Ngoài sự lựa chọn du học tại các nước nói tiếng Anh, các du học sinh tương lai còn có nhiều chọn lựa ở các vùng ngôn ngữ khác như Pháp, Đức, Nhật… Cũng giống như khi đi du học tại các nước nói tiếng Anh, bạn phải học và thi các kỳ thi chuẩn hóa về ngôn ngữ như IELTS hay TOEFL, khi đã quyết định du học tại những nước kể trên, bạn cũng phải có khả năng sử dụng tốt các ngôn ngữ bản xứ. Dưới đây là một số chứng chỉ ngoại ngữ đại diện cho các vùng ngôn ngữ khác nhau trên thế giới mà bạn cần phải sở hữu để có thể du học tại các vùng ngôn ngữ đó.
Tiếng Pháp – DELF/DALF, TCF
DELF/DALF và TCF là hai loại bằng, chứng chỉ thông dụng nhất trong cộng đồng du học sinh Pháp. Đây là hai văn bằng được công nhận rộng rãi ở các nền giáo dục nói tiếng Pháp trên khắp thế giới. Ở TP.HCM, bạn có thể đăng ký học để ôn thi cho hai văn bằng này tại IDECAF.
1. DELF/DALF
Ra đời năm 1985, được chỉnh sửa vào năm 1992 và 2000, DELF (Diplôme d’études en langue française) và DALF (Diplôme approfondi de langue française) được Bộ Giáo dục Pháp cấp cho những người học tiếng Pháp không thuộc quốc tịch Pháp. Hệ thống bằng cấp này được tính cộng dồn cho dù bạn thi ở bất cứ đâu.
Hệ thống này có giá trị chứng nhận trình độ kiến thức và thực hành Pháp ngữ và có giá trị vĩnh viễn, được chia làm ba cấp độ:
– DELF bậc 1: gồm bốn đơn vị học trình có kiểm tra (A1, A2).
– DELF bậc 2: gồm hai đơn vị học trình có kiểm tra. Muốn đăng ký học DELF bậc 2, bạn phải có DALF bậc 1 hoặc có thể thi kiểm tra đầu vào (B1, B2).
– DALF: gồm bốn đơn vị học trình có kiểm tra (C1, C2). Muốn đăng ký học DELF bậc 2, bạn phải có DALF bậc 2 hoặc có thể thi kiểm tra đầu vào. Bằng DALF bảo đảm cho bạn khả năng ngôn ngữ cần thiết để theo học đại học tại Pháp và miễn phải thi kiểm tra tiếng đầu vào các trường đại học.
Lệ phí thi DELF/DALF nằm trong khoảng 500.000 VNĐ cho đến 1.500.000 VNĐ tùy vào cấp độ.
2. TCF
TCF (Bài kiểm tra trình độ tiếng Pháp) là bài kiểm tra trình độ tiếng Pháp chung của Bộ Giáo dục, giảng dạy đại học và nghiên cứu Pháp, dùng để đánh giá trình độ tiếng Pháp của các thí sinh muốn đi du học tại nước này. Trong quy trình Campus France, những bạn đã đạt được các cấp độ DELF B2, DALF C1, C2 sẽ được miễn thi TCF. Nếu so sánh, TCF sẽ giống với TOEFL và IELTS hơn vì đây chỉ là chứng chỉ có giá trị trong vòng hai năm chứ không phải có giá trị trọn đời như DELF/DALF. Có hai chứng chỉ TCF được tổ chức ở Việt Nam:
– TCF-DAP: là yêu cầu bắt buộc đối với mọi thí sinh đăng ký vào Licence 1 (cử nhân năm thứ nhất), Licence 2 (cử nhân năm thứ 2), cử nhân năm thứ nhất ngành Y (PAES) hay trường kiến trúc. Các kỳ thi TCF-DAP được tổ chức mỗi tháng một lần từ tháng 10 năm nay đến tháng 2 năm sau.
– TCF-TP: là yêu cầu bắt buộc đối với thí sinh đăng ký vào Licence 3 (cử nhân năm 3), Master (thạc sĩ) hoặc Doctorat (tiến sĩ), trường thương mại hoặc trường kỹ sư và với tất cả những ai muốn đánh giá trình độ tiếng Pháp của mình. TCF-TP được tổ chức ít nhất mỗi tháng một lần.
TCF cũng chia ra làm sáu cấp độ (A1, A2, B1, B2, C1, C2) như DELF/DALF. Đa số các trường đại học giảng dạy bằng tiếng Pháp đều yêu cầu sinh viên phải có trình độ đầu vào ở mức B2.
Tiếng Đức
Ở Việt Nam, tiếng Đức tuy không thông dụng bằng tiếng Pháp nhưng Đức vẫn là một điểm đến thu hút khá nhiều du học sinh vì chất lượng giáo dục tốt, lại có nhiều học bổng và hỗ trợ tài chính với sinh viên. Tại Việt Nam, địa chỉ học tiếng Đức tin cậy và được nhiều người biết đến nhất là Viện Goethe. Một số chứng chỉ tiếng Đức được các trường đại học Đức chấp nhận mà các bạn có thể ôn và thi tại Việt Nam.
1. DSH (Deutsche Sprachprüfung für den Hochschulzugang)
Là một bài thi tiếng Đức do các trường đại học tại Đức tự tổ chức và có giá trị cho tất cả các trường đại học tại Đức. DSH có các cấp độ (từ thấp đến cao): DSH 1, DSH 2 và DSH 3.
