Trong 10 năm tới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ có thêm hơn 350 sân bay được xây dựng mới với con số đầu tư lên đến hơn 100 tỉ USD, đó là những con số dự đoán được đưa ra từ tổ chức Frost & Sullivan. Đây là kế hoạch phát triển nhằm chấm dứt tình trạng các sân bay hiện tại trong khu vực này luôn phải gánh gồng những dãy người dài đằng đẳng trước các quầy thủ tục xuất nhập cảnh, những băng chuyền hành lý quá tải và chi phí ngày càng gia tăng cho những chuyến bay liên tục bị hoãn cất cánh.
Theo Tổ chức UN World Tourism, số lượng hành khách du lịch quốc tế đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2013 đã đạt 248 triệu khách tăng 6% so với năm trước đó, đây là một con số tăng trưởng mạnh nhất so với các khu vực khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng thần tốc của tầng lớp trung lưu tại hầu hết các quốc gia trong khu vực từ Trung Quốc, Ấn Độ cho đến Philippines và Indonesia đang tạo nên sự bùng nổ của ngành du lịch và kỳ vọng đem lại sự tăng trưởng ngoạn mục cho ngành vận chuyển hàng không. Nắm bắt xu thế phát triển này, ngành hàng không khu vực đã đáp ứng bằng việc cho xuất hiện ngày càng nhiều hãng hàng không giá rẻ cũng như hàng loạt các đường bay mới được khai thác. Tuy nhiên, về cả số lượng lẫn chất lượng của các sân bay hiện tại trong khu vực đang thể hiện khả năng không thể phục vụ đạt tiêu chuẩn cho số lượng hành khách và chuyến bay đang ngày càng gia tăng. Điều này tất yếu sẽ đưa đến kết quả là các chính phủ phải mở rộng các sân bay cũ hoặc tiến hành xây dựng thêm các sân bay mới.
Đua nhau tăng tốc mở rộng, nâng cấp…
Thực tế cho thấy cơ sở hạ tầng sân bay cũ kỹ, lạc hậu tại nhiều quốc gia đã làm chậm trễ rất nhiều sự phát triển của ngành du lịch. Nhiều chính phủ đã phải trả giá cho sự thiếu quan tâm đến việc tăng trưởng của các nhà ga và sân đỗ mới cho sân bay đang hoạt động và hậu quả là có rất nhiều sân bay đang phải gồng gánh số lượng hành khách vượt quá con số tối đa theo khả năng. Sự tập trung không phải chỉ là về tài chính mà còn về những đánh giá tiềm năng khai thác chính xác hơn. Không chỉ có ở những thành phố lớn, tại nhiều thành phố nhỏ vẫn có rất nhiều tiềm năng để có thể tiến hành xây dựng hoặc nâng cấp các sân bay để trở thành những sân bay lớn với tần suất khai thác cao không kém.
Một ví dụ điển hình là sân bay quốc tế Kualanamu ở thành phố Medan – Indonesia, được mở cửa hoạt động vào tháng 7 năm ngoái với khả năng trở thành một sân bay lớn cho các chuyến bay đến Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, do chỉ được thiết kế để phục vụ công suất tối đa 8 triệu lượt khách mỗi năm nên chỉ sau vài tháng hoạt động hiện sân bay này đang phải liên tục trong tình trạng quá tải. Tương tự, sân bay Soekarno-Hatta ở Jakarta đang được nâng cấp sau khi phải phục vụ hơn 60 triệu hành khách vào năm ngoái, con số này gần gấp ba lần so với khả năng dự kiến khi thiết kế sân bay. Chỉ tính riêng việc nâng cấp những sân bay hiện tại có thể làm cho Indonesia tiêu tốn thêm khoản kinh phí lên đến 25 tỉ USD.
Trong khi đó, sân bay Kuala Lampur của Malaysia cũng tiến tới mục tiêu tăng gấp đôi khả năng đáp ứng lên đến 100 triệu lượt khách/năm vào năm 2020, còn sân bay Hongkong thì muốn đạt con số 97 triệu khách hằng năm cho đến năm 2030, tăng cao hơn so với con số 60 triệu đã đạt được vào năm 2013.
