Địa chỉ 677 Trần Hưng Đạo quận 5 là văn phòng của Công ty Dã ngoại Lửa Việt, một cái tên đã khá quen thuộc với nhiều du khách, được khách hàng tín nhiệm trong việc thiết kế các tour du lịch, đặc biệt là lĩnh vực nội địa. Giám đốc Nguyễn Văn Mỹ có tiếng là lạ đời giữa thời đại @. Không lạ sao được khi giám đốc lại ít chịu ngồi trong phòng máy lạnh mà cứ khoái lang bạt kỳ hồ, theo các đoàn để làm hướng dẫn viên, mà làm một cách rất chuyên nghiệp. Lạ là vì tính khí ngang tàng, một khi nói thì không sợ đụng chạm ai, nhưng lại có thể rơi nước mắt vì một mảnh đời thương tâm. Giám đốc này hưởng lương mỗi tháng 3,4 triệu đồng, xài điện thoại di động mỗi tháng một card 300 ngàn, có khi nhịn ăn sáng hay ăn cơm nguội ở nhà, nhưng lại rất “bốc” khi làm công việc từ thiện.
Một buổi sáng tiếp tôi tại văn phòng công ty, trong chiếc áo sơ mi đồng phục màu xanh có logo của công ty, tay áo xắn cao, vẫn cái vẻ xuề xòa cố hữu. Anh cười phân bua: “Có bùi bụi thì mới là mình, gốc Hai Lúa mà diện trang trọng quá thấy kỳ lắm!”. Bàn làm việc của giám đốc đặt chung một phòng với nhân viên, điện thoại của khách gọi đến đặt hàng cứ liên tục. Nhưng rồi cái giọng miền Trung pha Bắc nằng nặng, trầm trầm, thoạt nghe chưa quen đã cuốn tôi vào câu chuyện đời, chuyện nghề mà ở đâu cũng thấp thoáng cái vẻ ngang tàng, cái chất lính năm nào. Sự năng nổ, nhiệt tình của người làm công tác Đoàn vẫn còn đó…
____
Là cán bộ Thành Đoàn nhưng anh đã từ chối khi được đề bạt làm lãnh đạo để đi theo hướng riêng, anh nghĩ sao về quyết định lúc ấy của mình?
Tôi có 25 năm công tác tại Thành Đoàn, từ 1974 đến cuối 1999. Cùng lứa với tôi bây giờ có nhiều người làm lãnh đạo lắm. Nhưng nói thật, tôi là người theo chủ nghĩa hoài nghi, cái gì cũng phải xem xét đắn đo, không nghe xuôi một chiều. Trước khi nghỉ sinh hoạt ở đây, Thành Đoàn có đặt vấn đề đưa tôi về làm công tác du lịch thanh niên, ban đầu đề nghị làm phó, sau đó tôi từ chối thì đề nghị làm giám đốc. Tôi từ chối không phải vì chê chức vụ, mà vì thấy một cơ chế không thích hợp sẽ bóp chết sáng tạo của những người dám nghĩ, dám làm. Ai cũng thấy cái sai nhưng không ai dám nói, chỉ chăm bẵm làm vừa lòng cấp trên để được đề bạt. Con đường thăng tiến đó tôi không ham. Trong cơ chế như vậy, mình không khá hơn được cũng vì tính khí của mình.
Tôi cảm ơn những khó khăn của cuộc sống đã rèn luyện cho tôi thêm ý chí, sự quyết tâm để làm việc và lấy sự bao dung để đối đãi với người đời.
____
Có phải anh đi bộ đội để thực hiện lý tưởng của mình?
Tôi theo cách mạng đơn giản chỉ vì muốn thay đổi cuộc sống khổ cực mà dân mình phải chịu. Hồi nhỏ chăn bò ở quê, thấy chiến tranh khủng khiếp quá, mình chỉ muốn làm sao chấm dứt chiến tranh, muốn quân Mỹ rút khỏi đất nước mình. Đó là lý tưởng của tôi. Đến khi làm công tác ở Thành Đoàn thì tôi làm cán bộ phụ trách thiếu nhi. Các em cứ hay đòi kể chuyện chiến đấu mà mình có biết gì đâu để kể. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, tôi cũng muốn thử sức, xung phong đi bộ đội ở Campuchia 4 năm. Vào bộ đội rồi mới thấy mọi chuyện không như mình nghĩ, cũng có không ít vấn đề tiêu cực nảy sinh ở đơn vị tôi. Vậy là phải đấu tranh.
