1.
Kiến Tường tên gọi vùng đất Mộc Hóa cũ mà trước kia, người Pháp hay nói câu nói dài xọc: “Plaine inondée couverte d’herbe” và về sau, gút gọn là “Plaine des Joncs”, nghĩa là “Đồng cỏ lát”. Dân bổn địa thì lại khác, họ thường có thói quen gọi nơi chốn sanh ra, lớn lên và sống chết bằng cái tên máu thịt thân thương “Đồng Tháp Mười”.
Thế ỷ dốc, Đồng Tháp Mười tựa vào triền đất cao ráo biên giới Campuchia rộng rãi, trũng và sâu về hướng Tây Nam nên hằng năm toàn vùng sáu tháng nước nổi, sáu tháng đất khô giữa hai mùa mưa nắng. Tư Tâm nhớ lại lúc tới lứa tuổi quân dịch, má Hai lo đi lính kiểng ở Tiểu khu.
Hồi đó, Tiểu khu Kiến Tường bao bọc bởi tre tiếp nối tre thành rừng tre trong lòng phố thị. Tuy Tư Tâm thuộc lính kiểng, nhưng không phải kiểng để chưng hay khoe sắc hương mà là loại kiểng “lương lính sếp lãnh, hàng tháng phải lấy tiền nhà đóng hụi chết cho sếp”. Mấy người bà con ở chợ xúi má đưa Tư vô chùa tu trốn lính. Má Hai thường cười giả lả, vì sợ mích lòng những tấm lòng tốt với mẹ con của má.
Đêm đêm, tiếng chuông chùa Tường Vân từ Bà Kén vọng về, má Hai thắp nhang trước bàn thiên sân nhà cầu nguyện mau tới ngày hòa bình. Thỉnh thoảng, dưới ánh hỏa châu treo sáng, Tư
Tâm bất chợt nhìn thấy những hạt nước long lanh nơi khóe mắt má!
Má Hai tin và hy vọng những gì ông ngoại thằng Tư kể là đúng. Khi rảnh rỗi, ông ngoại thường gác chưn chữ ngũ nằm trên cái giường tre, kể chuyện xưa cho đám con cháu đứa nào nghe được thì nghe, bởi chưa bao giờ ông bắt con cháu phải nghe. Đời ông luân lạc đến xứ này từ cái thuở tụi Tây không dám bén mảng tới, cho dù đó là đất thuộc Pháp cai quản.
“Người khác xứ không thể nào hiểu nổi nơi đồng nước bao la như đại dương và độ sâu có khi đến ba bốn thước vào mùa nước nồi, mà cây tre vẫn sống an lành”.
Má Hai ngây ngô hỏi:
“Thiệt hả tía!”.
Ông ngoại cười, chậm rãi nói:
“Không thiệt thì sao nhà mình có cây tre thẳng thớm và cao chót vót dựng nêu ăn Tết. Không thiệt thì sao tía có cái giường tre nằm riết rồi thanh mặt tre bóng láng và con thấy đó, mọi vật dụng trong nhà tía má đều làm bằng tre…”.
Nghe tía nói, má Hai quan sát thấy đúng quá chừng, từ cái nia, cái sàng cho tới rổ rá, thúng mủng… đều làm bằng tre.
Lớn lên, má Hai nhận ra tre chẳng những đồng hành mà còn thân thiện và tạo phương tiện sống cho người, như vó bè, cần câu, nơm đó, lợp lờ, đăng trúm, quang gánh…
Cây tre tuy mộc mạc nhưng không thô kệt, nhũn nhặn nhưng rất nhẫn nại và đặc biệt, không kén đất chê nước, nó biết thích nghi mọi hoàn cảnh sống. Với tre – chớ không là cây khác, nó biểu tượng sự thanh cao và bình yên xanh mát quê nhà!
“Gả con Hai cho con, tía mong con là cây tre sẽ trổ bông!”. Ông ngoại chỉ nói nhiêu đó với chàng rể, lúc tiễn má Hai bước xuống thuyền hoa về nhà chồng. Và chồng má hiểu điều tía vợ muốn nhắn gởi: “Vợ chồng ăn ở đời đời, kiếp kiếp và sống chết có nhau”!
Má Hai đẻ cho chồng ba mụm con, chết hai còn một và một đó là thằng Tư. Rồi, cao xanh cay nghiệt không cho tía thằng Tư ăn đời ở kiếp với má tới ngày tre trổ bông như ông ngoại hồi sanh tiền vẫn hằng mong. Tía thằng Tư chết lúc má còn son. Nhiều đêm, nhìn trăng biên thùy, chạnh lòng, má nhớ ngoại, nhớ chồng, nhớ mấy đứa con chia lìa má… Cũng có đôi lúc, má muốn bước đi bước nữa, nhưng rồi ngoái lại thấy bóng dáng đứa con giống hệt chồng và nhứt là lời ông ngoại văng vẳng bên tai: “Tre xanh dứt khoát không đứng khuất mình dưới bóng râm, dù là bóng râm đại thụ”… Từ đó, hình bóng tre quê ăn sâu vào tâm thức và má liệng hạnh phúc riêng, dồn tâm trí nuôi thằng Tư khôn lớn.
