Những kết quả phân tích mới nhất cho thấy mỗi năm, thế giới đang phát triển bị tổn hại ít nhất 1 ngàn tỉ USD do các hành vi tham nhũng và trốn thuế. Theo nhận định của tổ chức ONE Campaign gồm một nhóm luật gia chuyên nghiên cứu các biện pháp giảm nghèo cho châu Phi, khoản tiền thất thoát trên đã dẫn đến cái chết của 3,6 triệu người mỗi năm, nếu thu hồi được sẽ giúp cho 10 triệu trẻ em có cơ hội đến trường hoặc sản xuất thêm được 165 triệu liều vaccine, giúp hàng triệu trẻ em được phòng ngừa bệnh tật. Trong một bản tuyên bố phổ biến gần đây, ONE Campaign viết: “Một khi tham nhũng có cơ hội phát triển, nó sẽ hạn chế đầu tư tư nhân, tăng trưởng kinh tế giảm, gia tăng chi phí thương mại, có thể dẫn đến bất ổn chính trị. Ở những nước đang phát triển, tham nhũng là một sát thủ”. Khi các chính phủ không có đủ nguồn tài nguyên để đầu tư cho các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an toàn thực phẩm hay xây dựng những hạ tầng cơ sở cần thiết thì nhiều người nghèo còn phải chết oan uổng, đặc biệt là trẻ em.
Kết quả phân tích trên chủ yếu nhắm vào các hoạt động rửa tiền, tham nhũng, hối lộ và trốn thuế của giới tội phạm hay viên chức chính phủ các nước đang phát triển. Tiền thất thoát không phải là những khoản viện trợ phát triển mà là những khoản dành dụm được từ hoạt động thương mại của quốc gia. Trong các ngành công nghiệp ở một nước đang phát triển, ngành khai khoáng dễ bị lũng đoạn nhất. Chỉ riêng châu Phi thôi, việc xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên đã tăng gấp năm lần so với trước đây, tạo điều kiện cho nạn tham nhũng hoành hành.
Để giải quyết vấn đề trên, các luật gia trong ONE Campaign chủ trương tạo áp lực lên các nước công nghiệp hóa để thiết lập một loạt biện pháp nhằm trong sạch hóa các mối quan hệ quốc tế, trong đó một trong những mục tiêu chính là ngăn chặn nạn tham nhũng tại các nước đang phát triển. Trước tiên, cần tăng cường hiệu lực của những bộ luật về khai khoáng và buộc các nước này phải mở rộng điều kiện cho công chúng tiếp cận, nắm rõ các mối quan hệ giữa chính phủ và các bên đối tác. Nhiều cải cách cần được các nước phát triển như Mỹ, Anh… tiến hành, như đặt ra các chuẩn mực đòi hỏi các nước đang phát triển phải tuân thủ nếu muốn được tiếp tục viện trợ phát triển. Trong hai ngày 15 và 16-11-2014, một hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Úc với thành phần là lãnh đạo các nước thuộc nhóm G20 đại diện cho khoảng hai phần ba dân số thế giới, đang sở hữu 85% GDP toàn cầu và tham gia trên 75% hoạt động thương mại chung. Họ sẽ bàn thảo các vấn đềổn định tài chính toàn cầu, đẩy mạnh việc trao đổi thông tin về thuế khóa giữa các chính phủ và đặt ra các chuẩn mực có hiệu lực thi hành tại nhiều khu vực, nhiều nước trên thế giới. Các nhà phân tích hy vọng rằng sau hội nghị này, con số thất thoát hàng ngàn tỉ USD trong thế giới đang phát triển sẽ giảm thiểu, giúp cải thiện đời sống cho người dân nghèo trên khắp thế giới.
Lê Nguyễn tổng hợp