“Chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài, chập chờn lau trắng trong tay”… Chẳng hiểu sao hình ảnh trong bài hát Trịnh Công Sơn cứ gợi tôi nhớ đến những điều bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã viết, đã chiêm nghiệm, đã “chữa lành” những lúng túng, hoang mang của chính tôi, và cho bao người khác nữa. Anh đang ở trước mặt tôi, giản dị, điềm tĩnh, gần gụi, chiếc kính cũ như che khuất bao điều ẩn giấu đằng sau đôi mắt hiền. Nhưng tôi hiểu, để viết ra những cuốn sách thủ thỉ bông đùa mà thấu hiểu, nhẹ nhàng như không mà chứa chan chia sẻ và tỉnh thức cho mọi người, anh đã ngộ ra từ nỗi mất của chính mình…
Cuốn sách Gió heo may đã về, chuyên mục Thư gởi người bận rộn của anh trên báo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần đã được giới doanh nhân tin yêu mà gọi thầm rằng anh là vị bác sĩ chữa bệnh giỏi nhất, vì doanh nhân thì đủ các thứ tâm bệnh, mà khổ nhất là không ý thức được mình đang bị bệnh. Những căn bệnh của “tuổi chớm già”, những suy tư triết lý về một kiếp người rất gần với nhạc Trịnh Công Sơn của anh cũng chính là thế giới tâm linh đầy dằn vặt của những doanh nhân với những thăng trầm, bất trắc triền miên…
Thuở bé, say mê lớn nhất của anh là sách. Anh đã có một tủ sách từ khi còn rất trẻ. Anh nói: “Đọc sách là cách hay nhất để mở mang tầm hiểu biết của mình. Giáo dục từ nhà trường không ăn thua gì với những điều tôi đã học từ sách, kể cả y khoa. Người thầy thuốc là “sinh viên suốt đời”, nếu không liên tục tiếp cận với thông tin mới, chừng ba năm là mình đã lỗi thời. Hiện nay năng lực đọc còn cao hơn vì có Internet, vấn đề là phải biết chọn lọc”. Cha mất sớm, bốn mẹ con anh đùm túm nhau về lại Phan Thiết, Bình Thuận, sống cùng một người Cô trong ngôi chùa, lúc ấy anh mới 12 tuổi. Cô là người say mê truyện Tàu, tôn trọng chữ của thánh hiền đến mức không cho dẫm chân lên sách, báo, không được dùng chữ đó để đi vệ sinh. Rồi anh lại được cậu là nhà văn Nguyễn Ngu Í cho ở nhờ những ngày đi học ở Sài Gòn, trong nhà có một thư viện sách khổng lồ, nên anh tiếp cận đủ thứ triết học, từ Khổng, Phật, Lão, Trang, Đông Tây kim cổ… Thần tượng của anh là T. Schekov, Somerset Maugham, Hải Thượng Lãn Ông, Lâm Ngữ Đường, André Maurois… Có lẽ vì thế đã hình thành từ rất sớm trong anh một nhân sinh quan đậm chất thiền, những suy tư về tình yêu, về thân phận. Anh viết rất tự do, thư thả, nhưng bao giờ cái kết cũng hết sức sâu sắc, ý nhị…
Tôi đã rất thành công trong khai thác bệnh sử, thấy được những góc mà người khác không để ý.
____
Trong lời chia tay của mục Thư gởi người bận rộn, anh đã nhắc lại hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Thư cho bé sơ sinh”, một bài thơ “gối đầu giường” của nhiều thế hệ bác sĩ sau này. Lúc ấy anh mới 25 tuổi, nhưng suy tư về thân phận, về nỗi cô đơn đã tràn ngập?
