Vì sao chúng ta luôn cảm thấy buồn ngủ, không chỉ ngáp ngắn ngáp dài trong các cuộc họp mà ngay cả khi đang làm việc cũng muốn tìm chỗ ngả lưng? Thậm chí có người đêm trước đã ngủ đủ bảy, tám tiếng theo lời khuyên của bác sĩ nhưng cả ngày hôm sau vẫn gà gật, “mắt mở không lên”.
Ngủ đủ nhưng vẫn thiếu ngủ
Theo BS Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh, buồn ngủ là một phản ứng rất tự nhiên của cơ thể khi cần nghỉ ngơi. Trong khi ngủ, cơ thể tiết ra các loại hormone quan trọng giúp cho quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho các hoạt động trong ngày và quá trình tăng trưởng của cơ thể, giúp não bộ sắp xếp các thông tin một cách có hệ thống, thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn của não bộ.
Hiện tượng buồn ngủ cả ngày chứng tỏ chúng ta không có đủ năng lượng để hoạt động (do ăn kiêng quá mức chẳng hạn) hay khi đầu óc nạp quá nhiều thông tin mà chưa được sắp xếp một cách có hệ thống.
Mỗi đêm, người trưởng thành cần từ 1-2 giờ ngủ sâu để tích lũy năng lượng và hệ thống hóa thông tin nhưng có nhiều người không có giấc ngủ sâu, chỉ có giấc ngủ nông. Có những người nằm trên giường đủ bảy, tám tiếng nhưng thực ra thời gian ngủ không đến năm tiếng. Vì vậy, cả ngày hôm sau, cơ thể không đủ tỉnh táo và năng lượng nên “biểu tình” bằng triệu chứng buồn ngủ để được nghỉ ngơi.
Có những rối loạn tâm thần dẫn đến giấc ngủ kém như rối loạn lo âu, mệt mỏi kinh niên, trầm cảm hoặc hội chứng cạn kiệt năng lượng (burnout). Những người bị rối loạn lo âu, mệt mỏi kinh niên thường khó đi vào giấc ngủ mỗi tối. Người bị trầm cảm thường thức giấc vào khoảng 2, 3 giờ sáng và khó ngủ trở lại. Còn những người bị hội chứng burnout hay bị mất ngủ hoặc không thể ngủ sâu.
Một số người khó có giấc ngủ sâu vì bị hội chứng ngưng thở khi ngủ. Giấc ngủ của bệnh nhân bị gián đoạn vì tình trạng ngáy rồi ngưng thở cứ lặp đi lặp lại khoảng bốn, năm lần mỗi giờ. Bệnh nhân thường là người thừa cân tuổi trung niên, không biết mình bị ngưng thở khi ngủ. Họ chỉ than phiền là đêm ngủ không ngon, hay nằm mơ, tiểu đêm nhiều và ban ngày rất uể oải, hay gà gật.
Ngoài ra, các cơn đau do viêm khớp, đau dạ dày, tiết niệu, tiểu đường, bệnh đường hô hấp, tim mạch, thần kinh đều có ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Hệ quả là ngày càng nhiều người cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày.
Chứng ngủ nhiều vô căn và chứng ngủ rũ
Theo tài liệu từ Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh, một số bệnh nhân hay buồn ngủ ban ngày là người mắc chứng ngủ nhiều vô căn. Rối loạn này chỉ xảy ra ở số ít người vào tuổi trung niên. Người bệnh thường ngủ nhiều mỗi đêm nhưng buổi sáng vẫn thấy buồn ngủ, không muốn thức dậy kèm theo biểu hiện rối loạn định hướng khi thức.
Một rối loạn giấc ngủ thường xảy ra ở nam giới tuổi trưởng thành gọi là chứng ngủ rũ. Những cơn buồn ngủ bất ngờ xuất hiện và bệnh nhân không thể cưỡng lại được, buộc phải ngủ ngay lập tức. Kèm theo cơn buồn ngủ là tình trạng mất trương lực xuất hiện toàn thân hay tập trung ở một số cơ quan như đầu cổ, khớp gối làm bệnh nhân bị gục đầu, khụy gối.
Những biểu hiện liệt gây mất hoàn toàn cử động cơ bắp, rối loạn hít thở, xuất hiện cả khi ngủ lẫn khi thức giấc. Khi thức dậy sau một giấc ngủ bất chợt ập đến, bệnh nhân không thể nhớ nổi mình đang làm gì trước đó.
Chứng ngủ rũ không xuất hiện ở một thời điểm cố định trong ngày. Những người bị chứng ngủ rũ rơi vào giấc ngủ mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Họ có thể ngủ bất cứ nơi nào, bất cứ ở đâu như khi đang làm việc, hội họp, trò chuyện, lái xe… Vì vậy, chứng ngủ rũ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng với những bệnh nhân đang lái xe, nấu ăn, làm xây dựng…
Nguyên nhân chính xác của chứng ngủ rũ hiện y học vẫn chưa biết rõ. Yếu tố gen di truyền được nhắc đến như một yếu tố nguy cơ chính.
Ngoài ra, các yếu tố khác như stress, nhiễm trùng hoặc tiếp xúc với chất độc có thể góp phần làm tăng nguy cơ chứng ngủ rũ. Hypocretin là một hóa chất quan trọng trong bộ não giúp điều chỉnh sự tỉnh táo.
Những người bị chứng ngủ rũ thường có mức Hypocretin thấp, có thể do nguyên nhân nhân tự miễn dịch của cơ thể.
Điều trị chứng ngủ rũ bằng thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương để giúp người có chứng ngủ rũ ở lại tỉnh táo trong ngày như thuốc modafinil, methylphemidate. Tác dụng phụ của modafinil là có thể bao gồm đau đầu, buồn nôn, khô miệng, chán ăn và tiêu chảy, nhất là có thể gây tăng huyết áp, đặc biệt là ở liều cao.
Một số lời khuyên giúp ngủ ngon
Nếu cảm thấy khó tỉnh táo vào ban ngày, chúng ta nên chăm chút nhiều hơn cho giấc ngủ của mình với những lời khuyên sau đây:
- Tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Buổi sáng khi thức dậy nên ra khỏi giường ngay.
- Đi ngủ ngay khi cảm thấy buồn ngủ ngáp.
- Tránh hút thuốc và uống rượu khi chuẩn bị lên giường, có thể gây hưng phấn dẫn đến mất ngủ hoặc khó ngủ sâu.
- Tập thể dục mỗi tuần ba lần, cách giờ ngủ ít nhất 4-5 giờ có thể giúp cảm thấy tỉnh táo vào ban ngày và ngủ tốt hơn vào ban đêm.
- Trước khi đi ngủ chỉ nên uống một ly sữa, không ăn quá no hay ăn nhiều đồ béo.
- Nên tắm trước khi đi ngủ, nước mát giúp chúng ta dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
- Phòng ngủ nên bố trí thoáng mát, tránh xa tivi và những ánh sáng mạnh.
- Không nên ngủ trưa quá một giờ và nên ngủ trưa trước 3 giờ chiều.