Bánh mì là một món ăn hấp dẫn và không thể thiếu với nhiều người, nhiều nền ẩm thực. Thế nhưng, trong một thời gian dài, thành phần “carbohydrate tinh chế” lại là “tội đồ” gây đau đầu cho những người yêu thích món ăn này. Gần đây, một thế hệ thương hiệu mới đang nỗ lực làm cho bánh mì trở nên tốt hơn cho sức khỏe bằng nhiều cách thức sáng tạo.
Modern Baker là một thương hiệu bánh mì của Anh ra đời vào năm 2014, đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất bánh mì với cách tiếp cận mới, kết hợp khoa học hiện đại với kỹ thuật làm bánh truyền thống. Với quy trình sản xuất này, bánh mì có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn bánh mì thông thường, tốt cho tiêu hóa và sức khỏe đường ruột. Ngoài ra, quy trình của Modern Baker cũng làm tăng chất dinh dưỡng, tăng tốc độ và mức độ hấp thu dưỡng chất.
Modern Baker đã nhận được vốn đầu tư từ “Innovate UK” (Cơ quan đổi mới Vương quốc Anh) để nghiên cứu về những lợi ích sức khỏe của bánh mì. Theo Leo Campbell, nhà đồng sáng lập của Modern Baker, cuộc nghiên cứu này tập trung tìm hiểu các phương pháp khoa học nhằm giúp cho món bánh mì trở nên tốt cho sức khỏe hơn và tìm khả năng sản xuất đại trà để phục vụ đối tượng người dùng rộng hơn. Công ty này đang hợp tác nghiên cứu và phát triển với Viện sinh học phân tử và tế bào của Đại học Newcastle và Campden BRI, một tổ chức nghiên cứu về công nghệ thực phẩm và đồ uống hàng đầu tại Anh.
Còn trong thực đơn của nhà hàng cà phê Coco di Mama ở London, đã xuất hiện một loại bánh sừng bò dành cho người ăn chay. Loại bánh này không có bơ (từ sữa) mà thay vào đó là các thành phần như bơ làm từ hạt hướng dương, đậu nành, hoa lúa mạch, than hoạt tính, đường và chanh. Theo thông tin của nhà hàng này, than hoạt tính “giúp giải độc cơ thể bằng cách trung hòa lượng axit thừa trong bao tử”.
Trong khi đó, doanh số của Pure Grain Bread: the Heart of Nature – một thương hiệu bánh mì không làm bằng bột, không men nở ra đời vào năm 2015 – đã tăng vọt sau khi xuất hiện trong chương trình truyền hình Dragons’ Den của đài BBC. Loại bánh mì này được làm từ ngũ cốc nguyên hạt (whole grain) cùng các loại hạt khác, giàu omega-3, chất xơ và protein tốt cho sức khỏe. Các sản phẩm của Pure Grain Bread phù hợp với những người theo chế độ ăn kiêng không sữa, đường, bột mì hay gluten hoặc cần chế độ ăn có chỉ số đường huyết và tải lượng đường huyết (GL) thấp.
Nhà sáng lập Robert Sak là một doanh nhân khởi nghiệp người Ba Lan từng mơ làm cầu thủ. Ông hợp tác với một người làm bánh mì cho ra đời loại bánh áp dụng kỹ thuật nướng bánh truyền thống của Ba Lan nhưng tập trung giải quyết các nỗi lo về sức khỏe cho người dùng. “Rất ít người tiêu thụ đủ lượng chất xơ cần thiết, nhưng Pure Grain Bread chứa rất nhiều chất xơ. Chỉ cần một lát bánh mì này đã cung cấp 1/5 nhu cầu chất xơ được khuyên dùng cho một ngày”, cây bút chuyên về dinh dưỡng Ursula Arens viết.
Bánh mì tốt cho sức khỏe với thành phần nguyên hạt là một xu hướng đang lên. Theo những dữ liệu được công bố tại hội thảo Whole Grain Summit tổ chức ở Vienna vào cuối năm 2017, việc thay thế ngũ cốc tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp giảm gánh nặng do các bệnh kinh niên gây ra nhiều hơn bất cứ sự thay đổi nào khác về mặt ẩm thực. Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu đưa thực phẩm nguyên hạt vào bữa ăn sẽ tốt cho sức khỏe nhiều hơn cả nỗ lực nhằm giảm lượng muối, chất béo bão hòa hay nước ngọt.