Là một trong những quốc gia khép kín nhất thế giới, một trong những thành trì cuối cùng của mô hình kinh tế tập trung, CHDCND Triều Tiên bắt đầu dành một chỗ đứng cho thị trường. Còn quá sớm để nói tới một sự chuyển mình, nhưng các phóng viên quốc tế đến Bình Nhưỡng tác nghiệp nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) nhận thấy một sự thay đổi tại Bắc Triều Tiên.
Trong bài phóng sự đăng trên nhật báo kinh tế Les Echos số ra ngày 14-4-2017, Yann Rousseau ghi nhận: Các cửa hàng ở Bình Nhưỡng ồn ào không kém những khu thương mại tại các thành phố lớn châu Á. Mọi người chen lấn nhau trước kệ bán bánh. Ở gian bán bia, bên cạnh những chai bia hàng “nội” mang nhãn hiệu Taedonggan của Bắc Triều Tiên còn có những chai Bia Saigon của Việt Nam. Bất chấp cấm vận quốc tế, có tiền dân Bắc Triều Tiên vẫn có thể mua những chai rượu ngoại. Đến hàng rau quả, người mua không có nhiều sự lựa chọn.
Theo phóng viên của hãng thông tấn Pháp AFP, ở các siêu thị tại Bình Nhưỡng có cả những lon nước ngọt Coca-Cola nổi tiếng của Mỹ. Trong các cửa hàng của nhà nước, các dịch vụ mua bán được thanh toán bằng đồng won Triều Tiên. Nhưng đi taxi, hay ăn hiệu, hoặc mua bán lặt vặt ở vỉa hè, trả tiền bằng USD, euro, hay đồng nhân dân tệ là chuyện thường tình mà không bị từ chối bao giờ. Đời sống của một phần dân cư thủ đô Bắc Triều Tiên có vẻ dễ chịu hơn.
Ngoại tệ được mua bán khá dễ dàng trên thị trường chợ đen. Điện thoại thông minh, xe hơi mới nhập của Trung Quốc hay được lắp ráp ngay tại Bắc Triều Tiên xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố. Những người bán rong thập thò ở các ngã tư, nhưng họ không còn bị đuổi bắt. Những người giàu có bắt đầu mua nhà ở các chung cư.
Về mặt chính thức, chế độ dòng họ Kim vẫn chủ trương “tự lực tự cường”, không lệ thuộc vào hàng hóa, vào tiền tệ của nước ngoài. Thực tế thì khác.
Kinh tế Bắc Triều Tiên đang từng bước thay đổi. Tuy vậy, trên những đại lộ thênh thang ở Bình Nhưỡng không ai trông thấy bóng những bảng quảng cáo, mà chỉ đầy những bích chương hoành tráng, ca ngợi công lao các chiến sĩ, những người lao động, những vị anh hùng dân tộc Bắc Triều Tiên hay thành tích của Đảng.
Theo giáo sư Andrei Lankov giảng dạy tại Đại học Kookmin-Seoul, giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng hiểu được rằng, nếu không để cho thị trường hoạt động, thì kinh tế không thể khá lên được, cho dù là ở một mức còn kém cỏi như hiện tại. Andrei Lankov là tác giả một công trình nghiên cứu về tình hình kinh tế Triều Tiên vừa được đăng trên tạp chí của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở tại Hoa Kỳ.
- L.Q