Tại Philippines, hiện đang có những kế hoạch thay thế hoàn toàn sân bay quốc tế Ninoy Aquino của Manila, một trong những sân bay vốn nổi tiếng vì sự đông đúc phức tạp và những tiện nghi phục vụ lạc hậu. Cuộc đại tu diễn ra tại nhà ga số 1, vốn được xây dựng từ năm 1981 chỉ với công suất phục vụ tối đa 6 triệu lượt khách một năm, và mở rộng hai nhà ga khác đã nâng tổng số lượt khách phục vụ của sân bay đạt con số 30 triệu khách trong năm 2013.
Ngay cả với sân bay Changi – Singapore, được công nhận là một trong những sân bay lớn nhất thế giới cũng phải đang được mở rộng với chi phí 1 tỉ USD, trong đó nhà ga số 4 sẽ mở cửa phục vụ vào năm 2017 nâng công suất phục vụ lên 82 triệu lượt khách so với hiện nay là 54 triệu lượt. Các kế hoạch cũng đã được phê duyệt để tiếp tục xây dựng nhà ga số 5 trong thời gian sắp tới.
Như nấm mọc sau mưa
Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp thì để đối phó với sự bùng nổ tăng trưởng, ngành hàng không khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đang chứng kiến rất nhiều kế hoạch cũng như các dự án đang được triển khai xây dựng nhiều sân bay mới tại hầu hết các quốc gia. Và nếu nhìn vào con số được đưa ra thì sự xuất hiện của các sân bay mới tại khu vực này trong thời gian tới có thể được ví như hình ảnh “nấm mọc sau mưa”.
Theo kế hoạch, Indonesia sẽ cho xây dựng thêm 62 sân bay mới trong năm năm tới cùng với 237 sân bay đang hoạt động hiện nay, ngay cảở những thành phố không phải là điểm đến du lịch cũng đang tiến hành xây dựng các sân bay mới trong khi tại thành phố Medan con số lượt khách hàng không dự đoán sẽ tăng gấp ba lần trong 10 năm tới và con số tăng trưởng của ngành hành không tại Indonesia đang rất khả quan khi đều đặn tăng từ 14 – 15% hằng năm.
Nếu nhưẤn Độ có kế hoạch xây dựng thêm 60 sân bay mới thì tại Trung Quốc con số này dự đoán sẽ là hơn 100 sân bay. Sau khi vừa hoàn thành một sân bay khổng lồ có công suất phục vụ 80 triệu hành khách mỗi năm, Bắc Kinh hiện đang chuẩn bị xây dựng tiếp sân bay thứ hai với kinh phí đầu tư lên đến 11 tỉ USD dự kiến sẽ khai trương vào năm 2018 với công suất phục vụ 40 triệu lượt khách mỗi năm.
Myanmar – quốc gia vừa gia nhập lại nền kinh tế toàn cầu sau nhiều thập niên chìm đắm trong nội chiến, hiện cũng đang có kế hoạch nâng cấp 39 sân bay khi con số hành khách du lịch cũng như khách nội địa của quốc gia này đang tăng trưởng mạnh với 4,2 triệu lượt khách vào năm 2013 và dự đoán sẽ tăng lên đến 30 triệu vào năm 2030. Chính phủ nước này cũng đang xây dựng một sân bay mới trị giá 1,5 tỉ USD mang tên Hanthawaddy, sân bay thứ hai tại Yangon.
Quốc gia có nền kinh tế thấp như Bangladesh cũng không nằm ngoài xu thế phát triển khi đang tiến hành xây dựng một sân bay mới có chi phí đầu tư lên đến 7,2 tỉ USD cách thành phố Dhaka 60km. Nguồn tài chính được cho là lấy từ ngân sách chính phủ và các nguồn đầu tư tư nhân.
Hầu hết các sân bay mới hiện nay được xây dựng theo khuynh hướng không chỉ phục vụ hành khách hàng không mà còn là những aeroparks và aerotropolites (tạm dịch: công viên và đô thị hàng không), sự kết hợp với những tiện nghi cuộc sống theo phong cách hiện đại, những nhà hàng, cửa hàng mua sắm hấp dẫn dành cho cả những khách hàng đến không phải để thực hiện chuyến bay. Đây là một xu hướng khá phát triển tại phương Tây trong thời gian qua và giờ đã lan đến khu vực châu Á.
H.K