Không đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye kết thúc vòng điều trần thứ hai về vụ Manila kiện Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, ngày 1-12 Bắc Kinh đã lập tức lên tiếng phản đối. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền của Tòa quốc tế và không chấp nhận bất kỳ giải pháp của bên thứ ba nào liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Theo hãng tin Anh Reuters, giới chuyên gia hầu như đều cho rằng Trung Quốc sẽ phải trả giá trên trường quốc tế về thái độ này, nhất là khi tòa quốc tế phán quyết có lợi cho Philippines và Trung Quốc sẽ phải chịu những sức ép nặng nề về cả phương diện ngoại giao lẫn pháp lý.
Một số quốc gia đã yêu cầu được làm quan sát viên theo dõi vụ kiện tại La Haye, trong số này có Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Úc và gần đây nhất là Vương quốc Anh.
Washington đã ủng hộ vụ kiện và vào tháng 10 vừa qua, nhân viếng thăm Bắc Kinh, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khuyên Trung Quốc chấp nhận ra trước các tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Cũng như vậy, sau cuộc hội đàm 2+2 tại Sydney vào ngày 22-11 vừa qua, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Úc và Nhật Bản cho biết họ ủng hộ quyền của các bên tranh chấp ở Biển Đông để tìm kiếm sự phân xử quốc tế.
Theo một số chuyên gia phân tích được Reuters trích dẫn, nếu phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực chống lại những điểm chính trong đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thì chắc chắn các nước phương Tây sẽ có một sự thống nhất về lập trường và sẽ gây áp lực lên Bắc Kinh, cả trong những cuộc họp song phương lẫn trên các diễn đàn quốc tế.
Đối với nhiều nhà ngoại giao, việc Philippines thắng kiện Trung Quốc về Biển Đông, sẽ góp phần thúc đẩy Bắc Kinh chấp nhận các chuẩn mực pháp lý quốc tế trong khu vực cực kỳ quan trọng cho ngành vận tải đường biển này.
V.Đ (DNSGCT)