Trong tuần qua, Boeing đã giao mẫu máy bay dân dụng 787-9 đầu tiên cho Air New Zealand, chính thức mở rộng hoạt động thương mại của mình với mẫu máy bay mới nhất thuộc dòng Dreamliner. Việc Boeing bàn giao đúng hạn chiếc 787-9, mẫu máy bay mới nhất trong phân khúc máy bay thân carbon composite siêu nhẹ 787, đã đánh dấu một bước ngoặt của hãng trong việc nâng tầm khả năng thiết kế, lắp ráp và kiểm nghiệm nhanh chóng và đúng hạn. Với Dreamliner 787-9, Boeing sử dụng phương pháp sản xuất thân máy nhẹ làm bằng hỗn hợp plastic và một hệ thống điện siêu hiện đại để thay thế cho hệ thống kim loại nặng nề trên các mẫu máy bay trước đây. Tận dụng động cơ mới sản xuất bởi General Electric và Rolls-Royce Holdings PLC, mẫu máy bay mới cho phép tiết kiệm tới 20% nhiên liệu so với các máy bay cùng kích cỡ. Trước đây, Boeing đã phải vật lộn rất nhiều với mẫu máy bay Dreamliner thế hệ đầu tiên nhỏ hơn (787-8) khi phải thông qua khá nhiều hoạt động sửa chữa và điều chỉnh, đặc biệt là vấn đề pin lithium-ion. Mẫu 787-9 dài hơn mẫu 787-8 khoảng chín mét và cho phép chở thêm 38 hành khách, nâng tổng số hành khách vận chuyển lên 280 người. Ngoài ra, cùng nằm trong chuỗi Dreamliner, mẫu máy bay mới 787-10, với khả năng vận chuyển 323 hành khách, đã được trình làng năm ngoái và sẽ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2018.
Mẫu máy bay mới Dreamliner 787-9 của Boeing
Trong tuần qua, Air New Zealand cũng đã cho sơn lại vỏ ngoài chiếc máy bay 787-9 mới cho bắt mắt hơn và thực hiện chặng hành trình đầu tiên vào ngày 10-7 để đi đến thành phố Seattle (Mỹ). Tuy nhiên, Boeing 787-9 chỉ chính thức hoạt động trên diện rộng toàn cầu vào tháng 10 năm nay, sau khi All Nippon Airways (Nhật Bản) nhận được chiếc đầu tiên cho mình cũng trong tháng 7 này. Đến nay, Boeing đã bán máy bay 787-9 cho 25 khách hàng, bao gồm American Airelines, British Airways, Japan Airlines, Air France và Air Canada.
Kiên Lâm theoReuters