“Dấu thời gian” là tên gọi trại sáng tác do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên – Huế tổ chức từ ngày 10 đến 12-5 tại lăng Tự Đức, thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế.
Các tác phẩm từ trại sáng tác khá đặc biệt này được triển lãm từ chiều 12 đến 19-5 ngay tại lăng Tự Đức, sau đó tiếp tục được giới thiệu với công chúng tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế đến cuối tháng 5-2013.
Lăng Tự Đức được xem là đẹp bậc nhất trong hệ thống lăng tẩm các vị vua thời nhà Nguyễn. Là người có tài và chuộng thơ phú, nên đương thời vua Tự Đức (1848-1880) cho xây dựng hệ thống lăng mộ của mình đậm chất thơ và hồn cốt phương Đông. Trên diện tích khoảng 12ha, có gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ đan xen, hòa quyện cùng cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ tạo hình xứ Huế trực họa tranh phong cảnh.
Trại sáng tác “Dấu thời gian” quy tụ 15 họa sĩ, trong đó có bốn cây cọ nữ, tất cả đều là hội viên Hội Mỹ thuật Thừa Thiên – Huế. Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học – nghệ thuật Đặng Mậu Tựu và Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thiện Đức cùng tham gia trại sáng tác. Ngoài ra còn có 15 tình nguyện viên là sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế thay phiên trợ giúp và học hỏi nghề nghiệp từ các họa sĩ dự trại. Địa điểm được các trại viên ưa thích tại lăng là quanh khu vực Xung Khiêm tạ, Lưu Khiêm hồ và Tịnh Khiêm đảo; kế tiếp là khu mộ vua, lăng Lệ Thiên Anh hoàng hậu và Bồi lăng. Bế mạc trại, có 30 tác phẩm ra đời, được đặt tên chung là “Dấu thời gian”. Mỗi người vẽ mỗi kiểu, có thể khác nhau về chọn cảnh, bút pháp, màu sắc… nhưng tựu trung tất cả đều cố gắng nắm bắt được cái hồn, cái tình phiêu phất, bảng lảng giữa cái nhìn thấy và cái không hiện diện nhưng vẫn đầy ắp trong lòng người, giữa kiến trúc và cảnh quan, cây cỏ chung quanh. Nguyễn Khắc Tài (bút sắt), Nguyễn Thị Hiền Lê (acrylic), Lê Thị Minh Nguyệt (chì than) tìm “dấu thời gian” bằng ngôn ngữ hội họa đen trắng trên nền toan, trong khi các thành viên còn lại trực họa với bảng màu biến hóa của sơn dầu và acrylic. Khu vực triển lãm nằm ngay cổng chính Vụ Khiêm môn đã thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan trong và ngoài nước thời gian này.
Trại sáng tác “Dấu thời gian” tuy diễn ra ít ngày nhưng là dịp xới lại phong trào vẽ tranh phong cảnh trong giới họa sĩ xứ cố đô. Biết đâu trong số họ, từ trại sáng tác này sẽ có người tìm thấy nguồn mạch chính cho sáng tạo của mình. Và quan trọng hơn hết, di sản Huế nói chung và lăng Tự Đức được quảng bá bằng nghệ thuật hội họa. Lâu nay Huế được tôn vinh là “bài thơ đô thị” với những di sản kiến trúc quý giá, thế nhưng chưa có nhiều tranh phong cảnh thực sự tiêu biểu, và chưa thấy họa sĩ xứ Huế nào định danh cùng phong cảnh Huế theo kiểu “phố Phái” của Hà Nội. Trong khi đó, ở các địa hạt khác đã có nhiều tác phẩm để đời về Huế như thơ Văn Cao, Nguyễn Bính, Thu Bồn, bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhiếp ảnh Nguyễn Khoa Lợi…
- Thảo Nhân