____
Những trải nghiệm trong cuộc đời binh nghiệp có giúp gì cho anh khi dấn thân vào thương trường không?
Cũng giống như trường đại học, quân đội dạy cho mình nhiều thứ lắm, có người học được cái tốt, có người lại học cái xấu. Những năm tháng đời lính là một phần rất đẹp của cuộc đời tôi. Trước cái chết mình hiểu rõ mình, hiểu rõ bạn bè hơn và sống hết lòng với anh em, với bạn bè. Tôi cảm ơn những khó khăn của cuộc sống đã rèn luyện cho tôi thêm ý chí, sự quyết tâm để làm việc và lấy sự bao dung để đối đãi với người đời.
____
Cái tên “Lửa Việt” rất hừng hực, có phải anh muốn truyền cái “nóng” cho những ai đến với Lửa Việt?
Logo của Lửa Việt là hình tứ giác có ngọn lửa cách điệu chim bồ câu để tượng trưng cho nhiệt huyết, khát vọng của tuổi trẻ. Còn chữ T ở 4 góc, trên cùng có ý nghĩa là chữ Tâm, tức là phải có tâm với người, với nghề, với đời. Nói thì dễ chứ thực hiện điều này là rất khó, bởi vậy, tôi yêu cầu sinh viên thực tập khi đến với Lửa Việt phải làm công tác xã hội trước. Có tâm với nghề mới say mê sáng tạo và chấp nhận khó khăn trong công việc. Kế đến là chữ Tình, trong kinh doanh cũng cần phải có chữ tình để hành xử với đối tác, với khách hàng, với nhân viên. Sau chữ Tâm là Tín và chữ T cuối cùng là Tiết, tiết kiệm. Bài học vỡ lòng về kinh doanh của Lửa Việt chính là tiết kiệm.
Vào năm 1994, khi đưa đề án thành lập Lửa Việt, có người bảo tôi dại, làm dã ngoại cực nhưng chẳng được bao nhiêu tiền, đổi sang dịch vụ du lịch quốc tế đi, làm một tour ăn đến 6 tháng. Tôi trả lời rằng ai cũng làm quốc tế cả thì lấy ai làm nội địa. Tự hào của Lửa Việt là thuật ngữ “dã ngoại” của chúng tôi được đưa vào ngành du lịch Việt Nam. Chính Lửa Việt đã góp phần thúc đẩy du lịch nội địa ở TP. Hồ Chí Minh phát triển.
____
Du lịch của ta bị cho là chỉ biết “ngắt ngọn” mà không có sự đầu tư, tái tạo cần thiết. Là người trong ngành, anh nghĩ sao về vấn đề này?
Du lịch là con đẻ của nền kinh tế mà kinh tế của ta đã bị chê là “ngắt ngọn” thì du lịch cũng vậy là đương nhiên. Cái sự “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” là thế. Trong ngổn ngang cái khó của ngành du lịch, nếu nhiều chuyện ai cũng biết, cũng thấy, nhưng không có ai làm và làm đến nơi đến chốn thì bằng khả năng của riêng mình, chúng tôi đã cố gắng hết sức cũng tạo được tác động ít nhiều đến xung quanh, chứ làm sao thay đổi hết diện mạo của ngành.
Tôi không hiểu tại sao Tổng cục Du lịch lại lấy khẩu hiệu “Việt Nam điểm đến của thiên niên kỷ mới”. Quãng thời gian ấy dài cả một ngàn năm thì làm sao người ta biết và đến vào lúc nào. Tại sao không là điểm đến năm nay…, rồi bây giờ lại “Chào mừng Việt Nam” càng khó lý giải. Tại sao mình đi sau mà không học được những điều hay, điều tốt, cứ thấy người ta “ngắt ngọn” thì cũng làm theo.
Thực trạng ngành du lịch của ta không chỉ nghèo nàn mà còn thiếu đồng bộ, cứ theo kiểu mạnh ai nấy làm một cách rời rạc, không tìm được tiếng nói chung. Trách nhiệm này phần lớn thuộc về đội ngũ lãnh đạo ngành du lịch.