Thơ không thể “rặn” ra được, nó như một cảm xúc đầy tràn tự trào ra. Đó là năm 1965, tình hình chiến cuộc đang rất căng thẳng, từ hàng rào bệnh viện nhìn ra thấy người ta đi biểu tình rần rần… Không chỉ riêng tôi, mà những thanh niên thế hệ tôi đã đầy ray rứt, băn khoăn về thân phận, về kiếp người, về cuộc sống, cái tôi, tình yêu và nước mắt. Bị vây bủa bởi bao từ ngữ, khái niệm che khuất đi bản chất của sự thật… Bài thơ đến rất ngẫu nhiên, như ghi lại tiến trình của sự đỡ đẻ thôi, cũng chẳng có hình ảnh gì độc đáo, nhưng có lẽ bao điều nung nấu trong tâm tư đã bật ra… Bốn mươi năm đã trôi qua, biết bao kỷ niệm về bài thơ trầm tư đó đã được sinh viên chuyền tay nhau như một tác phẩm khuyết danh làm tôi rất cảm động. Tôi nghĩ có lẽ khi mình viết bằng những cảm xúc chân thật bao giờ cũng dễ đi vào lòng người
____
Nói với trẻ sơ sinh mà đầy trân trọng và yêu thương như thế phải chăng cũng là tâm thế để anh bước vào nghề bác sĩ nhi khoa, và đặt cả tình yêu của mình vào các bệnh nhi, viết sách cho trẻ con, tâm tình với trẻ con trên báo Mực Tím suốt 10 năm trời như người bạn nhỏ?
Tôi cảm nhận mình không phải là người có kỹ thuật chính xác để cầm dao mổ xẻ mà nặng về cảm xúc. Chính cảm xúc đó giúp tôi tiếp cận tâm hồn con người dễ dàng hơn. Tôi đã rất thành công trong khai thác bệnh sử, thấy được những góc mà người khác không để ý. Tiếp xúc với trẻ em, được nhìn thấy sự thay đổi từng giờ từng phút, tôi thấy tâm hồn mình rất gần gũi với các cháu, cảm thấy được tiếp cận với cuộc sống luôn phát triển. Tôi học được từ trẻ thơ rất nhiều, học cách nói chuyện, học sống, học ngây thơ. Tôi viết báo với tư cách nhà văn, làm bác sĩ với tư cách nhà thơ… cứ hòa trộn tự nhiên như thế
____
Lý do nào đã thôi thúc anh thành lập bằng được phòng cấp cứu cho trẻ em trong Bệnh viện Nhi đồng Sài Gòn thời đó? Gắn bó với nhiệm vụ trưởng phòng cấp cứu suốt 12 năm trời, điều gì ám ảnh anh nhất?
Thời đó Bệnh viện Nhi đồng Sài Gòn, nay là Nhi đồng 1 và chưa có phòng cấp cứu ngoại chẩn, chứng kiến bao bệnh nhi bệnh nặng đi lạc giữa những hành lang mênh mông của bệnh viện và chết dọc đường lúc đêm hôm, tôi đề đạt với giám đốc phải làm phòng cấp cứu ngay ở phòng khám, và được bổ nhiệm làm trưởng phòng từ đó. Nhi đồng 1 bây giờ rất nổi tiếng bởi khoa cấp cứu… Làm ở cấp cứu hàng ngày nhìn thấy trẻ con chết nhiều quá, nhiều khi tử vong một cách rất đáng tiếc, mà tôi thường gọi là rất “vô duyên”, như tiêu chảy mất nước mà mẹ không dám cho uống nước, bị ban đỏ mà kiêng ăn đến mù mắt một cách oan ức, bị tàn tật do gia đình không chích ngừa bại liệt… Những cảm xúc đó rất mạnh với tôi. Y khoa không phải chỉ là một khoa học mà còn là một nghệ thuật. Một lời nói có thể giúp cho người ta hết bệnh, hoặc ngược lại, làm bệnh nhân bị ám ảnh, bệnh ngày một nặng hơn…
____
Liệu đến bao giờ thì xu hướng chữa bệnh bằng tâm lý như anh mới được lưu tâm?
