Năm nay có điều lạ là các vở diễn chào đón năm mới cùng được giới thiệu sớm nên ngay từ mùa Giáng sinh, khán giả đã có thể thưởng thức nhiều tác phẩm hấp dẫn. Mỗi sân khấu dàn dựng theo một kiểu riêng, tạo nên màn hợp ca phong phú.
Với các nghệ sĩ trẻ, phiêu lưu và tìm tòi sự mới lạ đang là một thử thách. Vở Tình ca phố (Nhà hát Sân khấu nhỏ) được thể hiện bởi một ê-kíp rất trẻ. Khi đọc kịch bản của tác giả trẻ Tiến Đạt, đạo diễn Tùng Phi cảm thấy thú vị và anh đã tiếp tục hoàn chỉnh kịch bản để Tình ca phố sẽ trở nên khác lạ so với lối kết cấu kịch vốn quen thuộc lâu nay. Sẽ không có những biến cố theo kiểu kịch, mà chính dòng cảm xúc và trạng thái của các nhân vật sẽ tạo nên cảm hứng cho người xem. Diễn viên diễn giải nỗi vui buồn trong từng khoảnh khắc, trạng thái của nhân vật gắn với những biến chuyển của TP. Hồ Chí Minh hôm nay.
Một ông chủ quán cà phê thích giữ gìn đồ xưa và người đàn bà ma mị chỉ thích ngồi một góc thật riêng nhìn ra đường phố (Quốc Thịnh và Nghinh Lộc đóng) lại rất hiểu nhau và phải lòng nhau từ những uẩn ức trong đời sống. Một cặp đôi rất trẻ (Lân Nhã và Khả Như đóng) cảm nhận được tình yêu của họ chính là một thứ men chảy từ tình yêu thành phố. Trạng thái của họ sẽ làm khán giả vui buồn trong những tích tắc, chợt đến chợt đi của cảm xúc “say nắng” tình. Những góc phố, những con đường, những câu nói bâng quơ mà ngộ nghĩnh, dí dỏm của đôi bạn trẻ làm người xem thấy vui hơn. Rồi đến tình bạn của hai chàng trai hồn hậu và hào hiệp dù mỗi người một cá tính… Lời thoại trong kịch là những câu chuyện hằng ngày mà khán giả nào cũng có thể được nghe hoặc vẫn kể cho nhau nghe mà không biết chán. Để lôi kéo được sự quan tâm theo dõi của khán giả và không làm ai bị ngán ngẩm bởi những câu chuyện bất tận của các đôi bạn, đội ngũ diễn viên rất biết khai thác cái duyên thầm của họ: Khả Như đầy cá tính, Quốc Thịch hài hước, Khắc Duy dí dỏm, Nghinh Lộc quyến rũ. Xem vở này, khán giả sẽ thấy những giao cảm về thành phố của họ, về tình bạn, tình yêu đồng điệu với cảm xúc của họ. Nắng, mưa, xe cộ ồn ào tấp nập trên đường, tiếng rao của cô bán hàng rong, những tòa cao ốc đang hiện hình ở góc phố, ngôi nhà cổ, hàng cây ven đường đều khiến khán giả phải luyến tiếc. Một tai nạn xe hơi bất ngờ làm đời người bỗng tan biến… Những nỗi buồn bảng lảng, sâu sắc đó có khi theo ta tê tái suốt đời… Thế giới bên trong tâm hồn luôn là những xô dạt niềm vui và nỗi buồn đầy kịch tính. Ý tưởng của vở kịch khá độc đáo, dàn diễn viên trẻ tung hứng khéo léo luôn làm không khí sân khấu sôi động. Xem Tình ca phố chợt thấy lại không khí rất trẻ đầy nhiệt huyết của sân khấu này thời “ngụ ngôn năm 2000”.
