Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các đồng minh Ả Rập tại cuộc hội nghị ở Jiddah, Ả Rập Saudi
Hoa Kỳ chính thức khai chiến với Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq, cho thấy Iraq lại sắp bước vào cuộc chiến thứ ba. Khác với hai cuộc chiến lần trước vào năm 1991 và 2003 chống lại chế độ đương quyền, cuộc chiến lần này nhằm chống lại một Nhà nước Hồi giáo mà Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn “tận diệt đến tận Syria”.
Phát biểu trên đài truyền hình giữa tuần qua, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố gia tăng các vụ không kích chống lại phe thánh chiến Hồi giáo cực đoan tại Iraq cũng như tại Syria. Đây là một sự thay đổi đột ngột, bởi cách đây chỉ một tháng, ông Barack Obama đã tuyên bố tiến hành các vụ oanh kích “có giới hạn” nhắm vào các vị trí của Nhà nước Hồi giáo để bảo vệ các nhân sự Hoa Kỳ đang có mặt tại Erbil và Baghdad. Đồng thời còn nhằm bảo vệ cộng đồng Yazidi tránh một cuộc diệt chủng của phe Hồi giáo cực đoan.
Chiến lược của Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo thông qua bốn bước cụ thể. Thứ nhất, tiến hành chiến dịch oanh kích có hệ thống vào những điểm nào có thành phần khủng bố tại Iraq, thậm chí có thể đến tận Syria.
Thứ hai, gia tăng hỗ trợ những tổ chức nào chống lại phe thánh chiến Hồi giáo cực đoan. Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ gởi thêm 475 cố vấn quân sự đến Iraq, cộng với số 800 đang hiện diện tại chỗ. Tuy nhiên, ông gạt mọi khả năng gởi binh sĩ tham chiến trực tiếp tại Iraq.
Điểm thứ ba, tăng cường các hoạt động tình báo nhằm phá vỡ các mạng lưới tài chính và tuyển dụng người của Nhà nước Hồi giáo. Về điểm này, Tổng thống Mỹ cho biết tại cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tới đây ông sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của cả cộng đồng quốc tế.
Thứ tư là vẫn viện trợ nhân đạo cho dân thường vô tội gồm cả người Sunni và Shiite đang đối diện với nguy hiểm.
Theo đài BBC hôm 11-9, có 10 nước Ả Rập (gồm Ả Rập Saudi, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Iraq, Jordan và Lebanon) đã đồng ý trợ giúp Mỹ tấn công IS ở cả Iraq lẫn Syria.
Đ.N