Như tên gọi, tất cả các tác phẩm trong triển lãm “Bột màu báo cũ” tại gallery Hàng Da (thuộc Trung tâm thương mại Hàng Da – Hà Nội, từ 5-6 đến 15-6-2015) đều được các họa sĩ thể hiện bằng chất liệu bột màu trên giấy báo đã in. Cuộc trưng bày tranh độc đáo này lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.
Trong số 14 họa sĩ tham gia triển lãm, có chín người thuộc nhóm Gallery 39 của Hà Nội là Trần Nhật Thăng, Tào Linh, Trần Gia Tùng, Đỗ Dũng, Phạm Trần Quân, Trần Quang Vinh, Lê Thiết Cương, Nguyễn Nghĩa Cương, Doãn Hoàng Lâm và năm người đến từ Hải Phòng là Đức Phạm, Trần Vinh, Quang Huân, Nhi Bình, Đặng Tiến. Phần lớn các họa sĩ đã có khẳng định được tên tuổi của mình trong giới hội họa qua những giải thưởng hoặc triển lãm riêng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tham gia triển lãm với tư cách khách mời.
“Bột màu báo cũ” đã tạo nên nhiều cảm xúc nơi người thưởng ngoạn bởi sự đan xen giữa cái cũ (chất liệu: bột màu và báo cũ) và cái mới (kỹ thuật biểu hiện). Ở nhiều tác phẩm, sự đan xen ấy hòa quyện vào nhau, khi những dòng chữ, cột chữ đậm nhạt, to nhỏ khác nhau trở thành chi tiết hay một mảng bố cục trong tranh, nói như họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển của triển lãm: “Bột màu sống (chưa trộn, nghiền với keo), có cái ẩm ướt, có cái gợn, xốp, dễ hòa nhịp với giấy báo. Báo cũ đã in với những dòng chữ to nhỏ, những lề, những khoảng trống, những bức ảnh là một cái nền tự nhiên, đã có đậm nhạt, đã có tình cờ, để đôi khi lại gọi ý, gọi hình, gọi màu về kết hợp những chồng đè của màu lên chữ, những ẩn hiện chữ trên hình… khiến không thể phân biệt đâu là tranh, đâu là báo…”.
Dùng bột màu vẽ trên giấy báo cũ từng là cách vẽ và chất liệu phổ biến, quen thuộc của rất nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam, từ các tác giả xuất thân Trường Mỹ thuật Đông Dương thời Pháp thuộc cho đến các họa sĩ thời kháng chiến chống Pháp, các họa sĩ thời chiến tranh chống Mỹ, cho đến thời hậu chiến, thời bao cấp…, thậm chí tranh bột màu trên giấy báo đã in còn trở thành biểu tượng của một thời kỳ mỹ thuật Việt Nam còn bao gian khó. Một trong những tên tuổi thành công nhất với loại chất liệu này chính là nhà danh họa Bùi Xuân Phái. Theo họa sĩ Tào Linh, ban đầu bột màu chỉ là chất liệu để sinh viên trường mỹ thuật làm bài tập, để họa sĩ ký họa hoặc làm phác thảo trên các loại giấy vẽ chuyên dụng trước khi thực hiện tranh bằng chất liệu sơn dầu. Trong những năm chiến tranh, họa phẩm khan hiếm, không có sơn dầu và toan, các họa sĩ đã dùng bột màu vẽ trên giấy báo chưa in. Đến khi giấy báo chưa in cũng khó kiếm thì họ vẽ trên giấy báo đã in. Thế là một chất liệu mới hình thành: bột màu báo cũ. Ngày nay, ít người dùng chất liệu bột màu, bột màu vẽ trên báo cũ lại càng không ai nghĩ đến. Bởi thế “triển lãm này như một sự ôn cố tri tân; trên chất liệu cũ ấy những họa sĩ như chúng tôi tìm được nguồn cảm hứng mới, cách biểu hiện mới với những vấn đề mới của thời đại. Và quan trọng hơn là sự khẳng định: vẽ bằng chất liệu gì, kích thước to nhỏ không quan trọng – điều quan trọng là vai trò của nghệ thuật nói chung, hội họa nói riêng thông qua tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ phải mang cảm xúc đến cho người thưởng ngoạn…” – họa sĩ Tào Linh cho biết. Nói cách khác, “Bột màu báo cũ” không chỉ là một sự sáng tạo mới được thể hiện trên chất liệu cũ, mà còn mang tinh thần kế thừa những sáng tạo của thế hệ họa sĩ đi trước.
Cùng với trưng bày tranh, những người tổ chức còn đặt những giá vẽ “căng” sẵn giấy báo, để sẵn bột màu để khách thưởng ngoạn (đặc biệt là các khán giả nhí) nếu muốn đều có thể trải nghiệm sáng tạo trên chất liệu cũ. Triển lãm cũng trưng bày (trên ma-nơ-canh) gần chục bộ váy, áo được cắt bằng giấy báo cũ và được chính các họa sĩ tạo hình họa tiết, hoa văn trang trí. Ngoài ra, nhà thiết kế thời trang Trịnh Bích Thủy (Trịnh Fashion) đã thiết kế trang phục bằng giấy báo cũ cho năm người mẫu mặc để 14 họa sĩ vẽ lên các bộ trang phục ấy ngay trong buổi khai mạc triển lãm. Sau khi bế mạc tại Hà Nội, dự kiến triển lãm sẽ được tổ chức ở Hải Phòng.
- Diễm Anh