Tổng thống Trump hôm 6-12 thay đổi chính sách lâu năm của Mỹ khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dự kiến dời đại sứ quán nước này ở thành phố Tel Aviv tới Jerusalem.
Jerusalem là nơi có nhiều khu vực linh thiêng của Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, đặc biệt là ở khu vực Đông Jerusalem. Israel chiếm khu vực trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai. Nghị quyết 181 của Liên Hiệp Quốc năm 1947 nêu rõ Jerusalem thuộc sự quản lý quốc tế, không thuộc lãnh thổ Israel.
Động thái trên của Tổng thống Trump ngay lập tức đã vấp phải phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho rằng, quyết định này đồng nghĩa với việc Mỹ từ bỏ vai trò là nhà hỗ trợ đàm phán hòa bình. “Những hành động đáng chỉ trích và không thể chấp nhận này hủy hoại tất cả nỗ lực hòa bình” – Tổng thống Abbas nói.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng quyết định của Washington là “thiếu trách nhiệm và đi ngược lại với luật pháp quốc tế cũng như các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc”.
Quốc vương Salman của Arab Saudi nói rằng đây là sự khiêu khích thế giới Hồi giáo trên khắp thế giới. Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah al-Sisi cũng cảnh báo, quyết định này có thể làm tiêu tan các nỗ lực cho tiến trình hòa bình Trung Đông.
Điện Kremlin quan ngại trước việc Tổng thống Trump coi Jerusalem là thủ đô Israel, khiến tình hình thêm trầm trọng, dẫn đến chia rẽ cộng đồng thế giới. Hãng tin Tass đăng tin Dmitry Peskov, thư ký báo chí Điện Kremlin, trả lời báo giới ngày 7-12 nói rằng quyết định đó không giúp thúc đẩy giải quyết vấn đề Trung Đông mà ngược lại, dẫn đến chia rẽ cộng đồng thế giới.
BBC dẫn lời Giáo hoàng Francis cho biết: “Tôi không thể giữ im lặng trước những lo ngại về tình hình những ngày gần đây. Tôi cũng đặc biệt kêu gọi tất cả các bên tôn trọng vị thế của Jerusalem theo các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc”.
Về vấn đề này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, quyết định của Washington có thể tác động tiêu cực đến triển vọng hòa bình giữa Israel và Palestine. Ông cho rằng, vấn đề Jerusalem phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa hai bên.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu kêu gọi nối lại tiến trình hòa bình theo giải pháp hai nhà nước và nhấn mạnh vấn đề Jerusalem cần được giải quyết thông qua đàm phán.
Tại khu vực người Palestine tỵ nạn sinh sống ở thủ đô Amman, Jordan, những người biểu tình trẻ hôm 6-12 hô to khẩu hiệu chống Mỹ. Trong khi đó, hàng trăm người biểu tình ở trại tị nạn Baqaa, phía bắc Amman, đổ ra đường, lên án Tổng thống Mỹ Donald Trump và kêu gọi chính phủ Jordan hủy hiệp ước hòa bình năm 1994 với Israel.
Người dân Palestine ở Bờ Tây và Đông Jerusalem cũng biểu tình bằng cách đốt cờ, ảnh và hô khẩu hiệu chống Mỹ. Các nhóm Palestine đang kêu gọi tuần hành vào ngày 7-12 để phản đối quyết định của ông Trump. Bộ Giáo dục Palestine tuyên bố nghỉ một ngày, hối thúc các giáo viên, học sinh trung học, sinh viên tham gia các cuộc tuần hành ở Bờ Tây, Dải Gaza và khu vực người Palestine sinh sống tại Jerusalem.
Hàng nghìn người đổ ra đường ở khắp Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối ông Trump. Hàng trăm người phản đối trước lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul. Trong cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Ankara, họ tuyên bố khủng hoảng của người Palestine là vấn đề của tất cả những người Hồi giáo.
N.N