Ở Việt Nam, thủy tinh nghệ thuật có lẽ là một trong số ít ngành công nghiệp chưa bị chi phối bởi áp lực cạnh tranh vì đặc thù văn hóa của sản phẩm. Họa sĩ Bùi Chí Công, người sáng lập Artglass, cũng là người đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành công nghiệp non trẻ này. Là một người khá hóm hỉnh, những vấn đề to tát khi đặt dưới lăng kính của anh bỗng trở nên nhẹ nhõm lạ lùng. Chậm rãi, anh bắt đầu buổi trò chuyện với chúng tôi bằng hồi ức về những năm tháng làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, bởi với anh, tìm được ra con đường cho mình đã là nắm bắt được một nửa sự thành công.
Đó là thời kỳ người ta phân công công tác mà không cần quan tâm đến chuyên môn. Bạn bè tôi nhiều người về quê, làm ở phòng văn hóa xã, chuyên kẻ panô áp phích cổ vũ phong trào diệt rầy nâu, nuôi chim cút… còn tôi về làm việc tại Nhà máy Da Sài Gòn, chuyên vẽ giày dép túi xách. Tưởng rằng may mắn hơn bạn bè vì được làm đúng chuyên môn (mỹ thuật công nghiệp) nhưng cuối cùng tôi cũng không có cơ hội sáng tạo. Muốn vẽ một mẫu sản phẩm mới, phải hiểu đối tượng sử dụng, công nghệ sản xuất, nguyên phụ liệu đi kèm… tức là đòi hỏi một lối tư duy phân tích tổng hợp. Nhưng vào những ngày ấy, túi xách được quy định là hình chữ nhật, vật liệu thì của một nhà máy được chỉ định độc quyền cung cấp, quanh năm suốt tháng chỉ có bốn màu. Điều đó vô hình trung đã “nhốt” sự sáng tạo vào một khuôn khổ định sẵn. Vả lại, thời bao cấp, hàng hóa khan hiếm, nên người ta cũng chẳng cần phải đầu tư thay đổi mẫu mã làm gì cho mệt. Nản chí và xa (nhà máy đặt ở dưới Bình Chánh trong khi gia đình tôi thì ở Quận I), tôi xin về Liên hiệp Dầu thực vật Việt Nam. Mặc dù công việc chẳng dính líu đến những kiến thức tôi được truyền thụ ở trường đại học nhưng đổi lại, tôi không phải thức dậy vào sáu giờ sáng để đi làm.
Khoảng thời gian từ năm 1982 – 1992, tôi như một con sâu nằm trong ổ kén, tù túng, bức bách và mất định hướng.
____
Nghĩa là anh cần mười năm để quyết định ra khỏi ổ kén?
Thực tế là lúc đó có muốn cũng không thoát ra được. Thứ nhất, thế hệ chúng tôi được đào tạo lấy nhà nước làm chủ thể, nên ra khỏi doanh nghiệp nhà nước là chuyện không bình thường. Thứ hai, tách khỏi biên chế thì biết làm gì để sống. Vốn liếng không có, gia đình cũng chẳng buôn bán gì. Chưa kể cách nhìn nhận của xã hội lúc bấy giờ vẫn theo kiểu sĩ nông công thương, xem việc kinh doanh bên ngoài là một cái gì đó rất bấp bênh, không đàng hoàng, thậm chí chụp giật…
Bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi là buổi khai trương Khách sạn Caesar tại Trung tâm Thương mại An Đông. Những sản phẩm kính trang trí trong nội thất khách sạn này khiến tôi sững sờ. Bản thân sự lóng lánh của vật liệu thủy tinh đã thu hút loài người. Trước hết, đó là sự say mê mang tính bản năng. Thủy tinh làm con người ta liên tưởng đến nước, môi trường mà con người ta gắn bó gần gũi khi còn là một cái bào thai trong bụng mẹ. Hơn thế, thủy tinh là chất lỏng duy nhất ở thể rắn mà người ta có thể nắm bắt và chế tác được. Với lại, xưa nay mình “ngồi đáy giếng” lâu quá, không được tiếp cận với những xu hướng mới, những công nghệ mới. Mong muốn sáng tạo trỗi dậy, tôi thấy rằng đã đến lúc phải chui ra khỏi ổ kén.