____
Bản sắc văn hóa trong du lịch rất quan trọng, vậy đâu là bản sắc của Lửa Việt?
Làm du lịch đầu tiên là làm văn hóa. Tạo ra bản sắc văn hóa đã khó, giữ được nó càng khó hơn. Đối với tôi là tôn trọng chữ tín. Không ai bắt mình hứa, nhưng một khi đã hứa thì phải làm đúng. Mình làm du lịch là làm căn cơ lâu dài chứ không phải thuần túy vì lợi nhuận. Tôi cho là chúng tôi làm đúng và sẽ đi theo hướng đi đó. Lửa Việt phải là Lửa Việt chứ không thể là một cái gì khác được. Với nhân viên, tôi không cho phép chia bè phái trong công ty mà mọi người phải đồng thuận, đoàn kết như một gia đình. Muốn như vậy phải quan tâm và hiểu nhân viên của mình. Ở Lửa Việt có những điều nho nhỏ riêng, chẳng hạn khi vợ của nhân viên nghỉ hộ sản thì nhân viên đó cũng được chế độ, hoặc chúng tôi có tổ chức tour báo hiếu hằng năm cho cha mẹ của nhân viên. Tôi tự hào nói rằng nhân viên làm ở đây không phải vì tiền, mà cái chính là vì tình cảm. Tôi biết có người rất giỏi, nếu rời Lửa Việt sẽ có nơi khác trả lương cao hơn nhưng họ vẫn gắn bó với công ty.
____
Sản phẩm du lịch của ta hiện nay còn rất nghèo nàn, đặc biệt là tại TP.HCM, một thành phố lớn thu hút nhiều khách quốc tế. Trong kinh doanh du lịch, Lửa Việt có ý tưởng mới nào làm phong phú sản phẩm du lịch để khách không nhàm chán và trở lại không?
Thực trạng ngành du lịch của ta không chỉ nghèo nàn mà còn thiếu đồng bộ, cứ theo kiểu mạnh ai nấy làm một cách rời rạc, không tìm được tiếng nói chung. Trách nhiệm này phần lớn thuộc về đội ngũ lãnh đạo ngành du lịch. Vai trò tham mưu, tư vấn của họ có thể nói là khá mờ nhạt và hầu như không đưa ra được một quy hoạch tổng thể nào đạt chất lượng. Tôi từng gặp phải sự lúng túng khi không biết giới thiệu nét đặc biệt nào của thành phố mình với khách quốc tế. Sản phẩm du lịch cũng không được rõ ràng. Mới đây, Củ Chi được nâng cấp làm du lịch dạng tìm hiểu lịch sử kết hợp làng nghề nhưng cũng chỉ “thay áo” chứ chưa thay đổi diện mạo được. Còn du lịch sinh thái thì chỉ có Cần Giờ, tuy nhiên đường từ thành phố về đây, dù không dài, đã xuống cấp trầm trọng. Tôi không hiểu tại sao lại làm mô hình biển nhân tạo ở nơi này. Sự đầu tư không hiệu quả về kinh tế là lãng phí và còn làm phá vỡ đi không gian tự nhiên. Rồi đến khu phố đêm, sao không lấy kinh nghiệm dân gian “buôn có bạn, bán có phường” để làm? Chúng ta đã có khu Phạm Ngũ Lão sẵn, vậy mà lại làm mới khu Kỳ Hòa, đầu tư tốn kém không ít. Trong kinh tế thị trường, du lịch là sản phẩm, chúng ta phải xác định đối tượng phục vụ của mình là ai, để biết họ cần cái gì thì bán chứ không phải bắt ép người ta mua cái mình có.
____
Thời gian luôn là “của hiếm” đối với người bận rộn. Quỹ thời gian của anh được sử dụng như thế nào?
Tôi không phải là người quản lý giỏi nên giải quyết công việc theo cảm tính bằng trực giác của người đôi chút từng trải. Đầu tiên tôi cũng phải dành mấy giờ để ngủ. Tôi thường ngủ sớm và dậy sớm để làm việc. Tôi là người rất mê đọc nên làm gì cũng phải có vài giờ trong ngày để đọc sách, báo, tài liệu. Tôi thấy giới trẻ bây giờ sao ít đọc quá. Trong tuần tôi có 2 ngày để giải quyết việc công ty, 2 ngày để đi dạy, viết lách và 3 ngày theo tour làm hướng dẫn, mở tour mới…
____
Làm việc như vậy thì còn thời gian nào anh dành cho gia đình? Anh quan niệm thế nào về cách dạy con?