Để chiều lòng những khán giả thích dạng kịch có đủ các yếu tố ma, hài và chút lâm ly bi ai, Sân khấu Kịch Phú Nhuận tiếp tục trình làng phần thứ ba của vở Người vợ ma với tên gọi Ảnh ảo. Hình ảnh hồn ma bóng quế không còn khiến khán giả phải hét lên như hai phần đầu. Câu chuyện được kéo dài thêm với một chút ám ảnh, những uẩn ức chưa giải tỏa để hướng tới một cái kết có hậu và giải quyết mọi mâu thuẫn rốt ráo hơn. Tuy nhiên, đến Ảnh ảo, có cảm giác việc kéo dài tiếp một vở đã quá ăn khách chưa hẳn đã là giải pháp hay về mặt nghệ thuật. Làm kịch có yếu tố ma muốn cho hấp dẫn không chỉ cần kịch bản tốt, đạo diễn giỏi và đội ngũ diễn viên tài năng, mà còn cần có trang thiết bị kỹ thuật sân khấu hiện đại hơn để tạo được những cảnh rùng rợn mới mẻ, nhưng tiếc rằng đó là một thách thức quá lớn đối với Sân khấu Kịch Phú Nhuận.
Trên Sân khấu Superbowl, Tầng 13 của đạo diễn Xuân Trang là một vở kịch pha trộn giữa hài và tâm lý. Câu chuyện về nỗi ám ảnh của một cái chết trên tầng 13 chỉ còn là sự thêu dệt chuyện phiếm của một khu chung cư. Tất nhiên, khi nhân vật buôn chuyện thì khán giả phải nghe và có người cười được, cũng có người cười không nổi. Xen kẽ với nhiều cảnh dông dài cũng có những màn hấp dẫn và kịch phát triển nhanh, bạo tay. Đến giờ chót, người xem phải bật dậy bởi kịch tính nhanh bất ngờ như thể loại kịch hình sự. Có vẻ như đạo diễn Xuân Trang vẫn còn lưỡng lự giữa ngã ba đường, chưa biết chiều theo thị hiếu khán giả hay đi theo hướng mình muốn. Là diễn viên, anh tạo ra nhân vật rất góc cạnh, sắc sảo. Làm đạo diễn, anh dựng những màn kịch từng khiến khán giả đứng tim. Tuy nhiên, ở Tầng 13, nếu anh không để nhân vật đùa cợt quá lâu trên sân khấu thì mạch kịch liền lạc hơn, hoàn chỉnh hơn.
Nhà hát Kịch Việt Nam lần này dàn dựng vở Lâu đài cát khá bề thế. Từ kịch bản của tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn Anh Tú đã cho khán giả thưởng thức một câu chuyện xảy ra trong gia đình nhưng được nâng lên bởi những tư tưởng lớn lao, rằng khi người ta sống dối trá với nhau, khi cả niềm tin và khát vọng cũng không còn thành thực thì tất cả những gì gia đình gom tụ được cũng chỉ như một lâu đài cát. Cảnh trí sân khấu hoành tráng, lời thoại chan chát, sắc bén được lồng nhiều tư tưởng nhân văn, đầy ý nghĩa, lại thêm đài từ đẹp, chuẩn, vang vọng của dàn diễn viên tạo nên những âm sắc mạnh, thống thiết, khiến cảm xúc bi ai của kịch được nhân lên rất nhiều. Đó cũng là sự khác biệt giữa phong cách “kịch Bắc” và “kịch Nam”. Sự căng cứng trong cả nội dung lẫn cách diễn xuất của giới làm kịch phía Bắc vốn được cho là khó xem đối với khán giả miền Nam, nhưng điều đáng mừng là ởLâu đài cát, yếu tố đó đã giảm đi rất nhiều. Nhân vật có phần mềm mại hơn, đời hơn, diễn viên cũng dung dị hơn. Nội dung vở diễn tạo được những nhận thức cũ mà mới, để lại cho khán giả những suy nghĩ và trăn trở. Trong vở kịch, hình tượng ông bà (Danh Nhân và Lệ Ngọc đóng) gợi cho khán giả về một nếp nhà xưa của những năm chưa có chiến tranh hơn là những ngôi nhà thời hiện tại. Chính vì thế, hình ảnh gia giáo của một gia đình đậm chất Hà Nội bị gò theo công thức, làm giảm đi sự hồn nhiên vốn có ở đời sống hiện tại. Dàn diễn viên lần này tuy thiếu vắng những tên tuổi quen thuộc như Thu Hà, Anh Tú, Anh Dũng, Quế Hằng, nhưng lại có sự bù đắp của những gương mặt mới trẻ và đầy triển vọng như Thu Hương, Kim Hường, Tuấn Minh… Hy vọng rằng theo thời gian, họ sẽ giúp Nhà hát Kịch Việt Nam lấy lại được phong độ như thuở nào.
Việt Nga (DNSGCT)