Khó có thể quy kết ai là thủ phạm của những sự cố đó, dù có ý kiến cho rằng Wal-Mart đã cố tình ngăn cản yêu cầu gia tăng an toàn chống cháy nổ trong năm ngoái, hoặc một số công ty đến từ châu Âu không chịu cải thiện điều kiện an toàn sản xuất. Một số công ty đa quốc gia nổi tiếng nhìn nhận có liên quan trong những sự cố đó nhưng không thừa nhận mình là người chịu trách nhiệm chính. Sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng và đòi hỏi nguồn hàng giá rẻ là nguyên nhân trực tiếp. Ngay cả các công ty quan tâm khá tốt đến đời sống công nhân cũng không thể làm gì tốt hơn trong chuỗi cung ứng lỏng lẻo, nhiều mắt xích (đủ các loại nhà thầu phụ) và không dám đảm bảo rằng sản phẩm của họ được cung ứng “phù hợp với đạo đức”.
Chuỗi sự cố tại Bangladesh cho thấy chiến dịch nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp chưa thu được thành công như mong đợi. Có lẽ cần vận dụng rộng rãi hơn một mô hình khác là hợp tác chặt chẽ hơn giữa sự quản lý của cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp (mô hình hợp tác công và tư) như đã được thực hiện trong ngành may mặc tại Campuchia dựa trên thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ (cụ thể là yêu cầu phải cải thiện các điều kiện lao động theo quy định của Tổ chức Lao động quốc tế). Nếu Campuchia làm được, tại sao Bangladesh lại không thể?
Liên minh châu Âu đang xem xét áp dụng quy chế thương mại nhằm buộc Bangladesh phải cải thiện mạnh mẽ điều kiện làm việc cho công nhân. Tại Hoa Kỳ, các dân biểu thuộc đảng Dân chủ tại Hạ viện đang tạo áp lực để Tổng thống Obama phải có hành động cứng rắn hơn nữa.
Công nhân Bangladesh cũng đã nhận ra hậu quả của sự tùy tiện trong việc đảm bảo điều kiện an toàn trong sản xuất tại các doanh nghiệp. Những cuộc biểu dương lực lượng chống đối đã buộc chính phủ nước này phải thay đổi một số điều khoản trong Luật Lao động, ví dụ cho phép hình thành tổ chức Công đoàn và chủ doanh nghiệp phải định kỳ xem xét tăng mức lương tối thiểu cho người lao động.
Thiên Bảo theo NYT, 20-5-2013