Tôi nghĩ vấn đề không phải là thời gian nhiều hay ít mà là sử dụng sao cho có hiệu quả. Dĩ nhiên tôi cũng muốn ở nhà nhiều hơn nhưng công việc cứ cuốn mình đi. Tuy vậy, tôi cũng có cách riêng để gần gia đình của mình. Tôi vốn không có tật la cà, nhậu nhẹt bia bọt gì nên không tốn thời gian cho các khoản này. Với tôi, gia đình là bến đỗ an toàn, nơi bình yên nhất để tôi về sau những giờ làm việc.
Tôi có hai con, một gái, một trai. Tôi xem con mình như người bạn nhỏ chứ không phải một dạng đồ trang sức. Tôi quan niệm muốn dạy con như thế nào thì bản thân cha mẹ phải nêu gương trước, từ những việc nhỏ như giữ đúng lời hứa với con… Các con tôi được làm điều mà các cháu thích, nếu việc đó phù hợp. Tôi dạy các con tính tự lập cao ngay từ bé để chúng vững vàng hơn khi vào đời. Nhìn vào cuộc đời cha mẹ, các con tôi sẽ hiểu rằng mình phải sống như thế nào. Gia tài mà tôi để lại cho các con tôi chính là dạy con cách sống từ chính cuộc đời mình.
____
Làm giám đốc sao anh lại phải kiêm luôn làm hướng dẫn, công việc không phải của người quản lý vậy?
Tôi chỉ nghĩ làm du lịch như tôi nếu cứ ở lì trong văn phòng, không đi nắm tình hình thì biết gì mà quản lý với điều hành. Trong Lửa Việt không có người nào không là hướng dẫn viên. Nói thật, tôi khoái làm hướng dẫn viên hơn là làm giám đốc, mà làm hướng dẫn viên giỏi đâu phải dễ. Tôi nhớ lần đầu tiên đi Phan Thiết, đặt chân lên những ngọn đồi chưa có tên, chúng tôi đã đặt tên cho vui là đồi Chu Mông, đồi Trinh Nữ… Có lần vô tu viện Bát Nhã ở Đambri, thấy có rất nhiều cà tím người ta dùng không hết, tôi xin một bao đem sớt cho anh em trên xe. Họ cứ tưởng tôi là tài xế, rồi có người ngoắc lại kêu chụp hình… Nhiều chuyện vui lắm, ban đầu tưởng mình là cu ly nhưng khi biết mình là quản lý họ cũng ngạc nhiên nhiều và có phần thích thú, hình như điều ấy làm cho họ khó quên mình được. Tôi cũng khoái người ta nhầm mình như vậy.
____
Kinh doanh không đặt lợi nhuận làm đầu mà còn làm từ thiện thì công ty anh lấy đâu ra tiền để cân đối?
Lửa Việt có lời là nhờ tiết kiệm. Khách đến du lịch với Lửa Việt là góp 1.000 đồng vào quỹ công tác xã hội của công ty. Nhưng đâu phải có nhiều tiền mới làm từ thiện được. Những bài học về lòng nhân ái mà lúc nhỏ tôi đã học được từ mẹ cứ nhắc nhở tôi phải làm cái gì đó cho những người khổ cực hơn mình. Với lại, ông bà ta dạy “Cách cho quý hơn của cho” mà.
Tôi chọn việc làm từ thiện cũng là để tự răn mình, đến những nơi ấy thấy thông cảm hơn với những mảnh đời bất hạnh, thấy mình được hạnh phúc quá, chứ vô những nơi ăn chơi thì mình vừa nghèo, vừa “lúa”. Làm từ thiện thật ra là nhận được nhiều hơn cho. Mình chỉ chia sẻ một ít của cải nhưng được nhận thật nhiều tình cảm. Những món quà nhỏ bé ấy biết đâu giúp người ta có niềm tin vào cuộc sống, vượt qua được khó khăn để sau này có thể họ sẽ giúp lại cho người khác. Quy luật vòng đời là thế.
Nói thật, tôi khoái làm hướng dẫn viên hơn là làm giám đốc, mà làm hướng dẫn viên giỏi đâu phải dễ.