Sử dụng thuốc rất ít, dành thời gian nhiều để trao đổi, hướng dẫn, giải thích và cùng chia sẻ đã khiến tôi có rất nhiều bệnh nhân. Chăm sóc như thế căn cơ và hiệu qua hơn, nhất là ở trẻ em. Cách chữa bệnh như vậy gần đây mới được quan tâm trở lại. Bác sĩ chuyên khoa dù giỏi, nhưng chỉ nhìn con người một cách manh mún, không toàn diện, không thấy mối liên quan giữa thể xác và tâm hồn, nên chữa đầu này lại lòi đầu kia, đã vướng vô bệnh là bị lôi kéo triền miên. Sau nhiều thập kỷ đi vào lối y khoa kỹ thuật, thế giới đang quay trở lại với y khoa nhân văn. Đây là xu hướng thể hiện rõ nhất y đức, y đạo, bởi con người mà bị tách ra từng mảnh nhỏ thì đâu phải con người! Tôi nghĩ phải năm – mười năm nữa y khoa nhân bản mới thực sự trở lại. Hiện trong trường Y đã có bộ môn Khoa học hành vi & giáo dục sức khoẻ do tôi phụ trách, quan tâm đến tâm lý, xã hội, nhân chủng của người bệnh. Rất tiếc chưa được đầu tư thỏa đáng, nhưng tôi vẫn kiên trì suốt trong 10 năm qua để xây dựng bộ môn. Thực tế cho thấy trong 100 sinh viên mới có khoảng đôi ba em quan tâm đến môn này, nhưng họ đều thành công, vì biết cách tiếp cận con người. Thế cũng là mừng rồi.
____
Không chỉ là người hướng nội, những bài viết của anh luôn gắn với hơi thở cuộc sống thường nhật, lý giải những vấn đề xã hội qua lăng kính người thầy thuốc?
Tôi luôn tiếp nhận mọi thông tin, mọi tình huống bên ngoài xã hội nhưng được lọc qua nội tâm, như vậy mới có thể lý giải mà không bị lôi cuốn vào hiện tượng.
Khi mình quá say mê một điều gì đó, cơ thể sẽ “gõ” cho mình một cái. Tôi cảm ơn cơ thể mình, mỗi lần tôi vượt quá giới hạn là nó lại đánh cho mình một tiếng chuông cảnh tỉnh.
____
“Ba dạy con. Mỗi ngày. Một chút. Không bài học nào. Như ba đã học. Từ con. Nỗi mất!”… Chùm thơ La Ngà viết cho đứa con gái mất ở tuổi thành niên của anh đã làm cho nhiều người vô cùng xúc động… và bản thân anh cũng từng đứng trước ngưỡng cửa của tử thần.. Làm thế nào anh vượt qua những cú sốc, những biến cố ấy để vẫn viết, vẫn làm việc và cống hiến cho đời?
(Lặng đi nghẹn ngào) Thường tôi ít muốn nhắc lại những nỗi đau của riêng mình. Ai mà chẳng phải trải qua những bước thăng trầm, những khó khăn. Tuổi 50 của tôi là sự mất mát một đứa con trong hoàn cảnh đặc biệt. Cháu đang học Y khoa năm thứ ba, đi công tác xã hội bị tai nạn… Nỗi đau ấy tôi giấu vào thơ. Tôi còn ba cháu, một cháu ngành dược, một cháu nối nghiệp cha là bác sĩ nhi khoa, còn một cháu đang dạy học… Nhưng cháu có khả năng viết mà tôi hy vọng nhiều nhất chính là đứa con đã mất. Cháu làm thơ rất hay…