____
Anh từng nói Việt Nam là “vùng tối” của thủy tinh nghệ thuật thế giới. Việc anh quyết định nhập cuộc chơi này phải chăng là một cách đặt cược cho số mệnh?
– Tôi muốn khẳng định cái tôi của mình. Có người cũng đã từng hỏi tôi sao không chọn những loại vật liệu khác như gỗ hoặc đá chẳng hạn, tức là những ngành đã có người làm rồi, sẽ đỡ vất vả hơn. Tôi trả lời rằng tôi không muốn xếp ở vị trí thứ hai. Để đứng thứ nhất, tốt hơn hết nên lựa chọn một lĩnh vực mới và xếp riêng một hàng. Không thầy, không có chuyên gia, không có kỹ thuật, không có nghiên cứu thị trường và vì vậy không có gì đảm bảo người tiêu dùng trong nước sẽ chấp nhận sản phẩm, tôi bắt đầu sự nghiệp bằng một con số không tròn trĩnh. Tuy nhiên, tôi tin vào trực giác của mình, khả năng của mình và sau cùng, tôi tin rằng không thành công cũng thành nhân.
____
Trước một núi khó khăn chồng chất như vậy, anh đã mò mẫm đi như thế nào trong “vùng tối”?
– Là người duy lý nên với tôi, tất cả mọi thứ đều phải được chứng minh. Tôi bắt đầu tìm hiểu kính là gì, tính cơ lý hóa của nó ra làm sao, có thể đúc, uốn hay nung chảy được không. Hoặc ở khía cạnh hóa tính, kính chịu được sự ăn mòn của tất cả các loại muối, các loại axít ngoại trừ axít clohydric, độ cứng của kính tương đương đá granít và đặc biệt nó là vật liệu rắn duy nhất mà ánh sáng có thể xuyên qua. Tức là có nhiều phương án để sử dụng loại vật liệu này.
Có những lúc tưởng như vô vọng. Chẳng hạn, hỏi “Tại sao chỉ cần một nét vạch rất mảnh, mắt thường không nhìn thấy nhưng vẫn có thể bẻ gãy được cả tấm kính?”, những người phụ trách kỹ thuật của tất cả các cơ sở cắt kính tôi tìm đến đều không trả lời được. Tôi ra Hà Nội, tìm gặp ông Viện phó Viện Quang học để trao đổi, thông tin tôi nhận được cũng chỉ là kiến thức về kính quang học. Chạy sang Nhà máy Thủy tinh Hà Nội, nơi chuyên thổi chai lọ và bình hoa, ông giám đốc từ chối tiếp khi biết tôi đến không phải để mua hàng. Vậy là tắc nốt.
Quay lại Sài Gòn, tôi vớ được một quyển tạp chí của Hồng Kông, trong đó có chụp một tấm hình khắc trên kính tương tự như ở Khách sạn Caesar. Thủy tinh dùng trong điêu khắc có độ dày 10 ly nhưng khi qua bàn tay của các nghệ nhân, nó có thể thể hiện phong cảnh có không gian sâu hàng ngàn mét. Chạm vào những hình khắc trên kính trong Khách sạn Caesar, tôi nhận định sản phẩm này không phải là dùng phương pháp đúc hay đổ khuôn. Kính vốn cứng và giòn, nhưng những đường nét khắc lại nông sâu ngẫu hứng, bay bổng và mềm mại, tôi suy luận người nghệ nhân chắc chắn phải được tự do sáng tạo khi thực hiện các hình vẽ – nhưng họ làm như thế nào thì chịu!
