Mạng Tin Ả Rập dẫn các báo cáo mới đây của công ty phân tích rủi ro Maplecroft (Anh) cho biết các vụ bạo lực đã gia tăng trong những tuần gần đây ở cả Tripoli và Benghazi. Trong khi đó, các vụ xung đột nghiêm trọng cũng đã nổ ra trong những tháng gần đây ở phía tây Libya xung quanh vùng núi Nafusa và ở phía đông nam thành phố Kufra. Tình trạng gia tăng các loại vũ khí hạng nặng và hạng nhẹ tiếp tục làm suy yếu sự ổn định trong khi các loại vật liệu chưa nổ (UXO) tồn dư gây nguy hiểm cho các hoạt động kinh doanh và du lịch trong nước.
Một báo cáo được Đại học Harvard công bố vào tháng 8-2012 đã mô tả một nước Libya “tràn ngập các loại vũ khí, từ đạn dược và súng cối đến ngư lôi và tên lửa đất đối không”. Do chính quyền vẫn chưa đủ khả năng để giải quyết vấn đề, nguy cơ an ninh đối với người dân Libya vẫn rất lớn. Hơn nữa, nhiều nhóm dân quân và các cá nhân ở Libya không muốn từ bỏ vũ khí, điều này khiến các tranh chấp có thể nhanh chóng biến thành bạo lực với các loại vũ khí hạng nặng. Tình trạng leo thang căng thẳng như vậy đang tạo ra những rủi ro an ninh rất lớn đối với người dân tại các khu vực đô thị có mật độ dân số cao. Theo báo cáo, mối quan ngại vẫn còn khi lực lượng an ninh non trẻ của Libya được trang bị hết sức thô sơ để giải quyết nhiều thách thức mà họ đang phải đối mặt. Cảnh sát Libya hiện không có khả năng tuần tra trên các tuyến phố trong khi số vụ phạm pháp nhỏ ngày càng gia tăng. Đồng thời, họ vẫn đang gặp những thách thức từ các nhóm dân quân vốn phải chấp nhận từ bỏ quyền lực một cách miễn cưỡng. Mặc dù trong một số trường hợp, lực lượng dân quân đóng vai trò gìn giữ an ninh, giúp lập lại trật tự và chống tham nhũng nhưng họ vẫn còn vô trách nhiệm. Các tổ chức nhân quyền đã ghi nhận nhiều vụ việc cho thấy lực lượng dân quân đang góp phần gây mất ổn định và vi phạm nhân quyền. Tương tự như vậy, mặc dù Quân đội Libya đã đóng một vai trò quan trọng trong việc triệt hạ các băng nhóm tội phạm bị nghi ngờ thực hiện hoặc lập kế hoạch tấn công bằng bom và giải quyết các vụ tranh chấp bạo lực giữa các cộng đồng, nhưng vẫn còn nhiều công việc cần phải làm để lực lượng này trở thành quân đội quốc gia thống nhất. Ngoài lực lượng quân đội này còn có “Các Ủy ban An ninh tối cao (SSC)” và “Lực lượng Bảo vệ Libya (LSF)” nằm dưới sự bảo trợ của Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên vẫn có những dấu hiệu đáng khích lệ. Quân đội Libya đang nhận được sự ủng hộ của những người đứng đầu các bộ tộc và cộng đồng. Ngoài ra, việc tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 7 vừa qua với khoảng 13.000 binh sĩ và hàng chục ngàn nhân viên an ninh được huy động cũng là một dấu hiệu tích cực. Tuy vậy theo báo cáo, các cuộc tấn công gần đây chống lại các mục tiêu phương Tây ở thành phố Benghazi vẫn là nguyên nhân gây quan ngại, mặc dù vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu điều này có phải là sự khởi đầu của một chiến dịch tấn công lâu dài chống lại các mục tiêu phương Tây hay không.
Liên Quân