Từ năm 30 tuổi, tôi đã trải qua rất nhiều căn bệnh, nào loét dạ dày phải truyền máu, đau cột sống, tai biến mạch máu não mổ đục sọ… Trải qua những bệnh tật, mất mát, tôi mới ngộ ra nhiều điều. Đầu tiên là học sự cảm thông, hiểu được những người bệnh khác, hiểu vì sao con người sợ hãi, lo âu, phiền muộn. Sau bao ngày nằm liệt giường cận kề cái chết, tiêu tiểu tại chỗ, lần đầu tiên bước xuống giường đi được vài bước vào nhà vệ sinh như mọi người, hạnh phúc oà vào trong mình rõ ràng như một phép lạ. Làm thế nào để nói với mọi người hạnh phúc đơn sơ đó? Có khi chúng ta cứ mải đi tìm hạnh phúc ở đâu đâu ấy, mà không hề biết rằng mình đang hạnh phúc, ngay lúc này, ngay bây giờ, đang ở đây… Hóa ra trong cơn bệnh, mình hiểu thêm về cuộc sống, về con người, về bản thân mình, và thấy thương mình, thương mọi người hơn, kể cả những người ngày xưa từng hiềm khích… Thoát khỏi những bẩn chật bao vây, tình cờ đọc được cuốn Tâm kinh bát nhã, tôi đã viết Nghĩ từ trái tim. Con người bị bao vây bởi những nỗi khổ do chính mình tạo ra, thoát khỏi tham sân si, để sống và đi tìm hạnh phúc đơn sơ, nỗi bức xúc muốn chia sẻ ấy đã giúp tôi viết để giải tỏa những ẩn ức trong lòng, nếu không đè nặng chịu không được. Viết ra thấy nhẹ nhàng, sảng khoái, kỳ diệu lắm.
____
Ngồi đây trong một ngày đầu năm mới, anh có mong ước gì cho 2005 với riêng mình?
Năm 2005 tôi sẽ chính thức về hưu, sẽ chuyển giao công việc cho đàn em, chuẩn bị cho riêng mình một sự chuyển đổi. Bao mơ ước để làm, như giảng dạy, viết lách, đi du ngoạn đây đó, đến nhưng nơi hoang vu, những bãi biển vắng, những đồi núi chập chùng… điều đó phù hợp với tâm hồn tôi hơn. Khi mình quá say mê một điều gì đó, cơ thể sẽ “gõ” cho mình một cái. Tôi cảm ơn cơ thể mình, mỗi lần tôi vượt quá giới hạn là nó lại đánh cho mình một tiếng chuông cảnh tỉnh. Hãy lắng nghe cơ thể, biết dừng lại, biết thế nào là vừa, đó là điều tôi muốn nói với các doanh nhân, bởi triết lý sống hiện đại đều khuyến khích người ta lao về phía trước. Những người nào có năng lực tâm hồn mới biết cách dừng lại, nhìn lại, cân bằng được giữa tâm và thân. Điều đó đòi hỏi một nghị lực rất lớn. Tôi nghĩ một số người kinh doanh trẻ, những nhà tỉ phú ngày nay đều có năng lực đó. Họ biết có những thời gian trống để thay đổi cuộc sống, bỏ thành phố về nông thôn trồng rau nuôi gà, có thời gian để trầm lắng lại. Còn “say” quá cái gì cũng không hay.
____
Anh đã từng chia sẻ rất nhiều với doanh nhân, theo anh “bệnh” trầm trọng nhất của doanh nhân hiện nay là gì?
(Cười)… Những doanh nhân nào tìm thấy trong công việc sự say mê và biết thưởng thức sự say mê đó sẽ hạnh phúc. Còn bằng mọi giá để kiếm tiền thì sẽ vỡ mộng. Đọc những bài phỏng vấn doanh nhân thường xuyên trên báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, tôi thấy rõ ràng họ biết tìm hạnh phúc, say sưa với việc mình làm nhưng không quên người khác, không quên nhìn lại bản thân mình. Điều đó tạo cho tôi một niềm tin mới vào doanh nhân.
____
Anh nghĩ gì về một thế hệ bác sĩ, trí thức tài hoa từng trải qua bao thăng trầm của thời cuộc vẫn trụ vững, thích nghi, hiểu thế sự và cống hiến không ngừng như anh?