Tình cờ, trong một cuốn sách của Liên Xô mà tôi tìm được có một mục dạy cách cắt thủy tinh bằng nước, mài thủy tinh bằng cát… Giống như kẻ lạc bước trong hầm tối, dù chỉ một chút ánh sáng le lói cũng thắp lên hy vọng, tôi bắt tay vào thử nghiệm. Năm 1992, tôi khắc thành công một quả táo lên miếng kính cỡ lòng bàn tay. Thật khó để diễn tả được hết niềm xúc động và vui sướng của tôi lúc đó, nhưng có một điều tôi biết chắc chắn là mình đã tìm ra được điểm tựa, tìm ra con đường mà mình sẽ đi. Đến giờ, tôi vẫn giữ “quả táo kính” đó như một kỷ vật vô giá. Trên thế giới, việc mài giũa thủy tinh tồn tại song song với sự ra đời của vật liệu này. Nhưng ở Việt Nam, tôi hoàn toàn có thể tự hào là người đầu tiên ứng dụng công nghệ này vào cuộc sống: năm 1994, bức tranh kính điêu khắc Hồ Sen, Lan Xuân tại Khách sạn Mondiand trên đường Đồng Khởi là tác phẩm – sản phẩm đầu tiên.
____
Nghe nói một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công của Artglass ngày hôm nay là nhờ anh đã từng thọ giáo ông Svacka, viện sĩ Viện Hàn lâm nghệ thuật Tiệp Khắc trước kia, một chuyên gia nổi tiếng thế giới về thủy tinh nghệ thuật tại Cộng hòa Séc?
Người ta nói muốn biết về karatedo, không gì bằng sang Nhật. Muốn hiểu biết về Phật giáo, tốt nhất là qua Ấn Độ. Tương tự, máu sáng tạo thôi thúc tôi đi đến tận cùng cái nôi của thủy tinh nghệ thuật, đó là châu Âu. Khả năng tài chính, thời gian và hoàn cảnh gia đình lúc đó không cho phép tôi thi vào một trường đại học nào đó, du học tập trung trong nhiều năm để lấy được bằng cấp. Điều tôi cần khi đó là xem cách người ta làm, một cái nhìn toàn cảnh về ngành thủy tinh nghệ thuật, biết mình đang đứng ở đâu, rồi từ đó bắt đầu như thế nào để phù hợp với năng lực của mình. Sau khi tham quan khá nhiều xưởng theo chỉ dẫn của bạn bè, tôi ghi danh theo học khóa ngắn hạn tại studio của ông Svacka ở vùng Novy Bor. Sau ba lần đến xưởng, ông mới đồng ý cho tôi dự thính, hiểu được thì hiểu mà không hiểu được thì tự động rút lui. Có lẽ một phần vì ông ấy mủi lòng trước sự kiên trì của tôi, một người đến từ một đất nước xa xôi chưa có tên trên bản đồ thủy tinh nghệ thuật thế giới.
Vào nghe giảng, tiếng Tiệp không biết, tôi phải kéo theo một người bạn làm phiên dịch. Tuy nhiên, những thứ đã trở thành bí quyết, được người ta hệ thống lại rồi bày ra trước mắt thì có nhiều môn khá dễ học. Ngoài công nghệ, tôi còn học được ở ông lòng say mê nghề nghiệp và một tầm nhìn xa, dài hạn về sự phát triển của ngành này. Qua bốn mùa hè đi đi về về, cùng với những tài liệu của ông Svacka, tôi liên tục thử nghiệm, tắc ở chỗ nào thì lại sang học hỏi. Không cần nói anh cũng biết sự tốn kém là như thế nào rồi, bao nhiêu tiền kiếm được tôi đổ hết vào việc thử nghiệm và đi lại.
____
Việc anh dồn hết tài lực “tầm sư học đạo” như vậy có nhận được sự ủng hộ của gia đình?
Không có một hậu phương vững chắc, tôi sẽ không làm nổi. Ngoài việc quán xuyến chuyện “hậu cần” con cái, vợ tôi cũng có một niềm đam mê có lúc đến “cuồng nhiệt” chất liệu thủy tinh kỳ diệu này. Tôi có điều kiện tập trung thời gian cho việc tư duy và tổ chức nghiên cứu, việc triển khai hoạt động kinh doanh và phát triển thị trường do cô ấy đảm nhiệm với đội ngũ nhân viên. Cùng chung một hoài bão ước mơ và niềm đam mê, trong công ty, chúng tôi còn là những “cổ đông kiên trì” của nhau – có nghĩa là cổ đông sẵn sàng chờ đợi tương lai, không đòi rút vốn nửa chừng dù khó khăn đến đâu… Có lẽ đây là một trong những yếu tố chính góp phần làm nên sự phát triển bền vững của Artglass ngày hôm nay. Chưa bao giờ chúng tôi hết lạc quan về con đường mình đã chọn. Cũng chưa bao giờ chúng tôi ngừng tự vấn rằng mình đang ở đâu trong con đường thênh thang ấy.