____
Xem ra người mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của anh?
Vâng, mẹ tôi chính là người dạy tôi lòng nhân ái, biết yêu thương và sống bao dung. Mặc dù mẹ tôi là con ông đồ nhưng hồi xưa phụ nữ không được học, mẹ tôi chỉ học lóm nhưng cũng thuộc văn chương, chữ nghĩa lắm. Tôi là con lớn trong gia đình có 7 anh em. Hồi nhỏ, ở quê làm ruộng vất vả, mẹ tôi nói “phải chịu khó học để mai này bớt khổ” nên chúng tôi ráng sức mà học. Thỉnh thoảng có người ăn xin ghé qua, mẹ kêu những người già yếu, ốm đau vào nhà mời bữa ăn cơm đạm bạc chung với gia đình. Rồi mẹ hỏi thăm con cái họ. Ăn xong, mẹ còn cho gạo nữa. Lúc đó tôi thấy được vẻ mặt mừng rỡ, biết ơn của họ dành cho mẹ. Hình ảnh đó khắc sâu vào tâm trí và theo tôi suốt cuộc đời.
____
Hình như quá khứ gian khổ luôn ám ảnh anh?
Có lẽ đúng vậy. Ba mẹ tôi là người Nghệ An nhưng tôi sinh ra ở Quảng Trị, lớn lên ở Phan Thiết. Cả thời phổ thông chưa bao giờ tôi có bộ đồ đàng hoàng để mặc. Hè thì phải ra đồng làm từ sáng đến tối mịt. Lúc nhỏ tôi bị tật nói cà lăm, lại con nhà nghèo, đi học đầy mặc cảm. Năm 1974, tôi vào Sài Gòn học Đại học Luật với hai bàn tay trắng, phải làm thêm đủ nghề như đi bán báo, chở đường bỏ mối ngoài chợ, giữ xe đạp… để có tiền.
Vợ tôi hay nói sao không dám ăn ngon mặc đẹp, làm nhiều thì đáng được hưởng thụ chứ. Nhưng tôi quen sống giản dị, không có nhiều nhu cầu về ăn mặc, tiêu xài. Có lẽ do hồi nhỏ cơ cực và đời lính vất vả nên bây giờ thấy được như thế này là sướng rồi. Cuộc đời tôi được như hôm nay là do nhiều người giúp đỡ, từ những chuyện nhỏ như đi học có người cho quá giang, cho ly nước, ổ bánh mì… Nhìn lại, tôi thấy mình nhận được nhiều hơn cho từ cuộc đời này.
____
Anh được tiếng là người cưng vợ…
Cũng bình thường thôi. Khi tôi gặp lãnh đạo của Hội Phụ nữ, tôi nói tôi không tin là phụ nữ vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà. Ngày xưa đàn ông ra mặt trận, phụ nữ phải gánh vác thay cho chồng. Bây giờ hòa bình rồi, đàn ông có nghĩa vụ phụ việc nhà với vợ. Ai bảo lau nhà, giặt đồ, rửa chén, nấu cơm… là việc nhỏ không tên? Cũng cực trời ơi lắm chứ! Phải đổi lại là phong trào thi đua “Cả nhà cùng giỏi” mới đúng. Vợ tôi cũng đã hy sinh cho tôi rất nhiều nhưng đâu ai biết, bây giờ là vợ chồng thì gánh vác chung gia đình là chuyện bình thường. Lúc quen nhau, cô ấy nặng có 33 ký thôi. Ốm yếu vậy mà dám đến mặt trận chiến trường Campuchia thăm tôi, gặp nhau không nói được gì, chỉ khóc.
____
Anh quý nhất đức tính nào của người phụ nữ và điều gì ở họ làm anh ghét nhất?
Chưa có ai hỏi tôi câu này, để tôi nghĩ xem. Tôi quý nhất đức tính chịu khó của người phụ nữ. Dĩ nhiên phụ nữ cũng cần một chút duyên dáng, cho dù họ có ngang bướng nhưng vẫn là… nữ! Nữ mà sắc sảo quá thì tôi cũng hơi sợ. Còn điều không thích là tính lắm chuyện, nhỏ nhen, sinh ra đố kỵ nhiều thứ, nào là phân bì chồng mình với chồng người, sếp mình với sếp người… (cười giòn).