2.
Tháng tư, Kiến Tường hầm hập nóng khác lạ.
Sông Vàm Cỏ Tây chảy ngang qua thị trấn Mộc Hóa, quận Châu Thành, có hôm dòng chảy cạn nước, trơ đáy. Những rạch Cây Khô Nhỏ, Cây Khô Lớn, Ba Thằng Minh… chim trời tản mác không tụ bầy… Linh cảm có cái gì đó chẳng bình yên, bụng dạ Tư Tâm bồn chồn lo lắng. Lịnh Tiểu khu gom lính kiểng tập trung vô trại. Phiên gác buồn nối tiếp những phiên, Tư Tâm nhìn bờ tre, hàng hàng lớp lớp tre xếp thành tường lũy, tre dẻo và bền trước thiên tai; nhưng rồi ngày mai, cái ngày mai… nếu nghiệt ngã, liệu tường lũy tre kia có chống chọi nổi sự biến thiên trong cơn bão táp chiến tranh?
Ánh đèn vàng hắt hiu con đường trung tâm tỉnh lỵ. Đứng trực gác trong lòng lô cốt chất quanh bằng những bao cát tại ngả ba nhìn sang dải phố chìm ngập bóng đêm, Tư nghĩ lan man, hình như anh có đọc đâu đó rằng đất nước có cả thảy 23 giống tre, với 118 loài; anh không rõ tre mọc vùng biên cương nầy thuộc giống và loài tre nào?
***
Nắng rớt chiều làng Bình Hiệp bên kia sông Vàm Cỏ Tây, bông tre chùa Tường Vân trổ và cả rừng tre bọc quanh Tiểu khu Kiến Tường chớm màu dợm nở! Tư trốn trại, chạy về nhà.
“Con về nhà là phải rồi!”.
Má Hai ngưng nhai trầu, nói tiếp:
“Má cũng định kêu con về”.
Tư lau mồ hôi thấm ướt mặt
“Má ơi! Tre trổ bông!”.
“Má biết rồi, mấy ngày nay thiên hạ đồn ầm cả chợ Kiến Tường”.
Giục con, má Hai biểu:
“Thôi, đi rửa mặt đi con. Rồi, lo bỏ ba hột cơm trong bụng”.
Tư thừ người, ngồi bệt dưới nền gạch, lưng dựa cột.
“Tụi bạn của con nói: tre trổ bông là điềm gở, nó báo hiệu việc chẳng lành sắp xảy ra và sẽ có sự mất mát”. Nghe vậy, má khẳng định rằng:
“Phụ nữ nông thôn không thể có được suy nghĩ này, tre có lợi cho người chớ không hại người”.
Nghe má nói, Tư bồi hồi nhớ chuyện ngày cũ: hồi nhỏ, anh bị lang ben khắp mình mẩy, ngứa ngáy chịu hết xiết mỗi khi ra nắng phụ má việc đồng áng đổ mồ hôi. Thấy vậy, bà ngoại biểu má lấy sương mai còn đọng trên búp lá tre, xoa nhẹ lên vùng da bị lang ben; xoa liên tục mỗi buổi sáng, hết lang ben từ lúc nào anh cũng không biết. Má nói: “Mang thai con, lúc nào má cũng buồn nôn, bứt rứt… Bà ngoại cạo bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài và lớp ruột bên trong, chỉ lấy phần tre tươi. Ngoại nói đó là tre nhựa, cũng có người gọi đó là trúc nhựa. Ngoại sắc tre nhựa cùng sinh khương, má uống mấy lần đã hết chứng buồn nôn, bứt rứt…”. Tư bâng khuâng tự hỏi: “Tre giúp ích cho người, vậy người giúp ích gì cho tre?”.
Vòng đời của tre: sống – trổ bông – chết! Có phải đó là chu kỳ vĩnh cửu? Vòng đời của tre dài – ngắn, do huyết thống từng giống nòi tre; không giữ được nòi thì sao giữ được giống và mong chi huyết thống còn tồn tại trong tre!
3.
Thoang thoảng hương bông tre lan tỏa khắp miền đất “Đồng cỏ lát”!
Điềm gở chẳng thấy đâu, chỉ thấy hòa bình về trên quê hương Kiến Tường vào buổi sáng đầu tháng năm, năm một chín bảy lăm!
Tối trời tôi không sợ chi ma/ Vườn hoang cũng lội, tre là ngà cũng chui!
Tiếng hò thôn nữ ở bến sông kéo Tư quay lại thực tại. Anh ngắm nghía từng chùm bông tre màu vàng trắng đang cố vươn mình đong đưa theo gió trên nền lá tre xanh. Bầu trời xanh!