Không lẽ họ có tiền mở một quán cà phê, có tiền mua bộ loa xịn, nhưng lại phó mặc gu âm nhạc trong quán cho bọn nhân viên tùy tiện tha hồ tra tấn khách?
Ở Sài Gòn bây giờ tìm quán cà phê có gu nhạc tốt, không phải dễ. Bạn sẽ hỏi, gu nhạc tốt là gì? Là một trường âm nhạc phù hợp với phân khúc khách hàng mà quán hướng tới.
Một thời, khoảng thập niên 2000, Sài Gòn có nhiều quán cà phê thật hay, bởi lúc ấy có vẻ người ta mở quán vì biết khách hàng của mình là ai. Nói điều này không khéo rơi vào hội chứng cuồng ký ức.
Từ trải nghiệm cá nhân, vào thời điểm đó, người viết bài này đã được sống qua tuổi trẻ trôi nổi ở những quán cà phê âm nhạc Sài Gòn tạm gọi có gu rõ ràng để có thể kể lại. Chỉ tính ở khu trung tâm, khách chững tuổi, gu tiền chiến, nhạc trước 1975 thì đến nhiều chỗ lựa chọn: Thềm Xưa, Serenade, Sỏi Đá, Vô Thường… decor quán kiểu sân vườn, tĩnh lặng, có chút không khí hoài niệm, thanh lịch và nhẹ nhàng.
Khách sành âm thanh, đến quán Hi-end hay ngồi góc Eva trên đường Trần Quốc Thảo. Khách thích nhạc trẻ, có thể đến những quán sinh viên ở khu Đinh Tiên Hoàng, gần Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, khu Nguyễn Đình Chiểu, gần Đại học Kiến Trúc, Đại học Kinh tế… Còn sang hơn một chút, thì ra Đồng Khởi ngó phố phường, ngồi Highlands (Highlands hồi đó gu âm nhạc khá hơn bây giờ bội phần), Givral (Givral ở trung tâm thuở ấy không chỉ có bán bánh ngọt, bánh kem)…
- Xem thêm: Thân thương cà phê bệt
Rồi cũng có những quán cà phê nhạc Pháp, nhạc Mỹ để nghe – từ Christophe đến The Beatles. Nếu khách có gu nhạc làn sóng xanh, hay dễ dãi hơn – nhạc “một mùa” vẫn có những quán “xanh đỏ tím vàng” để yên tâm nghe, hát theo mà không bị ai đánh giá, gán nhãn.
Nghĩa là khách hàng thuộc giới nào thì có thể đến kiểu quán đó, ngồi bên ly cà phê, nếu không nghe nhạc thì ít ra cũng không bị âm nhạc man rợ lệch pha kiểu “một màu” đuổi khéo mình. Thứ nhạc một màu hùng hổ của hơn một thập niên về trước không khiến ta đủ chán ngán sao!
Thật vậy, bây giờ vào quán cà phê, chẳng hiểu sao, nhạc lại cứ bị một màu nhạt nhẽo. Thật không gì kinh hoàng cho bằng, thứ nhạc thời trang một giai điệu, một công thức hòa âm, ca từ ngô nghê thừa thãi được mở ở khắp nơi, từ quán dành cho giới khách hàng chững chạc cho đến học sinh sinh viên [lẽ ra] có học hành và gu thẩm mỹ ổn, từ cà phê sách đến cà phê bụi cho tới các quán từng dành cho khách tạm gọi là lịch thiệp…
Tất cả chìm đắm trong thứ nhạc xập xè xập xèng nhảm nhí. Điều lạ, như đã viết qua, đến những quán một thời từng được coi là hiện đại, sang trọng và kén khách ở khu trung tâm có chăm chút về nhạc thì nay cũng đã đổi màu, hòa đồng với xu thế nhạc nhạt nhẽo. Cứ như không nhạt thì quán không sao sống được!
Thế là một màu rên rẩm sến sẩm ê ẩm tấn công tinh thần chúng ta. Nhưng trong lúc ông khách đang tự thấy mình bên kia con dốc cuộc đời cáu kỉnh ngồi không yên với ly cà phê uống dở, thì đám nhân viên lại đang vui vẻ hát theo, “em hôm nay ra sao, đang yêu ai quen ai, anh nhìn em trông gầy hơn trước đấy” và rồi “em gì ơi, yêu được không yêu được không” hay ứng với ngữ cảnh hơn: “em không sai, chúng ta sai”…
Rõ ràng trong nhiều trường hợp, đó là thứ nhạc tồn tại không phải vì khách, mà vì các nhân viên phục vụ quán.
- Xem thêm: Hẻm cà phê
Đúng là niềm hân hoan của người này là bi kịch của người kia. Niềm hưng cảm trong lao động của người này là sự đục khoét đức kiên nhẫn và nhu cầu hưởng thụ của người kia. Nếu bạn là ông khách khó tính và kén gu nhạc, chắc chắn sẽ thấy trong não mình nẩy lên những ý nghĩ rẻ rúng, rồi thì cũng phải thích ứng vì bây giờ đi đâu thì cũng vậy. Đám bạn khó chịu vì tuổi tác và sự bảo thủ trong gu nhạc bảo nhau, thời bây giờ muốn nghe nhạc hay, theo ý mình có thể chỉ nên cay đắng chấp nhận một chuyện: đừng có ra quán. Hãy ở nhà pha một ly cà phê và chọn thứ nhạc mình thích.
Vĩ thanh:
Vậy rồi một hôm có ông bạn mở quán cà phê, hẹn bàn chuyện làm sao xây dựng không gian dễ chịu cho mấy thằng sắp già như bọn mình có chỗ quây quần tâm sự. Nghe cũng êm tai, đến lượt thằng sắp già khó tính thứ thiệt, hắn chỉ xin một điều tưởng dễ hóa ra khó: tuyển nhân viên biết nghe theo gu nhạc của khách. Nghĩa là, tụi nó không bị chán đời mà bỏ việc khi hằng ngày phải nghe gu nhạc của lũ chúng ta. Thằng bạn lắc đầu: “Cái này coi bộ khó. Nhân viên bây giờ chảnh lắm mầy ơi, không chiều tụi nó, không chăm sóc đời sống tinh thần lẫn vật chất cho tụi nó thì tụi nó đâm đơn nghỉ việc, bọn mình phải ra đứng quầy pha chế…”.
Khó quá, thôi bỏ qua. Cả bọn ngồi bốc khói trong đầu, nghĩ một lúc thì đi đến quyết định: bỏ cái vụ nhạc nhẽo này đi. Quán không có nhạc nhéo gì lại hay. Nhân viên nào muốn nghe nhạc thì tự mua headphone gắn vô tai mà nghe cho tăng thêm niềm hưng phấn mà làm việc, miễn sao pha chế không lộn món, thối không nhầm tiền cho khách là được.
Chúng ta phải cưng nhân viên nhưng đừng bạc đãi khách!