Tháng 1-1990, Kathleen Schneider và đội ngũ giúp việc của bà đã gửi một thông báo quốc tế bằng email, kêu gọi thành lập một bảo tàng tranh cho thiếu nhi, lúc bấy giờ họ mới có một văn phòng nhỏ đặt tại căn hộ của bà Schneider ở khu Greenwich Village của New York; không lâu sau mơ ước đó đã thành sự thật.
Lời kêu gọi của Kathleen Schneider sớm lan tỏa khắp nước Mỹ và đến nhiều quốc gia khác. Và thế là tranh của các em nhỏ được gửi tới “bằng mọi hình thức và với đủ loại kích thước, được đặt trong các hộp mỏng và dày, trong các thùng gỗ, và trong các bao thư với nhiều loại giấy khác nhau và với những con tem đầy màu sắc”, theo lời Rita London, Giám đốc triển lãm được tổ chức ngay sau đó. Triển lãm cũng là tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật Thiếu nhi (Children’s Museum of the Arts – CMA) ngày nay. Bà Schneider, người sáng lập cũng là Giám đốc điều hành CMA nhớ lại khoảng thời gian khó quên: “Mọi người đã hào hứng với dự án hơn chúng tôi tưởng tượng nhiều. Thậm chí chúng tôi còn nhận được tranh gửi đến từ Liban, nơi đang có chiến tranh lúc ấy”. Có cả một kiện hàng lớn được gửi tới từ nước ngoài. Tổng cộng, nhóm của bà Schneider đã nhận được gần 1.800 bức tranh của các em thiếu nhi tuổi mới lên hai cho tới 12 tuổi, đến từ 50 xứ sở. Một triển lãm có tên “Một thế giới trẻ thơ” được tổ chức tại gallery A.I.R ở khu Soho của New York, trưng bày 75 tranh được tuyển chọn bởi một nhóm các chuyên gia mỹ thuật, đánh dấu sự ra đời của bộ sưu tập CMA từ năm 1991, sau đó tiếp tục phát triển không ngừng để trở thành bộ sưu tập tranh thiếu nhi lớn nhất thế giới, trong đó có hàng ngàn bức tranh được các thế hệ trẻ em vẽ từ thập niên 1930.
Ngày nay, CMA sở hữu một khối lượng rất lớn tranh thiếu nhi song 1.800 bức nhận được từ buổi đầu được coi là cốt lõi của bộ sưu tập độc đáo này. Bên cạnh các triển lãm thường xuyên của CMA, tranh còn được nhiều bảo tàng, phòng tranh mượn trưng bày trong các dịp đặc biệt, kể cả được trưng bày chung với các tác giả lớn tuổi trong các triển lãm chuyên đề. CMA cũng mở rộng cơ sở vật chất theo thời gian. Hiện bảo tàng là một tòa nhà rộng gần 1.000m2 trên đường Charlton ở thành phố New York. CMA vẫn đang nhận được tặng phẩm từ các sưu tập cá nhân, thường là từ các thầy giáo từng dạy vẽ cho thiếu nhi. Trong số đó có Joseph Solman, từng làm việc bên cạnh họa sĩ lừng danh Mark Rothko và đã sưu tầm nhiều tranh của thiếu nhi mà ông và các đồng nghiệp đã dạy cho các em trong các thập niên 1930, 1940. Những bức tranh đó có một giá trị lịch sử đáng kể.
Đã có những thời khắc thật cảm động tại CMA. Jil Weinstock, Giám đốc mỹ thuật cũng là giám tuyển của CMA nhớ lại hình ảnh một thầy giáo dạy mỹ thuật cao niên ở khu Bronx đã đến bảo tàng cùng ba học trò năm xưa của ông, nay đều ở tuổi sáu mươi. Họ đi tìm lại những bức tranh mà thời thơ ấu đã vẽ, sau này được người thầy tặng cho bảo tàng.
- Ngã Văn