____
Nghe nói anh đã từng thắng giòn dã trên sân nhà trước khi tiến ra thị trường quốc tế?
Năm 1997, có hai doanh nghiệp Đài Loan vào Việt Nam kinh doanh kính nghệ thuật. Kinh nghiệm nhiều hơn, vốn nhiều hơn nhưng sau một thời gian, một doanh nghiệp nhượng lại cho tôi, doanh nghiệp còn lại thì chuyển qua Campuchia. Vấn đề cốt lõi ở đây là văn hóa trong sản phẩm. Nói rõ hơn, văn hóa thì không thể nhập khẩu được. Người ta có thể khiến một người Việt Nam mặc quần jeans, ăn hotdog hay đi xe Mercedes nhưng không thể thay đổi cái đầu của anh ấy, thói quen ứng xử của anh ấy như một người nước ngoài. Con người là sự đúc kết và tổng hòa của các yếu tố lịch sử, khí hậu, thiên nhiên… Những yếu tố mang tính tinh thần đó làm dân tộc này khác dân tộc kia. Sở dĩ hai doanh nghiệp Đài Loan không thành công được ở đây là vì họ không thấu hiểu được “sự rung cảm của những nhu cầu” của người tiêu dùng Việt Nam cho dù chúng ta ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.
____
Ngoài công việc kinh doanh và trách nhiệm của phó tổng thư ký Hiệp hội Kính Việt Nam, anh còn tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Như vậy có quá ôm đồm không?
Tôi chỉ dạy thỉnh giảng và đi dạy không phải để kiếm tiền. Đó là một cách tri ân đối với nơi đã từng dạy dỗ tôi. Thêm nữa, tôi muốn chỉ dẫn cho các bạn sinh viên một hướng đi mới và nhất là muốn có thêm những đồng nghiệp trẻ.
____
Có khi nào anh nghĩ rằng học trò mình sẽ trở thành những đối thủ cạnh tranh?
Tôi mong muốn sự cạnh tranh. Vì hai lý do: Thứ nhất, về lý thuyết, có cạnh tranh mới có sự phát triển, buộc con người ta phải liên tục sáng tạo. Thứ hai, qua cạnh tranh mới biết đá biết vàng. Thực ra, thị trường mênh mông lắm. Thị trường nội địa chưa đáp ứng hết, thị trường quốc tế chúng tôi căng sức ra cũng chỉ xuất mỗi năm được mấy triệu USD trong khi riêng vùng phía Nam Trung Quốc một năm đã xuất khẩu hơn 300 triệu USD.
Thực tế đã có nhiều người tách khỏi Artglass để làm riêng. Tuy nhiên, chưa có ai trong số họ thành công. Có lẽ lý do là chúng tôi biết mười nhưng chỉ triển khai “có lộ trình”, ba, bốn phần nhưng nắm chắc chiến lược sản phẩm, dự báo được tương lai cho sản phẩm đó. Chúng tôi biết được bước đi kế tiếp năm, sáu, bảy là gì. Chính điều này giúp Artglass có thể dễ dàng xoay chuyển tình thế khi nhu cầu thị trường thay đổi để luôn trở thành người vượt lên phía trước, đặc biệt là khi cạnh tranh khốc liệt.
____
Anh có cảm thấy cô đơn khi “một mình một hàng” như vậy?
Cũng không hẳn, bởi không riêng gì tôi, mà những ai đã lựa chọn con đường sáng tạo là chấp nhận sống chung với sự cô đơn. Nhưng thực tế đúng là Artglass bây giờ vẫn chưa có “đồng nghiệp”, một mình một lối đi riêng.
____
Ghi dấu ấn từ Bắc chí Nam, từ các khách sạn lớn như Majestic, Rex, Park Hyatt… cho đến Sân Golf Long Thành, Bảo tàng dân tộc Thái Nguyên… và nhất là việc trở thành doanh nghiệp tư doanh duy nhất tham gia xây dựng những công trình chính phủ quan trọng, hẳn anh đã hài lòng khi làm được hơn nhiều tâm nguyện “không thành công cũng thành nhân” trong những ngày đầu khởi nghiệp?