Để theo học đại học hay cao học bằng tiếng Đức, yêu cầu tối thiểu là SH 2, cho các ngành Y hay Ngôn ngữ có thể là DSH 3. Các chứng chỉ có thể thay thế DSH 2: TestDaF 4, DSD II, Feststellungsprüfung và chứng chỉ C2 của Viện Goethe. DSH chỉ có thể thi tại các trường đại học tại Đức.
2. TestDaF (TestDeutsch als Fremdsprache)
Là một bài thi tiếng Đức được tổ chức tập trung và thống nhất trên toàn cầu (tương tự IELTS hay TOEFL) với mục đích để theo học đại học hay cao học bằng tiếng Đức và có giá trị cho tất cả các trường đại học tại Đức.
TestDaF có các cấp độ (từ thấp đến cao): TestDaF 3, TestDaF 4 và TestDaF 5. Để theo học đại học hay cao học bằng tiếng Đức, yêu cầu tối thiểu là TestDaF 4, cho các ngành Y hay Ngôn ngữ có thể là cao hơn.
TestDaF có thể thi tại Viện Goethe Hà Nội, tại Viện Goethe TP. Hồ Chí Minh và tại Trung tâm Việt-Đức.
3. Các chứng chỉ của Viện Goethe (Goethe-Institut)
Viện Goethe là tổ chức văn hóa của CHLB Đức hoạt động trên phạm vi toàn thế giới.
Viện Goethe dạy tiếng Đức và tổ chức các kỳ thi tiếng Đức tương ứng với các trình độ theo chuẩn chung châu Âu về ngôn ngữ (GER): Từ trình độ A1 dành cho người mới bắt đầu tới trình độ C2 là trình độ tiếng cao nhất.
4. DSD (Deutsches Sprachdiplom der Kultusministerkonferenz)
Là chứng chỉ tiếng Đức dành cho học sinh phổ thông đã học chính quy tiếng Đức do giáo viên tiếng Đức đã được đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn về chương trình DSD giảng dạy.
DSD có các cấp độ (từ thấp đến cao): DSD I và DSD II.
Để theo học đại học hay cao học bằng tiếng Đức, yêu cầu phải có DSD II. DSD hiện chỉ có thể học và thi tại Trường THPT chuyên Ngoại ngữ và tại Trường THPT Việt-Đức.
5. ÖSD (Österreichisches Sprachdiplom Deutsch)
Là các chứng chỉ tiếng Đức của nước Áo tương tự như của Viện Goethe với trình độ A1 dành cho người mới bắt đầu tới trình độ C2 là trình độ tiếng cao nhất theo chuẩn chung châu Âu về ngôn ngữ (GER). Khoa Tiếng Đức của Trường Đại học Hà Nội có tổ chức thi các chứng chỉ ÖSD.
6. TELC (The European Language Certifi cates)
Là một công ty trách nhiệm hữu hạn của Đức kiểm tra trình độ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn khung tham chiếu chung châu Âu. Tất cả các kỳ thi TELC được dựa trên khung tham chiếu tiêu chuẩn chung châu Âu về ngôn ngữ (CEFR). Các chứng chỉ tiếng Đức của TELC có thể thi tại FUU Sachen Vietnam.
Tiếng Nhật
Để chuẩn bị đi Nhật, người học phải học ít nhất một năm để có thể đạt đến trình độ được các trường đại học Nhật chấp thuận. Tuy nhiên, đa phần các du học sinh vẫn dành thêm thời gian học tiếng Nhật khi đã sang Nhật trước khi chính thức bắt đầu chương trình đại học của mình. Có ba kỳ thi tiếng Nhật thông dụng là:
1. JLPT
Là kỳ thi lâu đời nhất, có uy tín nhất, được phổ biến rộng rãi tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, thích hợp với tất cả những người học tiếng Nhật muốn kiểm tra đánh giá năng lực của mình.
Một năm tổ chức hai lần: vào Chủ nhật tuần đầu tiên của tháng 7 và tháng 12 hằng năm. Tháng 7 chỉ tổ chức ở Hà Nội.
Chia làm năm cấp độ: N1, N2, N3, N4, N5, trong đó N1 là mức cao nhất, N5 là mức thấp nhất. Điểm tối đa là 180 điểm cho ba nhóm môn thi.
2. Nat-test
Có nhiều kỳ thi trong một năm. Được thi sau năm tuần đăng ký. Có kết quả khoảng ba tuần sau khi thi.
Một năm tổ chức sáu lần: vào tháng 2, 4, 6, 8, 10 và tháng 12 hằng năm.
Chia làm bốn cấp, từ cấp 1 đến cấp 4. Cấp 1 là cao nhất, cấp 4 là thấp nhất. Điểm tối đa cho hình thức thi này là 180 điểm.
3. TOP J
Là kỳ thi mới nhất giúp kiểm tra năng lực tiếng Nhật thực dụng của người học, thích hợp và cần thiết với mọi lứa tuổi. Kỳ thi có quy trình thi nghiêm ngặt, được đánh giá cao về chất lượng. Điểm đặc biệt là không có khái niệm đỗ hay trượt trong kỳ thi TOP J, vì thí sinh sẽ được đánh giá năng lực theo thang điểm A, B, C.
Một năm tổ chức bốn lần: vào tháng 3, 5, 9 và tháng 11.
Chia làm ba cấp: sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Tính theo thang điểm A, B, C, điểm tối đa là 500 điểm.
Nhật Hà (DNSGCT)