Theo báo cáo thường niên của Bách thảo hoàng gia Kew ở ngoại vi London, do UNESCO bảo trợ, trong năm 2016, 128 nhà khoa học ở 12 quốc gia đã phát hiện 1.730 cây cỏ mới. Trong đó, một số sẽ là cây lương thực tương lai, như 11 giống sắn Manihot esculenta, Brazil. Đặc điểm của giống sắn mới là sinh trưởng tốt ngay trên vùng khô cằn, nơi không thể trồng các loài khác. Những thực vật mỹ phẩm có cây củ cần Thổ Nhĩ Kỳ (Pastinaca), cây bạch hoa Philippines (Capparis), cây gừng Viễn Đông (Zinziberg)…
Báo cáo dành hẳn một chương mô tả và giải thích sự khác biệt của sức chịu đựng trong vương quốc thực vật khi khí hậu thay đổi. Thực vật lá và vỏ dày, rễ sâu, gỗ đặc, chế độ tiêu thụ nước hợp lý… có khả năng cao đối phó với hạn hán, hỏa hoạn, khô cằn. Từ đó, các tác giả định hướng lựa chọn thực vật rễ dài cho những vùng đất tương lai khô hạn, hơn là thực vật rễ ngắn như lúa mì.
Giám đốc khoa học Vườn bách thảo hoàng gia Kew, Kathie Willis cho rằng: Sự hiểu biết chi tiết thế giới thực vật là nền tảng sự sống con người trên trái đất này. Hơn bao giờ hết, phải bảo tồn, bảo vệ vương quốc thực vật.
- Lê Lành theo The Guardian