Những công trình dù lớn hay nhỏ đều là tâm huyết của tôi, nhưng khi đã hoàn thành thì nên nghĩ đến những sáng tạo mới. Tôi thường nói với sinh viên của mình rằng người họa sĩ thiết kế chứng minh sự tồn tại của mình bằng các ý tưởng sáng tạo mới, chứ không phải qua mảnh bằng tốt nghiệp đại học. Chừng nào còn tiếp tục sáng tạo, anh còn là họa sĩ thiết kế. Bằng không, cầm sổ hưu đi là vừa.
Một trong những kế hoạch quan trọng của Artglass trong năm 2007 là xây dựng một nhà máy liên doanh chuyên sản suất thủy tinh nghệ thuật xuất khẩu cho thị trường Mỹ. Một dự định nữa của tôi là thực hiện một bức tranh ghép thủy tinh nghệ thuật hoành tráng nhất từ trước đến nay tại Việt Nam để dành tặng thành phố này, nơi đã cưu mang tôi từ thuở hàn vi.
____
Xin phép được tò mò một chút. Bận rộn của công việc kinh doanh, có khi nào con người nghệ sĩ trong anh bị “thui chột”?
Không hề. Cuối năm 2007, tôi sẽ làm một cuộc triển lãm cá nhân những tác phẩm thủy tinh nghệ thuật. Tức là tôi đã, đang và vẫn tiếp tục công việc sáng tạo. Phần lớn các bảo tàng mỹ thuật trên thế giới đều trưng bày những tác phẩm thủy tinh nghệ thuật, còn Việt Nam thì chưa. Ngoài sức ép từ thị trường trên cương vị quản lý, những người như chúng tôi còn chịu áp lực của nhu cầu nội tại: thôi thúc vươn tới cái đẹp đỉnh cao.
____
Anh quan niệm thế nào về cái đẹp, một khái niệm nghe rất vô cùng?
Đồng ý, đây là một khái niệm không thể bó hẹp trong những khuôn mẫu. Tuy nhiên, với tôi, cái đẹp không chỉ để ngắm. Tôi nghĩ, yếu tố trước nhất giúp cái đẹp trở nên trọn vẹn là phải đi sâu vào cuộc sống.
____
Trở lại với chuyện “cùng lúc chịu hai áp lực”, làm thế nào để anh tự cân bằng?
Trên hết tôi là người thích sự hài hước. Tôi tiếp thu thông tin hàng ngày nhưng những gì không cần thiết đều trôi tuột đi rất nhanh. Mặt khác, sự sáng tạo liên tục làm cho đầu óc mình luôn đổi mới. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên chơi thể thao. Tuần ba buổi, dù ở Sài Gòn hay Hà Nội, bận bịu đến mấy tôi cũng sẵn sàng gác lại để đi chơi tennis.
____
Còn thú chụp ảnh của anh thì sao, được biết đã có những tạp chí từng sử dụng ảnh do anh chụp?
Máy ảnh là vật bất ly thân của tôi trong những chuyến đi xa. Nó là con mắt thứ ba, là phương tiện để ghi lại những cảm xúc trong trẻo và trung thực nhất khi tôi tiếp xúc với một nền văn hóa mới. Thời kỳ ở Praha, tôi đã từng mò đến những nơi mà người dân địa phương chào tôi bằng… tiếng Nhật. Ham đi cũng là một cách giúp tôi làm dày thêm vốn sống và văn hóa của mình. Am hiểu văn hóa là một trong những con đường tắt giúp mình làm bạn với người ta.
____
Câu hỏi cuối cùng. Là người khai sinh ra ngành Thủy tinh nghệ thuật Việt Nam, anh có ý định cho con cái nối nghiệp mình?
Tôi khuyến khích nhưng không áp đặt cho các cháu, bởi trong sáng tạo, không có chỗ cho sự khiên cưỡng.
____
Cảm ơn và chúc anh cùng gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe và gặp nhiều may mắn!