Với tên gọi “Thép mơ” (Rêve de Fer), bộ sưu tập các tác phẩm mới của nữ họa sĩ người Pháp Hélène Kling sẽ được giới thiệu với công chúng tại Nhà triển lãm TP. Hồ Chí Minh (92 Lê Thánh Tôn, Q.1, từ 14 đến 18-11-2013).
Những ngày đầu tháng 11 này, ai đến tham quan xưởng vẽ của Hélèn Kling(*), người đã sống và làm việc hơn 17 năm tại Việt Nam, nơi “mỗi giọt nước mắt rơi trong niềm hạnh phúc, niềm vui và nỗi buồn đã ngay lập tức được vẽ trên những bức tranh của tôi, bằng sắc màu và các loại vật liệu” như cô từng tâm sự, cũng sẽ có cảm giác như lạc vào một thế giới khác: thế giới của sự kết hợp giữa hội họa và vật liệu tái chế.
Người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tác của Hélène Kling. Có thể nói, tác phẩm của cô phản ánh hình ảnh và tình cảnh của người phụ nữ trong những xã hội khác nhau như cô bày tỏ: “Tôi đã sống ở Việt Nam từ năm 1996 và được chứng kiến sự phát triển của đất nước này hoặc là đồng hành với người phụ nữ hoặc là ngược lại trong thực tế. Người phụ nữ Việt Nam là cốt lõi, là vẻ đẹp, sức mạnh và trí thông minh của đất nước. Họ là người mẹ, là cô gái năng động, đáng yêu và là người đang yêu – những người dù ít hay nhiều cũng được quan tâm đến. Trong khi ở một số nước, hình ảnh đẹp của phụ nữ thiếu hẳn sự quan tâm, còn tại nhiều nước khác, tâm hồn và vẻ đẹp của họ lại bị che giấu đi”. Từ những chiêm nghiệm đó, Hélène Kling quyết định sẽ đại diện cho phụ nữ trong mọi hoàn cảnh khác nhau bằng chính các sáng tác mỹ thuật của mình. Và để thể hiện những cảm xúc như thế, cô phải tìm kiếm một chất liệu nào đó thật thích hợp. Các tác phẩm mới được Hélène Kling vẽ trên tôn gợn sóng đã ra đời cách đây hai năm từ những trăn trở như thế.
Trước khi đến với nhà triển lãm, các bức tranh mới nhất của Hélène Kling được xếp từ tầng trệt lên tận tầng ba của ngôi nhà của cô tại khu biệt thự Thảo Điền (quận 2), nơi còn là xưởng vẽ đồng thời là lớp dạy vẽ của cô. Ghé thăm nơi đây, khách có thể khoan thai ngắm nhìn các bức tranh được vẽ ngay trên mặt tôn rỉ sét màu nâu đất, như bức H’Mông Hoa vẽ người phụ nữ dân tộc vùng cao Tây Bắc đội chiếc mũ nhiều màu sắc nét mặt khắc khổ, hơi cau mày thể hiện trạng thái tinh thần vững chãi như thép; hay bức Phụ nữ Việt Nam vẽ một bà lão đội nón, gương mặt cằn cỗi, già nua nhưng nhân hậu và bao dung; còn Đất châu Phi thể hiện một cô gái ở lục địa Đen có màu da hòa với màu nền của chất liệu. Theo Hélène, sở dĩ cô không tạo nền của các tác phẩm bằng sơn bóng vì muốn phản ánh đúng tính cách của các nhân vật trong tranh của mình. Giữ nguyên nền vật liệu cũ kỹ và thô kệch sẽ khắc họa rõ nét hơn chân dung những người đàn bà lam lũ, khắc khổ, xuất thân từ miền đất hoang dã như châu Phi hay những vùng quê nghèo khó của Việt Nam. Trong khi đó, bức Hồng ngọc vẽ cô gái Nhật Bản điệu đà áo nón hay bức Kim cương vẽ cô gái phương Tây lại được thể hiện trên nền tôn sơn màu bóng bẩy, phản ánh sự cầu kỳ ở những cô gái hiện đại thích làm đẹp.
Không chỉ vẽ trên tôn gợn sóng tái chế, Hélène Kling còn dùng vàng, bạc lá và đá bán quý trang điểm các bức tranh khiến chúng trở nên mềm mại và sinh động hơn với những nhân vật nữ dù tràn đầy năng lượng, mạnh mẽ và vững chắc nhưng vẫn tinh tế và dịu dàng.
(*) Xưởng vẽ và lớp hội họa Hélène Kling, 189/C1 Nguyễn Văn Hưởng, P. Thảo Điền, Q.2, TP. Hồ Chí Minh. Website: http://www.helenekling.com.
- Ngô Vy