điểm số và thành tích của mình khá cao nhưng không được chấp nhận học và hỗ trợ tài chính. Có thể trong năm học đó, nguồn quỹ hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên quốc tế đã cạn trong khi có nhiều sinh viên quốc tế khác nổi bật hơn bạn.
Minh Ngọc, một học sinh lớp 11 chia sẻ: “Tôi đang chuẩn bị cho quá trình nộp hồ sơ và xin hỗ trợ tài chính. Anh trai tôi đang du học cũng nhờ gói hỗ trợ tài chính 75%. Chỉ có điều đáng tiếc là tôi cũng mơước theo học ngôi trường mà anh tôi đang theo học, nhưng chắc chắn khả năng nhà trường cấp hỗ trợ tài chính cho thành viên khác của cùng một gia đình là khá thấp nên tôi cũng phải tìm thêm những lựa chọn khác. So với các loại hình học bổng khác, tôi thấy các chương trình hỗ trợ tài chính từ nguồn quỹ của chính các trường đại học mang đến nhiều lợi ích cho sinh viên học sinh. Trong đó, đầu tiên là việc lấy yếu tố thu nhập của gia đình để cân nhắc. Dĩ nhiên với thu nhập ở Việt Nam, việc trang trải cho việc học ở một nước phát triển là quá sức với nhiều gia đình. Bên cạnh đó, sinh viên không bị ràng buộc với bất kỳ tổ chức nào (khác với các học bổng chính phủ, các học bổng được tài trợ bởi các tổ chức) nên sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tự do xây dựng sự nghiệp ở bất cứ nơi nào, bằng bất cứ cách nào mà mình thích”.
Nhật Hà (DNSGCT)