Bản thân người nào chọn nghề thầy thuốc cũng muốn giúp đời, chứ không phải để làm giàu. Hạnh phúc không phải là tiền bạc. Vấn đề y đức hiện nay do hoàn cảnh xã hội có nhiều yếu tố tác động đã làm cho người thầy thuốc bị mang tiếng. Cuộc sống vật chất xa hoa kích thích người ta quá, đưa đẩy con người đến sự đua đòi. Không chỉ riêng thầy thuốc, mà rất nhiều người chạy theo vật chất, làm cho mình bấn lên, chạy đua kiếm tiền. Tất cả chỉ là giả tạm, không phải bản chất con người. Đến lúc nào đó họ sẽ giật mình vì nó không mang lại sự bình an, thanh thản…
Thế hệ tôi đã hình thành những vị bác sĩ đầu ngành như bác sĩ Văn Tần, Trần Tấn Trâm, Trần Phong Cảnh, Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Chấn Hùng, Trương Thìn… Trải qua bao biến đổi thời cuộc họ vẫn là thầy thuốc giỏi nhờ lý tưởng phục vụ, cái tâm, được đào tạo trong một môi trường có những tấm gương sáng hết lòng vì người bệnh như giáo sư Phạm Biểu Tâm, Nguyễn Hữu, Ngô Gia Hy… Những bậc thầy tạo được trong lòng học trò sự cảm phục, kính mến. Tôi nghĩ thế hệ trẻ có nhiều điều kiện phát triển tốt hơn thế hệ chúng tôi nhờ tiếp cận được các tiến bộ khoa học, thông tin dồi dào gấp ngàn lần… Nhưng bên cạnh đó họ cần đào tạo thêm về tâm hồn, nhân cách. Chương trình đào tạo phải thấy được thiếu sót đó để bổ sung.
Tôi lại không ưa kiểu lãng mạn giả tạo, nói những câu chải chuốt. Giây phút lãng mạn nhất là được cởi dép đi chân trần trên cát, bổ dừa ăn và nhảy xuống biển tắm… một mình!
____
“Lá chín vàng. Lá rụng. Về cội. Em chín vàng. Chắc rụng. Về anh”(Lá)… là người tài hoa, lãng mạn thế, có bao giờ chị ấy lo ngại về anh?
Tôi không phải là người lãng mạn, có phần còn nghiêm túc hơi quá nữa, nên tôi rất ít bạn, nhưng có bạn là chơi với nhau rất thâm sâu, gắn bó với nhau từ nhỏ tới lớn, không quá vồn vã nhưng thâm trầm. Người không thân quen còn cho là tôi khó tính. Ngay từ hồi trẻ tôi đã bị gọi là “cụ già”, hay nhăn nhó, khó chịu, hơi nghiêm khắc. Tôi làm cấp cứu, nên rất ghét sự trễ giờ, sai hẹn, bởi nó có thể dẫn tới hậu quả khôn lường. Một nhà báo đã gọi tôi là người “lãng mạn và thực tế”. Nhưng trong nội tâm thì bay bổng theo kiểu “lãng mạn nhà quê”, hơi xưa một chút như các cụ, “trăng thanh gió mát”, “thanh vắng cảnh chùa”, chứ không lãng mạn theo kiểu… hiện đại nên bà xã hoàn toàn yên tâm (cười). Tôi lại không ưa kiểu lãng mạn giả tạo, nói những câu chải chuốt. Giây phút lãng mạn nhất là được cởi dép đi chân trần trên cát, bổ dừa ăn và nhảy xuống biển tắm… một mình!
____
Vậy anh có đặt ra nguyên tắc sống cho riêng mình?
Sống chân thành, hồn nhiên, không đóng kịch, không màu mè là thoải mái nhất. Dù làm nghề gì thì những gì ẩn chứa trong gien, trong máu mình vẫn cứ bật ra vào một ngày nào đó, mà không hề kỳ vọng, tham vọng. Nếu kỳ vọng, gượng cầu thì có lẽ không thành. Mọi điều đều tự đến, còn cưỡng bức chính mình thì nguy lắm. Với tôi, làm thầy thuốc thì chữa bệnh cho người, còn làm thơ là để chữa bệnh cho mình.